Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

http://hcmbiotech.com.vn


Chiến lược mới trong điều trị bệnh đa u tủy bằng liệu pháp miễn dịch

Trong những thập niên gần đây, việc điều trị ung thư bằng kháng thể đơn dòng là một trong những liệu pháp điều trị hiệu quả nhất cho cả ung thư dạng bướu đặc và ung thư máu.
 
 
4
Tế bào MMG49 CART bắt vào cấu trúc hoạt động của protein intergrin b7 trên tế bào myeloma
Nguồn: Đại học Osaka- Nhật Bản.

Trong những thập niên gần đây, việc điều trị ung thư bằng kháng thể đơn dòng là một trong những liệu pháp điều trị hiệu quả nhất cho cả ung thư dạng bướu đặc và ung thư máu. Kháng thể đơn dòng – Monoclonal antibodies (mAb) là những kháng thể được tạo ra từ một dòng tế bào thông qua quá trình chọn lọc dòng đơn, chúng có khả năng nhận diện một kháng nguyên thông qua trình tự peptide quyết định kháng nguyên (epitope) chuyên biệt trên kháng nguyên đó.

 Một trong những kỹ thuật nổi bật trong điều trị dựa vào kháng thể đơn dòng đó là kỹ thuật CAR-T, kết hợp giữa tế bào T - tế bào có vai trò rất quan trọng trong hệ miễn dịch – và thụ thể lai đặc hiệu kháng nguyên “Chimeric Antigen Receptor - CAR”. CAR được tạo ra bằng cách kết hợp một gene mã hóa kháng thể nhận diện chuyên biệt kháng nguyên trên bề mặt tế bào ung thư và một gene khác mã hóa cho thụ thể tế bào T. Khi gene mới này được chuyển vào tế bào T thì tế bào T trở nên hoạt hóa và tiêu diệt tế bào ung thư thông qua kháng thể kết hợp trên thụ thể lai CAR.

Về mặt lý thuyết, kháng nguyên mới – phân tử có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể - xuất phát từ các đột biến trên các protein đặc trưng trên bề mặt tế bào ung thư. Tuy nhiên, liệu pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng (mAbs) nhắm vào các kháng nguyên như vậy thường không thực tế do sự đa dạng của các protein này trong cùng một khối u và giữa các loại khối u trong cơ thể là rất lớn, điều này làm cho việc xác định các kháng nguyên chuyên biệt trên khối u là rất khó khăn.

Tuy nhiên, những thách thức như trên giúp các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Osaka, Nhật Bản có những hướng suy nghĩ mới nhắm vào các vấn đề mà có lẽ đã bị bỏ qua trong các nghiên cứu trước đó chẳng hạn như: các kháng nguyên chuyên biệt ung thư được hình thành thông qua quá trình biến đổi protein trong và sau khi tổng hợp, ví dụ như quá trình đường hóa (quá trình gắn nhóm đường vào protein) hay các quá trình biến đổi cấu trúc protein. Nhóm nghiên cứu tin rằng các trình tự quyết định kháng nguyên (epitope) mới, là một phần trong quá trình nhận diện kháng nguyên của hệ miễn dịch, có thể được xác định bằng cách sàng lọc các kháng thể đơn dòng đặc trưng kháng nguyên và mộ tả các kháng nguyên mà họ nhận diện được.

“Chúng tôi ứng dụng chiến lược này để nghiên cứu phương pháp trị liệu mới cho bệnh đa u tủy xương (multiple myeloma, MM), một loại ung thư máu hình thành từ sự tăng sinh ác tính tế bào máu dòng plasma”, giải thích bởi Naoki Hosen, trưởng nhóm nghiên cứu. Mặc dù có nhiều cải tiến trong điều trị bệnh đa u tủy xương (MM),  sự tái phát bệnh vẫn diễn ra rất phổ biến. Do đó, cần có thêm nhiều nghiên cứu về các liệu pháp điều trị mới, bao gồm liệu pháp trị liệu bằng kháng thể đơn dòng.

Nhóm nghiên cứu đã sàng lọc hơn 10.000 dòng tế bào tiết ra kháng thể kháng bệnh đa u tủy xương (MM) và thu nhận dòng tế bào MMG49 là dòng đặc biệt tiết ra kháng thể đơn dòng nhận biết chuyên biệt kháng nguyên thuộc phân nhóm integrin B7, là một thụ thể protein có vai trò thiết yếu trong sự bám dính ngoại bào. MMG49 tác động trên tế bào ung thư máu MM, nhưng không tác động trên các dòng tế bào tủy xương khác trong cơ thể bệnh nhân. Điều này kích thích các nhà nghiên cứu thiết kế một dòng tế bào T biểu hiện thụ thể lai đặc hiệu với MMG49. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tế bào MMG49-CarT có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư máu MM, nhưng không tác động lên các tế bào máu bình thường.

Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng chứng minh rằng cấu trúc của integrin B7 cũng có thể là mục tiêu cho các liệu pháp miễn dịch trị liệu đối với bệnh đa u tủy xương (MM), thậm chí sự biểu hiện của integrin B7 không đặc hiệu cho bệnh  này” theo Yukiko Matsunaga, đồng tác giả nghiên cứu:“Do đó, rất hợp lý khi cho rằng còn rất nhiều các phân tử protein màng có thể là mục tiêu ứng dụng trong các liệu pháp điều trị miễn dịch vẫn chưa được tìm thấy, thậm chí, việc biểu hiện của chúng không  đặc hiệu đối với loại ung thư đó”

Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2017/11/171127091600.htm
 

Tác giả bài viết: Huỳnh Vũ - CNSH Y Dược

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây