Sáng ngày 26/11/2024, trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thu nhận cao chiết giàu dẫn xuất catechin có hoạt tính sinh học từ vỏ lụa hạt điều (
Anacardium occidentale L.) phế phẩm tại Bình Phước ứng dụng tạo sản phẩm chức năng”. Đây là Hội thảo khoa học nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu tách chiết và thu nhận cao chiết giàu dẫn xuất catechin có hoạt tính sinh học từ vỏ lụa hạt điều (
Anacardium occidentale L.) phế phẩm tại Bình Phước ứng dụng tạo sản phẩm chức năng” thuộc sở KHCN tỉnh Bình Phước do ThS. Nguyễn Thị Dung – Trưởng phòng Phòng Công nghệ sinh học Thực phẩm làm chủ nhiệm đề tài, Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện.
Hội thảo nhằm tạo một diễn đàn để các nhà khoa học và doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu trao đổi thảo luận một số kết quả nghiên cứu hướng đến tạo sản phẩm chức năng đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong tương lai.
Hội thảo thu hút nhiều thầy cô, các nhà khoa học đến từ các trường Đại học và Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp tại TP. HCM và nhiều sinh viên các trường đến tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Hà Thị Loan – Phó giám đốc Trung tâm đã nhấn mạnh định hướng, mục tiêu nghiên cứu của đề tài cũng những mục tiêu của hội thảo.
Tại hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Dung – Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh đã trình bày tham luận: “Tiềm năng ứng dụng của chiết xuất vỏ lụa hạt điều (
Anacardium occidentale L.) và một số kết quả nghiên cứu đạt được”. Tham luận đã chỉ ra quy trình chiết xuất vỏ lụa hạt điều giàu catechin, các hoạt tính kháng oxy hóa, kháng vi sinh vật, chống viêm, khả năng ức chế elastase của cao chiết, từ đó mở ra tiềm năng ứng dụng trong dược phẩm và mỹ phẩm.
Ngoài ra, hội thảo còn thu hút nhiều báo cáo liên quan khác. Chia sẻ về hiệu quả hoạt tính kháng oxy hóa và kháng khuẩn của cao chiết từ bã quả điều giả, TS. Vũ Thị Huyền Trang – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đã nhận định rằng cao chiết từ bã quả điều giả sở hữu hoạt tính kháng oxy hóa và kháng khuẩn đáng kể. ThS. Võ Nguyễn Thanh Thảo – Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh đã trình bày tham luận “Catechins – Hoạt tính sinh học và tiềm năng ứng dụng của chúng”. Theo đó, catechin là một hợp chất polyphenol có đặc tính chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ giảm viêm và có tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm. TS. Nguyễn Hữu Hùng – Trường Đại học Văn Lang, cũng đã chia sẻ và bàn luận về “Ứng dụng ngoài da của các hoạt chất và công nghệ sản xuất nguyên liệu mỹ phẩm từ cây điều”. Ông nhấn mạnh rằng các sản phẩm mỹ phẩm từ cây điều có thể cung cấp giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường.
Thay mặt cơ quan chủ trì, TS. Nguyễn Hải An – Giám đốc Trung tâm đã gửi lời cảm ơn đến các thầy cô, quý doanh nghiệp, các nhà khoa học đã quan tâm tham dự và đóng góp ý kiến giúp buổi hội thảo thành công tốt đẹp./.
TS. Hà Thị Loan – Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo
ThS. Nguyễn Thị Dung – Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại hội thảo
TS. Vũ Thị Huyền Trang – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trình bày tham luận tại hội thảo
ThS. Võ Nguyễn Thanh Thảo – Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại hội thảo
TS. Nguyễn Hữu Hùng – Trường Đại học Văn Lang trình bày tham luận tại hội thảo
TS. Nguyễn Hải An – Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh phát biểu bế mạc hội thảo
Một số đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo