Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

http://hcmbiotech.com.vn


Hội thảo của Mạng lưới BactiVac và IVVN về “Vắc-xin cho cá rô phi” tại Trung tâm Công nghệ sinh học Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 23-25 tháng 9 năm 2019

Trung tâm Công nghệ sinh học Tp. Hồ Chí Minh (HCMBiotech) cùng với Đại học Stirling, Vương quốc Anh và Viện Nghiên cứu Moredun, Vương quốc Anh đã phối hợp tổ chức Hội thảo của Mạng lưới BactiVac...
Trung tâm Công nghệ sinh học Tp. Hồ Chí Minh (HCMBiotech) cùng với Đại học Stirling, Vương quốc Anh và Viện Nghiên cứu Moredun, Vương quốc Anh đã phối hợp tổ chức Hội thảo của Mạng lưới BactiVac và IVVN về “Vắc-xin cho cá rô phi” tại HCMBiotech vào ngày 23-25 tháng 9 năm 2019. Hội thảo này là một phần của dự án hợp tác quốc tế “Optimisation of novel mucosal vaccines to prevent bacterial diseases of Tilapia (Oreochromis niloticus)” do BactiVac cấp kinh phí và TS. Rowena Hoare làm chủ nhiệm. Các thành viên khác của đề tài gồm có GS. Sandra Adams và ThS. William Leigh từ Đại học Stirling, TS. Kim Thompson từ Viện nghiên cứu Moredun và TS. Ngô Huỳnh Phương Thảo từ HCMBiotech. Hội thảo này được tài trợ kinh phí toàn phần bởi Mạng lưới BactiVac, Mang lưới Vaccine thú y quốc tế và công ty Pharmaq (part of Zoetis).
 
1

Hình 1. Các đại biểu tham dự Hội thảo tại Trung tâm Công nghệ sinh học
Tp. Hồ Chí Minh ngày 23-25 tháng 9 năm 2019

Cá rô phi là một trong những loài thủy sản quan trọng được nuôi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (LMIC). Việt Nam (LMIC) và Thái Lan là những nước có đóng góp quan trọng cho ngành sản xuất cá rô phi ở khu vực Đông Nam Á. Phần lớn các bệnh ở cá rô phi là do vi khuẩn gây ra nên kháng sinh thường được dùng phổ biến để điều trị dịch bệnh. Mặc dù, cá rô phi được nuôi rộng khắp trên thế giới nhưng hiện có rất ít vắc-xin hiệu quả dành cho cá rô phi đã được thương mại. Nếu có thì các vắc-xin này phần lớn ở dạng phối trộn với dầu tá dược và phải dùng bằng cách tiêm. Mặc dù các loại vắc-xin này cho hiệu quả bảo vệ tốt với vi khuẩn và virus gây bệnh, nhưng chúng có một số nhược điểm như tạo tác dụng phụ và chỉ có thể được dùng ở dạng tiêm. Sử dụng vắc-xin niêm mạc cho cá - bằng cách ngâm và đường ăn (phối trộn với thức ăn) - có nhiều lợi ích hơn so với phương pháp tiêm: dễ áp dụng, sử dụng hàng loạt cho cá con, ít gây stress cá, ít tác dụng phụ và tránh hiện tượng nhiễm trùng do tiêm. Hiện tại, vắc-xin niêm mạc dành cho cá có rất ít trên thị trường, chủ yếu là do hiệu quả của chúng kém hơn so với vắc-xin tiêm và thời gian miễn dịch ngắn hơn. Nhiều Lợi ích mang lại từ việc áp dụng vắc-xin cho cá bằng cách ngâm hoặc đường ăn bao gồm: dễ dàng áp dụng là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là ở các nước kém phát triển nơi máy móc tiêm chủng đắt tiền không khả thi cho nông dân. Nhiều người nuôi cá ở các nước LMIC sẽ được hưởng lợi từ vắc-xin ngâm và vắc-xin ăn khi các loại vắc-xin này có thể bảo vệ cá trong suốt quá trình nuôi. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và tối ưu hóa vắc-xin niêm mạc là điều cần thiết để bảo vệ động vật thủy sản nuôi trên toàn thế giới và góp phần làm giảm việc sử dụng kháng sinh và hiện tượng kháng kháng sinh. Trong dự án BactiVac Catalyst, thông qua sự hợp tác của các nhà khoa học từ Anh, Thái Lan và Việt Nam, chúng tôi đang tối ưu hóa một loại vắc-xin đơn hiện có để phòng bệnh do Francisella noatunensis subsp. orientalis (Fno) gây ra trên cá rô phi, như một mô hình thí điểm, để chứng minh lợi ích của việc sử dụng vắc-xin niêm mạc. Công nghệ này có tiềm năng được mở rộng để phát triển vắc-xin phòng ngừa các mầm bệnh vi khuẩn khác của cá, nhất là vắc-xin đa phần trong tương lai.
 
2

Hình 2. PGS.TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Tp. HCM
phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo đã thu hút 62 đại biểu đến từ trong và ngoài nước tham dự Hội thảo, từ các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, công ty sản xuất giống thủy sản, công ty vaccine chuyên về lĩnh vực thủy sản ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, có 32 đại biểu từ Việt Nam và 30 đại biểu đến từ Bangladesh, Malaysia, Indonesia và Thái Lan (Hình 1). Mục đích của Hội thảo là thảo luận cách thức chuyển giao kết quả và công nghệ của đề tài BactiVac, tìm hướng nghiên cứu tiếp theo để có thể phát huy tốt nhất các kết quả của dự án. Hội thảo còn có các báo cáo về hiện trạng dịch bệnh ở cá rô phi trong khu vực và các giải pháp để phát triển vắc-xin niêm mạc hiệu quả cho động vật thủy sản.
 
3

Hình 3. Đại biểu Hội thảo tham quan phòng Truyền thống
của Trung tâm Công nghệ sinh học Tp. HCM

Một số điểm thảo luận quan trọng tại Hội thảo liên quan đến vắc-xin niêm mạc cho cá rô phi
- Cần áp dụng các công nghệ hiện đại trong phát triển vaccine thủy sản để giảm chi phí sản xuất, phù hợp giá trị kinh tế của cá rô phi.
- Cần nhanh chóng xác định tác nhân gây bệnh mới để có thể kịp thời có biện pháp ngăn chặn sự lan rộng của tác nhân này.
- Cần có sự phối hợp của các doanh nghiệp trong nghiên cứu vaccine thủy sản để tăng tính ứng dụng thực tiễn của loại sản phẩm này.
- Cần tổ chức các buổi Hội thảo giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân để nâng cao ý thức của nông dân đối với việc sử dụng vaccine trong nuôi trồng thủy sản.
- Khi nghiên cứu tác nhân gây bệnh và đối tượng thủy sản giống nhau, các nhà khoa học giữa các nước nên hợp tác với nhau để đăng ký chung một dự án nghiên cứu lớn nhằm phát huy được thế mạnh của từng thành viên.
- Hiện tượng đồng nhiễm nhiều tác nhân gây bệnh khá phổ biến trong ao nuôi cá rô phi. Điều này gây khó khăn cho khâu thiết kế công thức vắc-xin, tăng chi phí vắc-xin và ảnh hưởng khả năng đáp ứng miễn dịch của cá với vắc-xin. Chỉ nên sử dụng vắc-xin trên cá khỏe mạnh để đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất của vắc-xin.
- Các tác nhân gây bệnh chính trên cá rô phi hiện nay ở khu vực Đông Nam Á là Streptococcus agalactiae, Steptococcus iniae, Aeromonas sp. (A. hydrophila A. veronii),  Edwardsiella spp, (E. tarda E. ictaluri), Iridovirus và Francisella noatunesis subsp. orientalis (Fno).
Vào ngày thứ 3 của Hội thảo, các đại biểu đi tham quan trại cá rô phi ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang để xem quy trình sản xuất cá rô phi đỏ bột và giống trên quy mô ao đất.

 
4

Hình 4. Các đại biểu tham quan trại cá rô phi ở Cai Lậy, Tiền Giang
 
5
 
6
 
7

Hình 5. Chuyến tham quan trại cá rô phi ở Cai Lậy, Tiền Giang
 vào ngày thứ 3 của Hội thảo

Nếu cần thêm thông tin về đề tài BactiVac hoặc về vắc-xin niêm mạc, hãy liên hệ với TS. Rowena Hoare (rowena.hoare1@stir.ac.uk).
 

Tác giả bài viết: Phòng CNSH Thủy sản

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây