Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

http://hcmbiotech.com.vn


Phát triển các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Quy hoạch nhiều…làm ít!

Không nhất thiết phải quy hoạch Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (NNCNC) với quy mô hàng ngàn ha, vừa lãng phí, vừa tốn kém và nhất là không khả thi. Đó là trao đổi mới đây của TS. Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM với PV Báo DĐDN.

Không nhất thiết phải quy hoạch Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (NNCNC) với quy mô hàng ngàn ha, vừa lãng phí, vừa tốn kém và nhất là không khả thi. Đó là trao đổi mới đây của TS. Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM với PV Báo DĐDN.

- Là chuyên gia trong lĩnh vực NNCNC, ông đánh giá như thế nào về việc hiện nay rất nhiều địa phương triển khai dự án Khu NNCNC, có nơi quy hoạch cả hàng trăm ha?

Theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch tổng thể Khu và Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cũng như nhiều văn bản chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc chuyển đổi và phát triển nông nghiệp nước ta phải đi theo con đường ứng dụng công nghệ cao.

Con đường nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh phải thông qua việc ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng các thành tựu mới về khoa học công nghệ. Tuy nhiên phải phân biệt rõ khái niệm “ Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ” và “ Vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ”.

Trong khi Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng được 4 tiêu chí hay 4 nhiệm vụ chức năng: Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; Hoạt động dịch vụ triển lãm, trình diễn; Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp thì vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất một số mặt hàng nhất định. Hoạt động của Khu có vai trò như là hạt nhân, đầu tàu còn hoạt động của vùng mới là quy mô sản xuất hàng hoá. Vì vậy không nhất thiết phải quy hoạch Khu NNCNC với quy mô hàng ngàn ha, vừa lãng phí, vừa tốn kém và nhất là không khả thi. Ngược lại nếu quy hoạch vùng ứng dụng NNCNC mà phù hợp với khả năng của từng tỉnh, khu vực thì sẽ phát huy được thế mạnh của tỉnh đó.

quyhoach

Hình Khu NNCNC Phú Yên
 

- Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của một số địa phương đã thực hiện mô hình Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao?

Theo thông tin chính thức, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố đang quan tâm và có chủ trương đầu tư vào triển khai xây dựng Khu NN ứng dụng CNC. Ngoài 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục quy hoạch và xây dựng 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, gồm: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ.

Tuy nhiên trên thực tế, hiệu quả hoạt động cũng như khả năng đầu tư để xây dựng một mô hình Khu nông nghiệp ứng dụng CNC còn nhiều vấn đề phải thảo luận và rút kinh nghiệm.

Theo đánh giá của cá nhân tôi, một trong những mô hình hoạt động khá hiệu quả là Khu NNCNC của Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô ban đầu là 88 ha và đã đi vào hoạt động từ năm 2010. Khu NNCNC của Thành phố đã thực hiện đủ 4 chức năng từ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tham quan triển lãm; đào tạo nguồn nhân lực đến ươm tạo doanh nghiệp. Hiệu quả của mô hình này cũng là do vị thế của Thành phố trong khu vực với sự đầu tư chủ động của Thành phố về nguồn vốn, sự tham gia của các doanh nghiệp cũng như tự xây dựng nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Trong khi đó nhiều dự án xây dựng Khu NN ứng dụng CNC ở một số tỉnh triển khai với tiến độ rất chậm do thiếu vốn đầu tư từ cấp tỉnh mà trông chờ từ Trung ương, lúng túng trong việc chọn lựa công nghệ và đối tượng vật nuôi, cây trồng; đặc biệt là nguồn nhân lực cho dự án là thiếu trầm trọng.   

- Để mô hình NNCNC đi vào thực tế, theo ông, những vùng đất, loại cây trồng gì có thể ứng dụng để mang lại hiệu quả cao nhất? Và nếu địa phương nào cũng có Khu NNCNC, theo ông, hệ lụy của nó ảnh hưởng như thế nào đến quy hoạch?

Đây là một câu hỏi khó, cần có nhiều ý kiến từ nhiều chuyên gia. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi thì: mỗi tỉnh, mỗi địa phương phải hiểu và chọn lựa cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của mình để đầu tư vào phát triển công nghệ cao. Bên cạnh đó phải lưu ý về sự liên kết vùng trong sản xuất và thị trường tiêu thụ cũng như khả năng về đầu tư vốn và hiệu quả đầu tư.

Mặt khác đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi số vốn đầu tư lớn, ví dụ: đầu tư hệ thống nhà màng trồng rau, hoa kiểng tối thiểu cũng 5-10 tỷ đồng/ha. Do đó sản phẩm đầu ra phải có năng suất và chất lượng cao và cũng phải có giá bán phù hợp để thu hồi vốn, tức là nói đến thị trường đầu ra và hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, không phải cây trồng nào ta cũng đầu tư vào công nghệ cao. Ví dụ như ở các nước phát triển đầu tư công nghệ cao cho cây trồng tập trung chủ yếu cho rau, hoa và một số loại cây ăn trái. Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tập trung vào rau, hoa cây kiểng.

Trên thực tế hiện nay một số tỉnh đầu tư xây dựng Khu NN ứng dụng CNC hay quy hoạch vùng NN ứng dụng CNC mà lại chọn những vùng đất khó khăn như nhiễm phèn, nhiễm mặn, nguồn nước ngọt không chủ động thì cũng cần xem xét lại và tính toán hiệu quả đầu tư thật kỹ, nếu không sẽ thất bại. Triển khai công nghệ cao trong nông nghiệp là cả một cuộc cách mạng đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ công tác quy hoạch, đầu tư vốn, chuẩn bị nguồn nhân lực, lựa chọn công nghệ, chọn đối tượng cây trồng vật nuôi có hiệu quả và cuối cùng là thị trường đầu ra. Nếu chạy theo phong trào, theo thành tích mà không có sự chuẩn bị như trên thì sẽ khó thành công.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hùng

Nguồn tin: enternews.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây