Thuốc thử nghiệm đảo ngược tình trạng rụng tóc và các tổn thương da liên quan đến chế độ ăn nhiều chất béo trong một nghiên cứu mới trên chuột
- Thứ năm - 16/08/2018 13:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong một loạt các thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu đến từ Johns Hopkins đã sử dụng một hợp chất thử nghiệm để đảo ngược thành công tình trạng rụng tóc, bạc tóc...
Hói đầu ở nam . Nguồn: © Aisylu/Fotolia
Trong một loạt các thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu đến từ Johns Hopkins đã sử dụng một hợp chất thử nghiệm để đảo ngược thành công tình trạng rụng tóc, bạc tóc và triệu chứng viêm da liên quan đến các nghiên cứu trước đó về chế độ ăn chứa nhiều dầu mỡ và cholesterol.
Các nhà nghiên cứu cho biết hợp chất này ngăn chặn việc sản xuất một số chất béo được gọi là glycosphingolipid, hoặc GSLs. Chất béo này là thành phần chính của da và các màng tế bào khác. Nghiên cứu này cho thấy chuột được nuôi bằng một chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterol có nhiều khả năng bị đổi màu lông từ đen sang xám rồi chuyển thành trắng, cùng với triệu chứng rụng lông và viêm da biểu hiện qua tình trạng xuất hiện nhiều vết thương. Tuy nhiên, việc cho những con chuột này ăn hợp chất trên dường như có thể đảo ngược các triệu chứng vừa nêu.
Các nhà nghiên cứu từ Hopkins cũng cảnh báo rằng kết quả thu được trên chuột không đồng nghĩa với việc những tác động tương tự sẽ xảy ra trên người, và tại thời điểm này không có bằng chứng cho thấy các hợp chất mà họ sử dụng sẽ an toàn cho người. Tuy nhiên, nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ những phương pháp khả thi nhằm giải quyết tình trạng rụng tóc và các vết thương trên da ở người bằng thuốc uống hoặc thuốc bôi.
Một báo cáo về nghiên cứu này đã được công bố ngày 30 tháng 7 trên Scientific Reports.
Tiến sĩ Subroto Chatterjee hiện là Giáo sư Nhi khoa và y học tại Đại học Y Johns Hopkins. Ông cho biết: "Cần tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sâu hơn, nhưng phát hiện của nhóm nghiên cứu chúng tôi cho thấy một kết quả hứa hẹn rằng trong tương lai có thể sử dụng loại thuốc mà nhóm chúng tôi phát triển để điều trị các bệnh về da như bệnh vẩy nến, và các vết thương do bệnh tiểu đường hoặc phẫu thuật thẩm mỹ." Chatterjee tiến hành một phần nghiên cứu thuộc Trung tâm Nhi khoa Johns Hopkins.
Cụ thể, các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng GSLs xuất hiện phổ biến trong các tế bào hình thành lớp trên cùng của da, cũng như trong các tế bào keratinocytes giúp điều hoà sắc tố của mắt, da và tóc.
Nhằm xác định việc phá vỡ GSL ảnh hưởng như thế nào đến cấu trúc và màu của da, và liệu việc điều trị bằng D-threo-1-phenyl-2-decanoylamino-3-morpholino-1-propanol (D-PDMP) - một hợp chất nhân tạo làm giảm quá trình sản xuất GSL - có đảo ngược bất kỳ tác động tiêu cực nào hay không, Chatterjee và đồng sự đã tiến hành biến đổi gene của một nhóm chuột bị xơ vữa động mạch, một dạng bệnh lý mà động mạch bị tắc nghẽn do chất béo tích tụ.
Sau đó các nhà nghiên cứu nuôi một nhóm những con chuột này bằng chế độ ăn giàu chất béo và cholesterol (theo kiểu phương Tây), và nhóm thứ hai được nuôi bằng thức ăn tiêu chuẩn. Tất cả các con chuột được cho ăn với khẩu phần dành cho chuột từ 12 đến 20 tuần tuổi.
So với nhóm được ăn thức ăn tiêu chuẩn, những con chuột được nuôi bằng chế độ ăn giàu chất béo bị rụng lông, hình thành những tổn thương da và bị bạc lông. Những triệu chứng này trở nên nghiêm trọng hơn khi chúng được tiếp tục nuôi bằng chế độ ăn giàu chất béo trong 36 tuần, với 75% những con chuột bị rụng lông và mang nhiều tổn thương da.
Từ 20 đến 36 tuần tuổi, chuột ở cả hai nhóm được bổ sung D-PDMP với những hàm lượng khác nhau dưới hình thức viên nang hoặc chất lỏng, và những con chuột này vẫn được nuôi với cùng chế độ ăn uống trước đây. Những con chuột được thử nghiệm với 1 miligam và 10 miligam D-PDMP cho mỗi kg trọng lượng cơ thể ở dạng viên nang từ 20 đến 36 tuần khi ăn chế độ giàu chất béo bắt đầu mọc lông và phục hồi màu lông, và tình trạng viêm da giảm đi. Điều trị với 1 milligram D-PDMP trong một viên nang trên mỗi kg trọng lượng cơ thể có hiệu quả tương đương với điều trị 10 miligam trên mỗi kilogam trọng lượng dưới dạng lỏng. Điều này cho thấy dạng đóng gói D-PDMP trong viên nang giúp phân phối thuốc tốt hơn.
Nhóm nghiên cứu sau đó quan sát da của chuột dưới kính hiển vi và nhận thấy rằng chuột ăn chế độ ăn phương Tây xuất hiện sự xâm nhập của bạch cầu trung tính, một loại tế bào máu liên quan đến tình trạng viêm, ở các vùng da khác nhau. Điều trị bằng D-PDMP dưới dạng viên nang làm giảm đáng kể số lượng bạch cầu trung tính, kết quả làm giảm viêm và tổn thương da.
Tiếp đến, các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích khối phổ, một phương pháp xác định và định lượng thành phần hóa học của một hỗn hợp, nhằm xác định nồng độ ceramide, glucosylceramide và lactosylceramide trong chuột. Ceramide là một loại chất béo, giúp giữ ẩm cho da, và glucosylceramide là dẫn xuất đầu tiên của ceramide, trong khi lactosylceramide là một dẫn xuất sau của ceramide, kích hoạt quá trình viêm.
So với nhóm chuột được nuôi bằng thức ăn tiêu chuẩn, nhóm được ăn chế độ ăn giàu chất béo bị giảm tổng lượng ceramide, giảm glucosylceramide và tăng gần gấp ba lần lượng lactosylceramide. Tuy nhiên việc điều trị bằng 1 milligram D-PDMP trên mỗi kg trọng lượng cơ thể ở dạng viên nang hoặc 10 miligram D-PDMP trên kilogam trọng lượng cơ thể dưới dạng lỏng giúp làm tăng đáng kể nồng độ ceramide trở lại mức bình thường.
Chatterjee nói: "Những kết quả của chúng tôi cho thấy chế độ ăn giàu chất béo gây rụng lông, làm bạc lông và viêm da ở chuột, và nhóm chúng tôi tin rằng quá trình tương tự xảy ra sẽ ở nam giới với tình trạng mất tóc và bạc tóc khi họ ăn nhiều chất béo và cholesterol."
Cần nghiên cứu thêm trên động vật nhằm xác nhận kết quả này và mở rộng thêm những hiểu biết, và để xác định hàm lượng và cơ chế D-PDMP có tác động làm lành vết thương và kích hoạt quá trình mọc lông, tóc.
Chatterjee cho biết: "Hy vọng một ngày nào đó trong tương lai những kết quả này sẽ đồng nghĩa với quá trình phục hồi nhanh hơn và hiệu quả hơn đối với chứng hói đầu, bạc tóc ở người già và chữa lành vết thương."
Các tác giả khác trong bài báo này bao gồm Djahida Bedja, Wenwen Yan, Dominica Iocca, Veera Ratnam Bandaru và Nickesh Ramakrishnan thuộc Trường Y khoa Đại học Johns Hopkins, và Wenwen Yan từ Đại học Tongji.
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia (PO1HL10715301).
Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2018/07/180730090152.htm