Để TPHCM là trung tâm cung cấp giống gia súc, thủy sản chất lượng cao của vùng
- Thứ tư - 13/09/2017 21:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(Thanhuytphcm.vn) - TPHCM cần đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường, các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về giống; ưu tiên hợp tác trong đầu tư sản xuất giống, kỹ thuật nhân giống chất lượng cao. Cùng với đó, liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ từ khâu giống – quy trình sản xuất – sơ chế (chế biến) – tiêu thụ sản phẩm. Đó là những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ để phát triển nông nghiệp TPHCM trở thành Trung tâm giống gia súc và thủy sản đáp ứng nhu cầu của nông nghiệp các tỉnh Tây Nam bộ và Đồng Nam bộ” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM tổ chức ngày 12/9.
Nhiều trang trại ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Theo Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản TPHCM Trần Phương Đông, TP hiện có 28 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh giống vật nuôi, trong đó nhiều trang trại chăn nuôi heo, bò sữa lớn đầu tư theo mô hình chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Kết quả, đối với giống bò sữa, mỗi năm TP cung cấp 20.000 – 24.000 con giống cho các hộ chăn nuôi tại TP và các tỉnh, doanh thu đạt hơn 500 tỷ đồng/năm. Việc cải tạo giống bò sữa đã được thực hiện liên tục qua nhiều năm.
Về nguồn cung cấp giống heo, TP có hai đàn giống gốc với tổng số 10.500 con. Hàng năm, các cơ sở cung cấp ra thị trường hơn 1 triệu con heo giống các loại. Đối vơi giống thủy sản, TP có 27 cơ sở sản xuất, ươm tạo giống thủy sản, cá cảnh. Hàng năm các cơ sở này cung cấp 500 triệu con cá bột, 100 triệu con cá giống nước ngọt các loại và 130 triệu con cá cảnh các loại.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, mục tiêu chung của TP đến năm 2020 là nghiên cứu chọn tạo, chuyển giao, sản xuất; quản lý Nhà nước về giống theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả một cách bền vững; phát triển nông nghiệp TPHCM trở thành trung tâm giống vật nuôi và thủy sản đáp ứng nhu cầu của nông nghiệp các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ.
Cụ thể, TP phấn đấu mỗi năm cung cấp cho thị trường 22.000 con giống bò sữa và 7.000 con giống bò thịt; cung cấp cho thị trường 1-1,2 triệu heo con giống các loại. Mỗi năm cung cấp 1,5 – 2 tỷ con giống thủy sản, nước ngọt; 1,5 tỷ con giống tôm sản xuất thuần dưỡng; 4 tỷ con giống nhuyễn thể; 100 triệu con cá giống nước mặn, lợ khác và 150 – 80 triệu con cá cảnh (xuất khẩu 40 – 50 triệu con).
Theo ông Trần Phương Đông, để đạt các mục tiêu trên TP sẽ thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ, trong đó đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường, các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về giống; ưu tiên hợp tác trong đầu tư sản xuất giống, kỹ thuật nhân giống chất lượng cao. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, từng bước làm chủ một số công nghệ như ứng dụng công nghệ phôi, phôi phân biệt giới tính… sẽ nâng cấp các cơ sở nuôi giữ giống thủy sản hoặc nhập giống có năng suất, chất lượng cao phù hợp. Chú trọng kỹ thuật sinh sản nhân tạo giống thủy sản đặc hữu và cá cảnh, thuần dưỡng từ nguồn cá tự nhiên.
Xây dựng các chuỗi liên kết và cung ứng trong nông nghiệp
Tuy nhiên, tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, việc sản xuất, ươm tạo giống gia súc và thủy sản hiện nay còn gặp không ít khó khăn do quy mô chăn nuôi nhỏ, mức độ đầu tư thấp, ứng dụng đồng bộ công nghệ còn yếu. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật chuyên sâu về giống thiếu ổn định, chưa phát huy hết động lực sáng tạo. Thị trường (đầu ra, đầu vào) không ổn định. Việc sản xuất theo chuỗi liên kết còn yếu, các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.
Riêng với việc ươm tạo, sản xuất giống thủy sản, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáng, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cho biết, hạn chế hiện nay là thành tựu trong lĩnh vực này chủ yếu từ chọn giống truyền thống và thao tác di truyền. Đối với hoạt động di truyền phân tử hiện chỉ là đánh giá khác biệt loài hoặc đa dạng di truyền trong một loài và chỉ thị phân tử liên kết với các tính trạng quan tâm chưa đem lại kết quả thực tế.
Bàn về các giải pháp khoa học công nghệ trong ươm tạo giống, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáng cho rằng, cần xây dựng và thực hiện chương trình khoa học công nghệ cho sản xuất giống và chọn tạo giống thủy sản đối tượng chủ lực và đặc thù khu vực Nam bộ trên cơ sở kết hợp nguồn lực Trung ương, các tỉnh khu vực Nam bộ về chọn tạo giống, sản xuất giống, lưu giữ nguồn gen và giống gốc. Song song đó, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng sinh học vào chọn giống tăng trưởng và kháng bệnh thông qua đầu tư đầy đủ và liên tục nguồn kinh phí cho nghiên cứu giữa các cơ quan nghiên cứu và hợp tác quốc tế.
Một trong những giải pháp được nhiều đại biểu đề xuất là hình thành các vùng sản xuất giống; liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ từ khâu giống – quy trình sản xuất – sơ chế (chế biến) – tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP đã có những bước chuyển biến mới về năng suất, chất lượng. TP đã tập trung vào ứng dụng công nghệ, trong đó có trọng tâm là phát triển giống gia súc và thủy sản; đồng thời ưu tiên thực hiện chương trình giống cây, giống con chất lượng cao, tạo đà cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Để TP trở thành trung tâm giống gia súc và thủy sản đáp ứng nhu cầu của nông nghiệp các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho rằng, phải có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa TPHCM với các tỉnh, trong đó TP giữ vị trí trung tâm trong phát triển giống. Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng các chuỗi liên kết và cung ứng trong nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020, trọng tâm liên kết, hợp tác theo hướng TPHCM là trung tâm cung cấp giống gia súc, thủy sản chất lượng cao cho các tỉnh, với quy mô nuôi trồng, chăn nuôi an toàn. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cũng yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP rà soát tình hình phát triển nông nghiệp để tham mưu lãnh đạo TP có cơ chế chính sách về phát triển con giống gia súc, thủy sản trong thời gian tới.