Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

http://hcmbiotech.com.vn


Quy định mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

Ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức...
Ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Nghị định này quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện thành lập theo quy định của pháp luật.
 
Theo Nghị định, việc phân loại viên chức được xác định theo 02 tiêu chí: i) Theo chức trách, nhiệm vụ gồm: Viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý; ii) Theo trình độ đào tạo gồm: Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp.

Về nội dung và hình thức tuyển dụng viên chức, Nghị định yêu cầu đối với thi tuyển và xét tuyển viên chức thì vòng 2 đều phải thực hiện thi môn nghiệp vụ chuyên ngành thông qua một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn, thực hành, thi viết.

Đối với quyết định tuyển dụng và ký kết hợp đồng làm việc, Nghị định quy định sau khi người trúng tuyển hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức ra quyết định tuyển dụng, đồng thời gửi quyết định tới người trúng tuyển theo địa chỉ đã đăng ký và đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức để biết, thực hiện việc ký hợp đồng làm việc với viên chức.

Về tiếp nhận vào làm viên chức, Nghị định nêu rõ căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng được xem xét tiếp nhận vào làm viên chức đối với 03 trường hợp cụ thể. Đặc biệt khi tiếp nhận để bổ nhiệm làm viên chức quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thì cơ quan, đơn vị không phải thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch để thực hiện quy trình xem xét tiếp nhận và quyết định bổ nhiệm đồng thời là quyết định tiếp nhận vào làm viên chức, khi đối tượng đủ điều kiện để tiếp nhận vào làm viên chức và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm.

Nghị định 115/2020/NĐ-CP cũng đã quy định rõ về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức bao gồm các nội dung: Tên của chức danh nghề nghiệp; nhiệm vụ bao gồm những công việc cụ thể phải thực hiện có mức độ phức tạp phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp; tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời đã bổ sung thêm chức danh nghề nghiệp hạng V bên cạnh 04 chức danh cũ hiện đang áp dụng là chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV.

Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện đối với 03 trường hợp cụ thể: i) Xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác tương ứng cùng mức độ phức tạp công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm; ii) Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp; iii) Xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn tương ứng với chức danh được công nhận, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Cũng theo Nghị định, việc xét chuyển chức danh nghề nghiệp được thực hiện khi viên chức thay đổi vị trí việc làm mà chức danh nghề nghiệp đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới. Viên chức được xét chuyển chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được chuyển và khi xét chuyển chức danh nghề nghiệp không kết hợp nâng bậc lương.

Đối với việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Nghị định đã quy định thêm hình thức xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được bổ nhiệm chức danh có yêu cầu hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Về giải quyết thôi việc đối với viên chức Nghị định 115 đã quy định 03 trường hợp viên chức được giải quyết thôi việc, đó là: i) Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức; ii) Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức khi có một trong các trường hợp quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức và khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; iii) Đơn vị sự nghiệp công lập không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức khi kết thúc hợp đồng làm việc xác định thời hạn. Đồng thời Nghị định cũng quy định các trường hợp viên chức chưa được giải quyết thôi việc: i) Đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử; ii) Chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo; iii) Chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập; iv) Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định nêu rõ:
1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:
a) Thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với viên chức theo phân cấp;
b) Thực hiện tuyển dụng, ký và chấm dứt hợp đồng làm việc, biệt phái viên chức theo phân công, phân cấp;
c) Bố trí, phân công nhiệm vụ và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng viên chức theo phân cấp;
d) Thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật theo quy định;
đ) Thực hiện việc lập hồ sơ và lưu giữ hồ sơ cá nhân của viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định;
e) Giải quyết thôi việc, nghỉ hưu đối với viên chức theo phân cấp;
g) Ký kết hợp đồng vụ, việc đối với viên chức đã nghỉ hưu;
h) Thống kê và báo cáo cơ quan, tổ chức cấp trên về số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định;
i) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, ngoài các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này còn có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Quyết định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc theo quy định của Đảng và của pháp luật;
b) Tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật và theo phân công, phân cấp;
c) Quyết định cử viên chức tham dự các cuộc hội thảo, hội nghị, nghiên cứu khảo sát và học tập kinh nghiệm ở nước ngoài theo phân cấp.

Nghị định 115/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 9 năm 2020. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án, kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức (thi tuyển, xét tuyển, tiếp nhận vào làm viên chức), thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày ban hành Nghị định này thì được tiếp tục thực hiện theo đề án, kế hoạch đã được phê duyệt trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn này nếu không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Đồng thời bãi bỏ các Nghị định sau: i) Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; ii) Điều 2 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập./.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Tuấn - P. Hành chính Quản trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây