Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

http://hcmbiotech.com.vn


Liệu pháp miễn dịch dựa trên phức hợp TCR ngăn ngừa tái phát bệnh bạch cầu

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson và Đại học Washington đã phát triển một phương pháp mới biến đổi gene tế bào T nhằm điều trị và ngăn ngừa tái phát bệnh bạch cầu một cách hiệu quả.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson và Đại học Washington đã phát triển một phương pháp mới biến đổi gene tế bào T nhằm điều trị và ngăn ngừa tái phát bệnh bạch cầu một cách hiệu quả.

Các phát hiện được công bố trên tạp chí Blood, cung cấp nền tảng để áp dụng các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về liệu pháp miễn dịch mới, dựa vào các thụ thể tế bào T (T-cell receptors-TCRs). Liệu pháp miễn dịch này khác với liệu pháp dựa vào CAR T-cell vừa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt.

Khoảng một phần ba bệnh nhân bị bạch cầu cấp tính đã được ghép tế bào gốc tái tạo máu bị tái phát bệnh và hơn 90% những bệnh nhân này chết sau bốn tháng.

Tiến sĩ Marie Bleakley, tác giả chính của bài báo, là thành viên của Phòng Nghiên cứu Lâm sàng của Fred Hutch, cho biết: “Các liệu pháp mới rất cần thiết để ngăn ngừa và điều trị tái phát bệnh bạch cầu ở những bệnh nhân đã trải qua quá trình ghép tế bào gốc tạo máu”.

Các tế bào T, nhân tố quan trọng của hệ thống miễn dịch, có nhiều phân tử trên bề mặt, gọi là thụ thể, nhận biết các tế bào lạ hoặc tế bào bệnh và tiêu diệt chúng. Để tăng khả năng nhận biết và tấn công các tế bào xâm nhiễm vào hệ miễn dịch, các nhà nghiên cứu có thể chuyển gene từ các tế bào T được lấy từ người hiến tạng vào thụ thể tế bào T trên khối u.

Trong nghiên cứu này, Bleakley và các cộng sự đã khai thác một “kháng nguyên nhỏ tương thích” đặc trưng, kháng nguyên H, được tìm thấy trên bề mặt các tế bào bệnh bạch cầu ở một số bệnh nhân. Việc sử dụng nhóm kháng nguyên này làm mục tiêu giúp cho việc nghiên cứu các nguyên lý cơ bản của liệu pháp miễn dịch ung thư và tiềm năng của liệu pháp tế bào T trong lâm sàng. Vì những kháng nguyên này được biểu hiện chủ yếu trên các tế bào tạo máu, nên việc nghiên cứu chúng có thể giúp tìm ra một liệu pháp chống ung thư bạch cầu tiềm năng và ít ảnh hưởng đến các tế bào khác.

Khác với liệu pháp CAR T-cell bằng cách tạo ra thụ thể không có trong tự nhiên, liệu pháp TCR tạo ra thụ thể tự nhiên trong cơ thể người dù các thụ thể có thể khác nhau giữa người này và người khác. Mặc dù CAR T-cell được biết đến có hiệu quả trong điều trị ung thư bạch cầu tế bào B cấp tính, tuy nhiên liệu pháp này vẫn chưa thành công trong điều trị bệnh bạch cầu tủy cấp tính.

Nhóm nghiên cứu của Bleakley đã phá vỡ nền tảng mới bằng cách xác định các thụ thể tế bào T có tiềm năng trong việc nhắm mục tiêu một kháng nguyên H nhỏ được tìm thấy trên bề mặt các tế bào ung thư bạch cầu. Họ tách chiết các thụ thể này từ các mẫu máu của người hiến. Tiếp theo, họ chèn các thụ thể này vào tế bào T của bệnh nhân để tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư bằng kháng nguyên đích.

Mặc dù chưa có bệnh nhân nào nhận được các TCRs, các tế bào T đã được thiết kế hiệu quả và giết chết tế bào đích trong các thử nghiệm tại phòng thí nghiệm.

Bleakley nói “các thụ thể tế bào T phân lập từ các tế bào T đặc hiệu kháng nguyên H đại diện cho các mục tiêu đầy tiềm năng để phát triển phương pháp miễn dịch tế bào T nhằm mục đích ngăn ngừa tái phát bệnh bạch cầu”, và cấu trúc được sử dụng trong nghiên cứu này có thể được xem là nguyên mẫu cho những mục tiêu kháng nguyên tương tự. Nhóm nghiên cứu của cô đã xây dựng một kỹ thuật mới để phát hiện ra các kháng nguyên có thể sử dụng làm mục tiêu và đã xác định và mô tả được 5 kháng nguyên H nhỏ.

Bleakley đang triển khai một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào tháng 12 năm 2017. Nếu các kết quả thử nghiệm lâm sàng tương tự với kết quả thu được tại phòng thí nghiệm, liệu pháp trị liệu tế bào T có thể trở thành một trong những phương pháp miễn dịch trị liệu. Các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng của Fred Hutch là những người tiên phong trong việc phát triển các liệu pháp tế bào T cho các bệnh ung thư liên quan đến máu và các bệnh ung thư khác.

Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2017/10/171025140525.htm
 

Tác giả bài viết: Bùi Thị Thiên Thanh - Phòng CNSH Y dược

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây