Chủng vi rút Corona mới tồn tại hàng giờ trên các bề mặt (Độ bền của SARS-CoV-2 tương tự như vi rút SARS)
- Thứ tư - 15/04/2020 13:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo một nghiên cứu mới đến từ các nhà khoa học của Viện Y học Quốc gia, CDC, UCLA và Đại học Princeton đăng trên The New England Journal of Medicine, vi rút gây bệnh coronavirus 2019 (COVID-19)...
Theo một nghiên cứu mới đến từ các nhà khoa học của Viện Y học Quốc gia, CDC, UCLA và Đại học Princeton đăng trên The New England Journal of Medicine, vi rút gây bệnh coronavirus 2019 (COVID-19) tồn tại từ vài giờ đến vài ngày trong hạt khí dung (aerosols) và trên các bề mặt.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng vi rút corona 2 (SARS-CoV-2) gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng có thể được phát hiện trong các hạt khí dung lên đến 03 giờ, tối đa 04 giờ trên vật liệu đồng, lên đến 24 giờ trên các bìa các tông và tối đa hai đến ba ngày trên nhựa và thép không gỉ. Kết quả này cung cấp thông tin then chốt về độ ổn định của chủng SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19, và kết quả nghiên cứu gợi ý rằng mọi người có thể nhiễm vi-rút qua không khí và sau khi chạm vào các vật bị nhiễm. Thông tin nghiên cứu trên đã được chia sẻ rộng rãi trong hai tuần qua sau khi các nhà nghiên cứu đưa thông tin này lên máy chủ lưu trữ sơ bộ (preprint server) để nhanh chóng chia sẻ dữ liệu của họ với các đồng nghiệp.
Các nhà khoa học NIH, đến từ cơ sở Montana của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountain, đã so sánh môi trường ảnh hưởng như thế nào đến SARS-CoV-2 và SARS-CoV-1, chủng gây ra SARS. SARS-CoV-1 cũng giống như “người kế nhiệm” SARS-CoV-2 đang phát tán toàn cầu. Chủng SARS-CoV-1 xuất hiện từ Trung Quốc và đã lây nhiễm cho hơn 8.000 người vào năm 2002 và 2003. SARS-CoV-1 đã bị xóa sổ bằng các biện pháp cách ly tiếp xúc tập trung và cách ly từng trường hợp và không có trường hợp nào được phát hiện kể từ năm 2004. SARS-CoV-1 là loại vi rút corona ở người có liên hệ chặt chẽ nhất với SARS-CoV-2. Trong các nghiên cứu về độ ổn định, hai loại vi rút này hoạt động tương tự nhau, nhưng điều này lại không giải thích được tại sao COVID-19 lại trở thành đợt bùng phát dịch lớn hơn nhiều.
Nghiên cứu của NIH đã cố gắng bắt chước vi rút ở trên các bề mặt hàng ngày trong môi trường gia đình hoặc bệnh viện của người bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như thông qua việc ho hoặc chạm vào đồ vật. Sau đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu thời gian vi-rút tồn tại trên các bề mặt này.
Các nhà khoa học nhấn mạnh những quan sát bổ sung từ nghiên cứu của họ:
- Nếu khả năng sống sót của hai chủng vi-rút corona là tương tự nhau, tại sao SARS-CoV-2 lại dẫn đến nhiều trường hợp nhiễm bệnh hơn? Bằng chứng gần đây cho thấy những người bị nhiễm SARS-CoV-2 có thể đang lan truyền vi-rút mà không có hoặc trước khi có các triệu chứng. Điều này sẽ làm cho các biện pháp kiểm soát bệnh có hiệu quả trong việc chống lại SARS-CoV-1 kém hiệu quả hơn so với chủng mới này.
- Trái ngược với SARS-CoV-1, hầu hết các trường hợp lây truyền vi-rút SARS-CoV-2 thứ cấp dường như xảy ra trong các cơ sở cộng đồng hơn là tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, các cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng là nơi nhạy cảm do là nguồn cung cấp và lây lan của SARS-CoV-2 vì vậy độ ổn định của SARS-CoV-2 trong hạt khí dung và trên bề mặt có thể góp phần làm lan truyền vi-rút trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Các kết quả này xác nhận các hướng dẫn từ các chuyên gia y tế công cộng trong việc sử dụng các biện pháp phòng ngừa tương tự như đối với bệnh cúm và các loại vi rút đường hô hấp khác để ngăn ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2:
- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng.
- Ở nhà khi bị bệnh.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác.
- Làm sạch và khử trùng các đồ vật và bề mặt thường xuyên chạm vào bằng cách sử dụng bình xịt hoặc dụng cụ lau chùi thông thường trong gia đình.
Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2020/03/200317150116.htm