Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

http://hcmbiotech.com.vn


Báo cáo dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đánh giá vắc-xin ung thư não nhắm mục tiêu đột biến cụ thể

Các bác sĩ và nhà nghiên cứu ung thư ở Heidelberg và Mannheim đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng đầu tiên để kiểm tra một ứng cử viên vắc-xin ung thư...
Các nhà vật lý và nghiên cứu ung thư ở Heidelberg và Mannheim đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng đầu tiên để kiểm tra một ứng cử viên vắc-xin ung thư nhắm tới một đột biến cụ thể trong gen isocitrate dehydrogenase 1 (IDH1). Kết quả từ nghiên cứu đầu tiên trên người ở giai đoạn I trên bệnh nhân u thần kinh đệm đã cho thấy việc tiêm nhắc lại vắc-xin peptide là an toàn và kích hoạt phản ứng miễn dịch trong mô khối u của các bệnh nhân này.

Các nhà nghiên cứu hiện đang hướng tới thử nghiệm giai đoạn II để xem xét liệu vắc-xin IDH1 có cho kết quả điều trị tốt hơn so với chỉ sử dụng liệu pháp tiêu chuẩn. Tiến sĩ Wolfgang Wick, giám đốc y khoa phòng khám thần kinh thuộc Bệnh viện Đại học Heidelberg và là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức (DKFZ) nhận xét: “Ở Đức, khoảng 5.000 người được chẩn đoán u tế bào thần kinh đệm mỗi năm, trong đó khoảng 1.200 là u thần kinh đệm lan tỏa có đột biến IDH1. Cho đến nay, chúng tôi chỉ thành công hạn chế trong việc ngăn cản sự tiến triển của khối u ở những bệnh nhân này. Chúng tôi tin rằng vắc-xin IDH1 có tiềm năng để phát triển một phương pháp điều trị mà có thể ngăn chặn những khối u này hiệu quả và lâu dài hơn”. Kết quả từ nghiên cứu của Giai đoạn I cũng đã được nhóm nghiên cứu thần kinh của thử nghiệm 16 (NOA16) thuộc Hiệp hội Ung thư Đức công bố trên tạp chí Nature trong bài báo với tiêu đề "Vắc-xin hướng mục tiêu IDH1 đột biến trong chẩn đoán mới u thần kinh đệm ở người."

U thần kinh đệm lan tỏa thường là những khối u não không thể chữa khỏi, di căn trong não và rất khó để loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật. Hóa trị và xạ trị thường chỉ có tác dụng hạn chế đối với loại ung thư này. Trong nhiều trường hợp, u thần kinh đệm lan tỏa có chung một đặc điểm, chiếm 70% trong số các bệnh nhân, các tế bào khối u có cùng một đột biến gen, dẫn đến thay đổi cấu tạo protein cụ thể duy nhất trong enzyme IDH1. Điều này tạo ra một cấu trúc protein mới được gọi là neo-epitope mà có thể được hệ thống miễn dịch của bệnh nhân nhận diện là protein ngoại lai.

Vắc-xin khối u có thể giúp cơ thể chống lại bệnh ung thư bằng cách cảnh báo hệ thống miễn dịch của bệnh nhân về những protein đột biến này. “Ý tưởng của chúng tôi là hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bệnh nhân và nhằm sử dụng vắc-xin như một cách có chủ đích để cảnh báo về neo-epitope đặc trưng cho khối u,” Tiến sĩ Michael Platten, giám đốc đơn vị nghiên cứu y khoa của khoa thần kinh Đại học Y khoa Mannheim kiêm trưởng bộ phận tại DKFZ giải thích thêm. Đột biến IDH1 đại diện cho một ứng cử viên vắc-xin hướng đích rất thích hợp, vì nó chịu trách nhiệm về phát triển các u thần kinh đệm, đặc hiệu cho loại khối u này và không xảy ra ở mô khỏe mạnh. “Điều đó có nghĩa vắc-xin chống lại protein đột biến cho phép chúng tôi giải quyết tận gốc vấn đề.”

Nhiều năm trước, nhóm của Platten đã tạo ra được một đoạn của protein IDH1 mang đột biến đặc trưng. Loại vắc-xin peptide đặc hiệu đột biến này đã có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư đột biến IDH1 ở chuột nhắc. Các tác giả giải thích rằng: “Vắc-xin peptit đặc hiệu IDH1 (R132H) (IDH1-vac) tạo ra các đáp ứng điều trị đặc hiệu của tế bào T đã giúp chống lại khối u IDH1 (R132H) một cách hiệu quả ở chuột biểu hiện MHC của người”. Được khích lệ bởi kết quả tiền lâm sàng, Platten và cộng sự đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I để đánh giá vắc-xin đặc hiệu đột biến trên bệnh nhân được chẩn đoán mắc u thần kinh đệm đột biến IDH1 (u tế bào hình sao cấp III và IV theo WHO). Có tổng cộng 33 bệnh nhân tại các trung tâm khác nhau ở Đức đã tham gia thử nghiệm. Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Trung tâm Quốc gia về Bệnh ung thư (NCT) Heidelberg và nhóm công tác về thần kinh học (NOA) của Hiệp hội Ung thư Đức.  

Ngoài phương pháp điều trị tiêu chuẩn, những người tham gia còn nhận được tiêm vắc-xin peptide của Michael Schmitt, trưởng bộ phận liệu pháp miễn dịch tế bào, thuộc khoa huyết học, ung thư và thấp khớp tại Bệnh viện Đại học Heidelberg cùng với giáo sư miễn dịch học phân tử Stefan Stevanovi tại khoa Miễn dịch Đại học Tübingen. Có ba nhóm điều trị, dựa trên liệu pháp chăm sóc tiêu chuẩn mà bệnh nhân đã nhận được trước khi tham gia thử nghiệm: xạ trị, ba đợt hóa trị kết hợp temozolomide, hoặc xạ-hóa trị kết hợp với temozolomide. Điều trị bao gồm tám lần tiêm ngừa với IDH1-vac vắc-xin trong 23 tuần. Các nhà nghiên cứu đánh giá phản ứng miễn dịch ở 30 bệnh nhân. Phân tích cho thấy 93% bệnh nhân có phản ứng miễn dịch đặc hiệu với vắc-xin, bất kể đặc điểm di truyền của từng bệnh nhân — yếu tố này xác định các phân tử trình diện quan trọng của hệ thống miễn dịch, các protein HLA. “IDH1-vac có khả năng sinh miễn dịch trên nhiều alen HLA…”. Các bác sĩ không quan sát thấy bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào ở bệnh nhân được tiêm chủng. Một tỷ lệ lớn bệnh nhân được tiêm chủng đã chứng minh tình trạng giả tiến triển (PsPD), liên quan tới sự sưng tấy của khối u do một loạt các tế bào miễn dịch xâm nhập. Theo kết quả phân tích tế bào đơn, những bệnh nhân này có số lượng rất lớn các tế bào T giúp đỡ trong máu với các thụ thể miễn dịch phản ứng đặc hiệu với vắc-xin peptide. Các tác giả cho biết: “Tình trạng giả tiến triển có liên quan đến việc tăng đáp ứng tế bào T ngoại vi do vắc-xin… Bệnh nhân PsPD có độ đáp ứng miễn dịch tế bào T ngoại vi do IDH1 gây ra cao hơn so với bệnh nhân bị bệnh đang tiến triển. Chúng tôi cũng có thể chứng minh rằng các tế bào miễn dịch đặc hiệu đột biến được kích hoạt đã xâm nhập vào mô khối u não,” đồng tác giả Theresa Bunse, từ DKFZ, người điều phối các phân tích miễn dịch cho các nghiên cứu, nhận xét.

Tỷ lệ sống sót ba năm sau điều trị là 84% ở những bệnh nhân được tiêm chủng đầy đủ, trong đó 63% bệnh nhân có khối u không tiến triển trong giai đoạn này. Trong số những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch phản ứng đặc hiệu với vắc-xin, 82% không có sự tiến triển của khối u trong ba năm. Nhóm nghiên cứu kết luận: “NOA16 đã đáp ứng các tiêu chí chính bằng cách chứng minh tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của IDH1-vac ở những bệnh nhân có u tế bào hình sao cấp 3 và 4 IDH1 (R132H) + được WHO chẩn đoán mà không có thêm các yếu tố tiên lượng tích cực. “Khả năng sinh miễn dịch, không phân biệt HLA và tỷ lệ PsPD cao là lí do xác đáng cho điều tra lâm sàng sâu hơn về IDH1-vac.”

Platten nhận xét: “Chúng tôi không thể đưa ra thêm kết luận nào về hiệu quả của vắc-xin từ nghiên cứu ban đầu này mà không có nhóm đối chứng. Tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của vắc-xin thuyết phục đến mức chúng tôi tiếp tục theo đuổi khái niệm vắc-xin trong một nghiên cứu tiếp theo ở Giai đoạn I”. Trong nghiên cứu tiếp theo này, các nhà nghiên cứu kết hợp vắc-xin IDH1 với liệu pháp ức chế kiểm soát miễn dịch. “Các chất ức chế kiểm soát hoạt động như một chất tăng cường miễn dịch. Chúng tôi tin rằng có một cơ hội tốt là chúng có thể kích hoạt các tế bào miễn dịch chống lại u thần kinh đệm ở mức độ lớn hơn nữa”. Nghiên cứu đang được thực hiện với sự hợp tác với các trung tâm khác ở Đức và hỗ trợ từ DKTK.

Các nhà nghiên cứu cũng đang chuẩn bị một nghiên cứu Giai đoạn II để điều tra xem liệu vắc-xin IDH1 có dẫn đến kết quả điều trị tốt hơn so với phương pháp điều trị tiêu chuẩn hay không.

Nguồn:https://www.genengnews.com/news/researchers-report-data-from-first-clinical-trial-assessing-brain-tumor-vaccine-that-targets-specific-mutation/

Tác giả bài viết: Phùng Thị Việt Anh - P. CNSH Y dược

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây