Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

http://hcmbiotech.com.vn


Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước

Ngày 20/5/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 1750/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân...

Ngày 20/5/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 1750/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Theo đó, Quy chế này quy định nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ban, ngành (sau đây gọi tắt là sở, ban, ngành) thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân Thành phố), Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Về đối tượng áp dụng, Quy chế này áp dụng đối với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức trên địa bàn Thành phố.

Về nguyên tắc phối hợp, Quy chế yêu cầu cần tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao; các hoạt động phối hợp được triển khai thực hiện đồng bộ, thường xuyên, kịp thời và hiệu quả nhằm tăng cường hiệu quả chung của công tác quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo việc phối hợp thực hiện trên tinh thần trách nhiệm, tôn trọng, đoàn kết, hỗ trợ nhau thực hiện nhiệm vụ, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên và hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; đảm bảo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; phối hợp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị; đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc vượt thẩm quyền phải báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

Ngoài ra các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì phải chịu trách nhiệm xuyên suốt đến cùng về chất lượng, tiến độ tham mưu và đảm bảo tuân thủ đúng quy định; không đùn đẩy trách nhiệm lên cơ quan cấp trên hoặc cơ quan, đơn vị khác; chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan để tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố. Trường hợp cơ quan, đơn vị có liên quan không phối hợp, chậm phối hợp theo đề nghị thì cơ quan, đơn vị chủ trì báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố bằng văn bản để xem xét, quyết định.

Cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm xác định rõ đối tượng, nội dung cần phối hợp, nội dung cần lấy ý kiến và gửi đầy đủ hồ sơ đến cơ quan, đơn vị phối hợp, chỉ thực hiện phối hợp với cơ quan, tổ chức và đối tượng liên quan đến nhiệm vụ được giao nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện, tránh tình trạng phối hợp dàn trải với nhiều cơ quan, đơn vị không liên quan. Các cơ quan, đơn vị phối hợp chịu trách nhiệm trả lời đầy đủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ, có chính kiến, đảm bảo thời hạn theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị chủ trì và chỉ đạo của cơ quan cấp trên, không đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau.

Có 6 nội dung phối hợp chính, đó là: (1) Tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch; ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; (2) Triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; (3)  Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc xử lý theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch còn chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; (4) Trao đổi thông tin, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp thông tin kết quả thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền; (5) Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo Chương trình, Kế hoạch hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền; và (6) Phối hợp giải quyết thủ tục hành chính, tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước theo quy định pháp luật và các vấn đề có liên quan đến thực tế đặt ra trong quá trình quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và các vấn đề do Ủy ban nhân dân Thành phố, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo.

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này. Kết quả thực hiện Quy chế phối hợp này sẽ làm cơ sở cho việc đánh giá xếp loại chỉ số cải cách hành chính và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Căn cứ vào Quy chế này, tùy tình hình thực tế và nhu cầu phối hợp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành chủ động xây dựng riêng Quy chế phối hợp giữa các các cơ quan, đơn vị có liên quan hoặc Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị chủ trì, cơ quan, đơn vị phối hợp, trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét ban hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2536/QĐ-UBND ngày 27/7/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận - huyện trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Tuấn - Phòng Hành chính Quản trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây