Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

http://hcmbiotech.com.vn


SÀNG LỌC CHỦNG VI KHUẨN LACTIC CÓ KHẢ NĂNG GIẢM CHOLESTEROL

Cholesterol trong máu tăng có liên quan đến nhiều bệnh lý, đặc biệt là tim mạch. Tại Việt Nam, mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người,...
Cholesterol trong máu tăng có liên quan đến nhiều bệnh lý, đặc biệt là tim mạch. Tại Việt Nam, mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người, chiếm ¼ tổng số ca tử vong. Theo WHO dự đoán, đến năm 2030 các bệnh tim mạch sẽ vẫn còn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, ước tính con số mắc bệnh lên đến 23,6 triệu người trên toàn thế giới. Bên cạnh việc sử dụng dược lý và thay đổi hành vi sinh hoạt hằng ngày, xu hướng sử dụng các sản phẩm có bổ sung lợi khuẩn là vi khuẩn lactic (LAB) cũng đang được quan tâm nhằm điều chỉnh mức cholesterol trong cơ thể.

 Vi khuẩn LAB thu hút nhiều nghiên cứu do tác dụng có lợi của chúng đối với sức khỏe bao gồm tăng cường miễn dịch, hỗ trợ điều trị ung thư, đái tháo đường, chống nhiễm trùng. Nhiều nghiên cứu nhận định rằng LAB có khả năng đồng hóa cholesterol và có thể sử dụng cholesterol như một nguồn carbon duy nhất, từ đó làm giảm cholesterol trong cơ thể, hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến tăng lipid máu. Hơn nữa enzyme thuỷ phân muối mật (BSH) sinh ra từ LAB có khả năng chuyển hóa muối mật của vật chủ, do đó ức chế sự tích lũy chất béo, qua đó mạng lại hiệu quả tốt trong việc cải thiện bệnh tim mạch.

Chính vì vậy nhóm nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã thực hiện đề tài “Phân lập và tuyển chọn chủng vi khuẩn lactic có khả năng giảm cholesterol”. Nghiên cứu đã đạt được những kết quả rất khả quan và có ý nghĩa.

Đã sàng lọc và chọn được 4 chủng có khả năng hấp thu và loại bỏ cholesterol khỏi môi trường tốt nhất bao gồm LS13 tương đồng với chủng Lactobacillus plantarum, chủng SMB33 và PS22 đều tương đồng với chủng Enterococcus faecalis, chủng SMB68 tương đồng với chủng Ligilactobacillus salivarius với khả năng loại bỏ cholesterol qua bề mặt tế bào đạt 70,7 µg/mL- 108 µg/mL. Trong đó chủng SMB68 (chủng L. salivarius) cho hiệu quả loại bỏ cholesterol tốt nhất.

Đã ưu hoá được các điều kiện nuôi cấy chủng SMB68 thu nhận sinh khối đạt > 109 CFU/mL.

Đã xây dựng quy trình vi gói chủng vi khuẩn SMB68 (chủng L. salivarius) giúp bảo vệ chủng vi khuẩn sống sót qua dạ dày và giải phóng tốt trong ruột già và ruột non. Nhóm tác giả đã bước đầu đánh giá chất lượng sản phẩm viên nang đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản của sản phẩm probiotics.

Hiện nhóm nghiên cứu đang nghiên cứu phát triển sản phẩm viên nang đánh giá hoạt tính hạ lipid máu in vivo của sản phẩm cũng như đánh giá được chất lượng và mức độ an toàn của sản phẩm và hướng tới có thể chuyển giao chủng đã sàng lọc được và quy trình sản xuất viên nang từ chủng lactic này.

Một số hình ảnh kết quả đề tài của nhóm nghiên cứu.
1
(A)
2
(B)
Hình 1.  Kết quả chụp SEM của các chủng nuôi trong môi trường bổ sung cholesterol.
Chủng Lactobacillus brevis (ĐC) không xuất hiện sự liên kết cholesterol trên bề mặt tế bào (A) và chủng SMB68 có sự liên kết cholesterol với bề mặt tế bào ở những vùng được khoanh tròn (B).
 
03
 
Hình 2. Phổ FTIR của chủng SMB68 ĐC là môi trường không bổ sung cholesterol, CHL là môi trường có bổ sung cholesterol.
 
4
Hình 3. Sắc ký đồ HPLC đánh giá khả năng loại bỏ cholesterol ở chủng SMB68 được nuôi cấy trong môi trường không bổ sung cholesterol (A) và môi trường có bổ sung cholesterol (B)
 
5
Hình 4. Hạt vi gói probiotics từ SMB68

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dung - P. CNSH Thực phẩm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây