Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

http://hcmbiotech.com.vn


'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 7 - Đâu rồi những Lương Định Của ngày xưa?

Các nhà khoa học nông nghiệp hiện nay đang bị phân tâm bởi những thứ gì? Tại sao không có những tên tuổi lẫy lừng như Lương Định Của, Bùi Huy Đáp, Đào Thế Tuấn, Vũ Tuyên Hoàng...
Các nhà khoa học nông nghiệp hiện nay đang bị phân tâm bởi những thứ gì? Tại sao không có những tên tuổi lẫy lừng như Lương Định Của, Bùi Huy Đáp, Đào Thế Tuấn, Vũ Tuyên Hoàng... của thế hệ trước, hoặc gần đây là Tạ Minh Sơn, Nguyễn Thị Trâm…?

Trò chuyện với NNVN, GS.TS Nguyễn Văn Tuất, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đã có những chia sẻ tâm huyết về công tác nghiên cứu khoa học hiện nay...
 
m16

GS.TS Nguyễn Văn Tuất
 

Nghiên cứu là phải liên tục, kế thừa

Ông bình luận gì về đóng góp của giới khoa học hiện nay? Thực tế thì không ít sản phẩm khoa học ở mức bình bình thậm chí chỉ là để trả bài rồi... đút ngăn kéo?

Nông nghiệp Việt Nam hiện nay có nhiều thành phần tham gia không chỉ các viện hoặc trường đại học thực hiện việc nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mà còn các DN, Cty, tập đoàn, tư nhân, tổ chức nước ngoài... Do đó các kết quả của các viện, trường đại học không thể hiện dạng “độc quyền” như ngày xưa chứ không phải là không có đóng góp.

Còn nói về toàn ngành nông nghiệp thì lĩnh vực khoa học công nghệ có nhiều công trình rất có ý nghĩa đối với sản xuất, góp phần cho sự tăng trưởng vừa qua. Trong số 10 nhóm hoặc sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì riêng ngành trồng trọt chiếm tới 7 sản phẩm.

Nghiên cứu là phải liên tục, kế thừa, phát triển sản phẩm theo nhu cầu thị trường do đó các sản phẩm xuất khẩu hiện nay đều có sự kế thừa và vai trò âm thầm của nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn về lúa gạo những năm trước thị trường lúa gạo Việt Nam chủ yếu là loại thường.

Khi thị trường thay đổi, gạo Việt đã dần quen với người tiêu dùng thế giới, quảng bá tốt hơn, chúng ta đã chuyển đổi sang trồng và xuất khẩu loại chất lượng cao. Nếu không có các nhà khoa học hàng ngày nghiên cứu, bảo tồn, duy trì các dòng lai, các tổ hợp lúa tốt thì lấy đâu giống tốt, mở rộng sản xuất ngay được? Các DN kinh doanh lúa gạo trong và ngoài nước đều đánh giá rất cao việc Việt Nam thay đổi rất nhanh cơ cấu thị phần lúa chất lượng cao nhất là trong năm 2017-2018.

Nhiều nước muốn sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao, đảm bảo an ninh lương thực và làm cơ sở cho các ngành kinh tế khác yên tâm phát triển như Việt Nam. Khi làm việc với các chuyên gia nông nghiệp của châu Phi họ tâm phục, khẩu phục Việt Nam chỉ ở 2 vấn đề là thắng Pháp, Mỹ trong chiến tranh vệ quốc và tự túc được lương thực. Nền chính trị có ổn định hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào an ninh lương thực như Venezuela từ chỗ giàu mạnh trở thành nước đói ăn chẳng hạn.

Một ví dụ nữa là về ngành rau quả, xuất khẩu đạt giá trị cao, tốc độ tăng trưởng nhanh và nhất là hoa quả nhiệt đới. Nếu không có các nghiên cứu về kỹ thuật chọn tạo giống, canh tác, BVTV, sơ chế… thì không dễ để có được thành quả như mấy năm qua. Cũng phải nói thêm rằng chỉ có các cơ sở của nhà nước mới nghiên cứu và làm được việc này vì có điều kiện lưu giữ, được giao nhiệm vụ và không vì lợi nhuận ngay.

Hàn Quốc là quốc gia nông nghiệp chỉ chiếm 5-7% GDP nhưng họ lại nghiên cứu nhiều năm nay về nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thu thập các cây trồng kể cả cây nhiệt đới để đánh giá và tạo dòng chống chịu.

Việt Nam cũng bị tác động bởi biến đổi khí hậu, hiện nay nhiều loại dịch hại đang có xu hướng tăng lên, mức độ nguy hiểm cao, phức tạp về nòi chủng và không theo quy luật như bệnh đốm trắng trên cây thanh long, bệnh chổi rồng trên cây nhãn, bệnh chổi rồng, khảm lá sắn, bệnh lùn sọc đen phương Nam trên lúa… Việc điều tra theo dõi quy luật phát sinh gây hại, hạn chế hình thành dịch, phân tích nguy cơ dịch hại… cần được khôi phục. Vấn đề này chỉ có các cơ quan nghiên cứu nhà nước mới có thể duy trì được vì họ có kinh nghiệm, cơ sở dữ liệu của các giai đoạn trước, mạng lưới, con người.
 

m17

Chăm sóc ngô giống
.

Hiện tại, Bộ NN-PTNT cũng như các bộ khác đều yêu cầu hình thành các đề tài, dự án có tầm cỡ để giải quyết tổng hợp nhiều vấn đề cùng lúc, phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đây là những định hướng lớn, thực tế và đã có nhiều kết quả thành công. Tuy nhiên, nông nghiệp là ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, rủi ro cao, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Để duy trì vai trò “bà đỡ” của nền kinh tế, tránh các rủi ro, nguy cơ tụt hậu trong sản xuất thì cần có các đề tài, dự án nghiên cứu cơ bản hoặc theo định hướng cơ bản, nắm bắt sớm các vấn đề trong sản xuất.

Vấn đề này trong thực tế hiện chưa được quan tâm đúng mức vì các dự án đề tài lớn khi kết thúc thì không được duy trì như mong muốn, nhất là các sản phẩm trung gian, chưa đủ điều kiện để đưa vào áp dụng trong sản xuất. Nên chăng đối với mỗi sản phẩm chủ lực nên có các nhiệm vụ xuyên suốt, từ tạo nguồn vật liệu, đến phát triển sản phẩm và các quy trình công nghệ liên quan và các cơ quan kể cả nhà nước và tư nhân đều tham gia.  

Quỹ Bộ trưởng cho các nhiệm vụ ưu tiên
 

Bộ NN-PTNT cần xem xét thiết lập lại các đề tài nghiên cứu cơ bản, giải quyết các vấn đề mới nảy sinh, phục vụ cho soạn thảo các đề tài/dự án dài hơi, tổng hợp và liên vùng. Có cơ chế giữ các nhà khoa học trẻ tiếp tục công tác tại các viện nghiên cứu công lập, lập kế hoạch phát huy vai trò cán bộ khoa học trẻ theo hướng khởi nghiệp ở cấp quốc gia; cấp kinh phí thực hiện đề tài, nhiệm vụ khoa học có tính mới, cấp thiết. Có thể lấy quỹ Bộ trưởng cho các nhiệm vụ ưu tiên và cấp bách.

 

Chúng ta đang xây nhà trên nền móng thế nào?

Nghiên cứu cơ bản là nền móng cho nghiên cứu ứng dụng nhưng hiện nay có phải đang bị bỏ bê?

Chúng ta vẫn có các kênh nghiên cứu cơ bản như quỹ NAFOSTED - thuộc Bộ KH-CN quản lý, điều hành, các đề tài thuộc các chương trình như KC04, KC06, chương trình công nghệ sinh học… Các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phần lớn đang thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản hoặc theo định hướng cơ bản…

Riêng ở ngành nông nghiệp trước đây có các đề tài cấp cơ sở, mang tính chất nghiên cứu thăm dò, dự báo, phát hiện các vấn đề và điều tra thu thập mẫu sâu bệnh định kỳ cùng với hệ thống dự tính dự báo hàng tuần hoặc 10 ngày của Cục BVTV để tổng hợp, cung cấp những vấn đề phát hiện trong sản xuất, không theo quy luật và từ đó đề xuất nghiên cứu một cách bài bản, đầy đủ hơn…

Nay Bộ NN-PTNT nên xem xét thiết lập hệ thống nghiên cứu về tạo giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu dịch tễ học của một số đối tượng sâu bệnh hại quan trọng, thiết lập cơ sở dữ liệu về đặc điểm sinh học, sinh thái, quy luật phát sinh mới chủ động kiểm soát, nhận định chính xác vấn đề. Thời gian qua chúng ta đã xuất khẩu nhiều nông sản, phân tích nguy cơ dịch hại là một trong các yêu cầu rất khắt khe của các nước nhập khẩu. Nếu thiếu thông tin về các đối tượng dịch hại thì việc đưa ra các giải pháp quản lý rủi ro khó chính xác.
 

m18
 
Ươm trồng cây giống


Ông đánh giá ra sao về chất lượng của các viện nghiên cứu nông nghiệp hiện nay? Cái gì đang là cản trở lớn nhất trong cơ chế?

Các viện nghiên cứu hiện nay có nhiều thế mạnh như cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, cán bộ được tiếp xúc với các công nghệ, kỹ thuật mới, một số được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Các nguồn đề tài mở hơn, lớn hơn về kinh phí, quy mô, có các kênh mới, đa dạng để nhà khoa học có thể đăng ký và đấu thầu. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp thì các vấn đề của sản xuất thường khó lường trước được. Các đề tài cấp cơ sở ở các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu không còn do đó các hoạt động thường xuyên không duy trì theo đúng chức năng của nó. Đấy là một trong những khó khăn để các cán bộ trẻ có thể thực hiện tư duy của mình thông qua các thí nghiệm quy mô phòng, ô nhỏ trong nhà lưới. Họ chưa đủ trình độ và tầm để chủ trì các đề tài lớn, xuyên viện hoặc nhánh…
.

Để giữ được và đào tạo các nhà khoa học trẻ nhất là những người có trình độ cao, học ở nước ngoài về yên tâm làm việc cho viện thì cần có đề tài cho họ, cơ chế về nhà công vụ cho họ thuê, tiền lương đảm bảo tối thiểu cho chi tiêu… Nếu không có các đề tài nghiên cứu nhiều năm, luôn trăn trở vấn đề mà họ quan tâm thì khó có thể tạo ra các nhà nghiên cứu chuyên sâu, nổi tiếng như trước đây. Hơn nữa, môi trường xã hội thay đổi, đòi hỏi họ phải thích nghi với điều kiện nghiên cứu cơ bản, ít thu nhập thì không phải dễ. Các đơn vị nghiên cứu cũng nên khẳng định các chuyên ngành của mình được giao, xác định số chuyên gia chuyên sâu về các lĩnh vực chuyên môn hẹp để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thông qua các nhiệm vụ trong nước, hợp tác với nước ngoài và doanh nghiệp. Mỗi lĩnh vực chuyên môn hẹp trong từng viện nghiên cứu chỉ cần có 1-2 nhà khoa học trình độ cao còn lại là cán bộ phục vụ theo nhóm để giảm biên chế và thích ứng với cơ chế mới.
 

Trước thực trạng này thì theo ông phải gỡ từ đâu?

Khi các tổ chức nghiên cứu tư nhân ra đời và đóng góp mạnh vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, các đơn vị nghiên cứu công lập cần tổ chức lại các bộ phận chuyên môn hẹp, đề xuất các nhiệm vụ khoa học thiết thực đối với sản xuất, tháo gỡ các vấn đề đặt ra trong thực tiễn sản xuất; có kế hoạch đào tạo ngắn hạn, dài hạn các chuyên gia đầu ngành, tạo điều kiện để có các chương trình/dự án dài hơi, để các chuyên gia trẻ có điều kiện thực hiện các ý tưởng nghiên cứu của mình và đề xuất các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia, vùng với quy mô lớn và thuyết phục hơn.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG - TRẦN CAO

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây