'Chẩn bệnh' & đi đến đổi mới toàn diện nghiên cứu khoa học
- Thứ hai - 01/04/2019 08:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ban chủ tọa hội nghị (Ảnh: DDT)
Trên tinh thần đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nêu bật lên thực trạng khoa học, tồn tại, hạn chế và những nguyên nhân của nó. Về công tác tổ chức cán bộ, Bộ NN-PTNT là một trong những Bộ được nhà nước đầu tư lớn cho khoa học công nghệ (KHCN), với 11 viện phân bố theo 7 lĩnh vực trong đó riêng 3 viện hạng đặc biệt có 45 viện con, trung tâm thành viên, tổng lao động cả công chức, viên chức lẫn hợp đồng là 7.398 người gồm 46 GS, gần 1.000 TS, PGS.
Tuy nhiên, mô hình tổ chức KHCN chưa thống nhất, cồng kềnh, phân tán, chồng chéo. Thiếu nhà khoa học đầu ngành, năng lực, chất lượng, trách nhiệm công tác của một bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu. Nhân lực đông nhưng chưa mạnh, chi lương và hoạt động bộ máy từ nguồn ngân sách nhà nước còn lớn. Một số tổ chức nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ KHCN nhưng chưa có sản phẩm cuối cùng ứng dụng thực tiễn. Cơ chế vận hành chưa hoàn thiện, nhất là ở các viện hạng đặc biệt…
Về quản lý tài chính, tài sản, đất đai, đầu tư, theo bà Thủy nguồn lực ngân sách nhà nước KHCN cấp cho Bộ không tăng trong khi chỉ tiêu biên chế, trả lương ngày một tăng, vì vậy kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KHCN ngày một giảm. Cơ chế phê duyệt dự toán nhiệm vụ KHCN còn rườm rà, phức tạp và quá chi tiết. Việc thực hiện phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng còn rất hạn chế. Việc hình thành quỹ phát triển KHCN tại các bộ, ngành theo quy định của pháp luật chưa được triển khai do thiếu sự thống nhất các quy định hiện hành. Tự chủ về tài chính, về nguồn nhân sự còn yếu…
Bởi thế, bà Thủy đã đề xuất một loạt giải pháp để đổi mới toàn diện ngành khoa học nông nghiệp trong thời gian tới. Trước hết là đổi mới về quản lý đề tài, dự án - điều mà dư luận vừa qua ì xèo nhiều nhất. Hình thành hai nhóm nhiệm vụ KHCN cấp Bộ: Nhóm 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng, tập trung giải quyết những vấn đề KHCN có tính ứng dụng cao, có triển vọng tạo ra sản phẩm mới, phát triển định hướng nghiên cứu mới trong các lĩnh vực ưu tiên trọng điểm. Nhóm 2, đề tài KHCN, dự án SXTN cấp Bộ, tạo ra sản phẩm cuối cùng hoặc sản phẩm có thể liên kết với doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hóa. Với nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng dựa trên phương án tự chủ về kinh phí.
Bộ quản lý, giám sát đầu vào và kết quả, sản phẩm đầu ra của đề tài còn cơ sở nghiên cứu quản lý quá trình thực hiện đề tài gắn trách nhiệm với thủ trưởng đơn vị, sản phẩm cuối cùng gắn với trách nhiệm cá nhân. Dừng nhiệm vụ nếu không đáp ứng yêu cầu, không nghiệm thu nếu không có sản phẩm đầu ra. Chuyển đổi dần sang đánh giá theo cơ chế chuyên gia độc lập, định kỳ, đột xuất… Về tổ chức bộ máy, biên chế, tinh thần là giữ ổn định 11 viện ở giai đoạn 2019 - 2021, sang giai đoạn 2022 - 2030 thì nghiên cứu, xem xét sắp xếp tiếp. |
Một số viện đạt kết quả nghiên cứu rất tốt như Viện Lúa ĐBSCL, các giống lúa của viện có độ phủ đến 2,5 triệu hecta gieo trồng mỗi năm; gần như 100% vườn cà phê ở Tây Nguyên sử dụng giống của Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên... Ngược lại có những viện, đề tài, kinh phí được nhà nước cấp không phải ít nhưng sản phẩm thực tế ngoài sản xuất gần như... không có gì! |
Những đơn vị không kêu ca
Trong bối cảnh cơ chế còn nhiều ràng buộc có những viện đã tự lực, cánh sinh mà không phải xin xỏ, kêu ca nhiều. PGS.TS Phan Thị Vân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I chia sẻ về quá trình “cai sữa" nhà nước của đơn vị mình như sau: Năm 2011, đơn vị có 415 cán bộ, thuộc 4 phòng chức năng, 3 phòng chuyên môn, 1 phân viện và 5 trung tâm. Chúng tôi đã kiện toàn lại với 3 phòng chức năng và không còn phòng chuyên môn (tất cả các phòng chuyên môn trước đây được tái cơ cấu và sắp xếp lại thành các trung tâm) với 193 cán bộ.
Viện phân định rõ chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở lĩnh vực chuyên môn cho từng đơn vị để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhân sự, tài chính và các hoạt động chuyên môn, tránh chồng chéo và giảm bớt các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp, với quốc tế đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi biển quy mô lớn, chọn giống tôm sú, dinh dưỡng… nên đời sống cán bộ công nhân viên khá tốt.
Kiểm tra lúa thí nghiệm (Ảnh: DDT)
TS Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nêu cụ thể việc đổi mới cơ chế hoạt động và phương án tự chủ cho từng khối đơn vị của mình như sau: Với phòng chức năng là đơn vị không tự chủ thì tiếp tục tinh gọn lại bộ máy (nhân sự chiếm 10 - 15%) và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nguồn thu nhập chủ yếu vẫn từ công lao động gián tiếp của các nhiệm vụ KHCN và từ quỹ lương của đơn vị. Với đơn vị nghiên cứu có nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị khoa học và có tính thương mại hóa cao. Các đơn vị hoạt động theo hình thức tự chủ một phần với nguồn thu chủ yếu từ tiền công lao động trực tiếp từ các nhiệm vụ KHCN (ước tính khoảng 20 - 25% tổng kinh phí nghiên cứu khoảng 25 - 30 tỷ/năm), từ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và từ cung cấp dịch vụ tư vấn cho các đơn vị sản xuất và dịch vụ.
Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin rằng đơn vị có tới 20 viện thành viên, 50 nhóm nghiên cứu nhưng cũng tự chủ hoàn toàn nhờ áp lực trong cơ chế và sự tự trọng trong khoa học.
Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, GS Nguyễn Hồng Sơn nhận định: Chúng ta vừa qua chưa khơi dậy được tốt các nguồn lực khoa học gồm con người, cơ sở vật chất và tài chính. Các nhà khoa học kêu ca về lương thấp nhưng bộ máy vẫn cồng kềnh, riêng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có khoảng 2.600 biên chế và 800 lao động hợp đồng. Kêu ca về trang thiết bị nhưng máy móc vẫn tản mạn, không có sự liên kết và sử dụng hiệu quả. Kêu ca về chuyện kết hợp nhưng bản thân chủ nhiệm đề tài lại cát cứ, muốn làm gì thì làm trong khi viện trưởng không đủ quyền lực để điều hành chung.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kết luận, tồn tại hiện nay của khoa học nông nghiệp là do cả 2 phía cơ chế quản lý của nhà nước và bản thân đơn vị: Nhiều đề tài thuyết minh rất hoành tráng, các bước thực hiện đúng hết, hội đồng khoa học chấm điểm đạt nhưng sản phẩm cuối cùng lại không ra gì. Cứ theo cách này, vô hình chung nhiều khi cơ quan quản lý nhà nước lại hợp thức hóa cho những việc làm sai trái. Rồi đất đai quản lý lỏng lẻo, thiết bị lãng phí, đề tài nào cũng đòi mua máy móc rất chồng chéo.
Chúng ta phải ra một nghị quyết mới về khoa học, thực hiện ngay từ 2020, đổi mới theo hướng: Thứ nhất là phân nhiệm vụ theo chức năng sinh ra của viện và cấp đủ kinh phí để cho có thể hoàn thành tốt công việc chứ không căn cứ theo lương. Thứ hai là đề tài cấp cơ sở, khuyến khích những ý tưởng khoa học để làm nền móng cho phát triển công nghệ mới sau này. Thứ ba là đặt hàng theo sản phẩm, khoán đến tận cùng.