Ngày 08/5/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BKHCN hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) có sử dụng ngân sách nhà nước bao gồm nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở quy định tại Điều 25, 26, 27 và 28 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ. Nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước thuộc nội dung triển khai của các chương trình khoa học và công nghệ theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền trong từng giai đoạn áp dụng quy định tại Thông tư này và các quy định đặc thù (nếu có); nhiệm vụ sử dụng nguồn vốn khác được khuyến khích áp dụng quy định của Thông tư này.
Theo Thông tư, các chức danh thực hiện nhiệm vụ KH&CN gồm: (1) Chủ nhiệm nhiệm vụ; (2) Thư ký khoa học; (3) Thành viên chính; (4) Thành viên; (5) Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ (không bao gồm lao động phổ thông). Trong đó, mỗi nhiệm vụ chỉ có một chủ nhiệm nhiệm vụ và chỉ có một thư ký khoa học; mỗi nội dung nghiên cứu được chủ trì thực hiện bởi tối đa một thành viên chính. Việc lập dự toán chi tiết thù lao cho các chức danh phải gắn với các nội dung nghiên cứu và các công việc cụ thể trong thuyết minh nhiệm vụ theo quy định hiện hành. Thông tư quy định rõ, một cá nhân có thể tham gia nhiều nội dung, công việc nghiên cứu với các chức danh khác nhau. Thù lao của cá nhân trong nội dung, công việc nghiên cứu được tính theo hệ số lao động khoa học của chức danh tương ứng và thời gian cá nhân thực hiện nội dung, công việc nghiên cứu đó.
Trường hợp cần thuê lao động phổ thông phục vụ triển khai nhiệm vụ, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ căn cứ nội dung yêu cầu công việc cần thuê lao động, thuyết minh kết quả dự kiến của việc thuê lao động và lập dự toán chi tiết trong thuyết minh nhiệm vụ.
Cũng theo Thông tư, các trường hợp được thuê chuyên gia phối hợp trong quá trình nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ, gồm: (1) Khi nhiệm vụ có các nội dung nghiên cứu cần chuyên gia phối hợp giải quyết; (2) Việc thuê chuyên gia được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 (Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 (Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ)…
Về việc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập, Thông tư nêu rõ, trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cơ quan quản lý nhiệm vụ được thuê chuyên gia tư vấn độc lập để: Xây dựng đề xuất đặt hàng nhiệm vụ; xác định nhiệm vụ đặt hàng; cho ý kiến trước khi quyết định lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ; xem xét, đánh giá thực tế cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực và năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân được kiến nghị chủ trì hoặc phối hợp thực hiện nhiệm vụ; kiểm tra, đánh giá tổ chức, cá nhân chủ trì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ; xây dựng báo cáo đề xuất với cơ quan quản lý chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về các nội dung để tổ chức, triển khai có hiệu quả các mục tiêu của chương trình.
Trong quá trình tổ chức kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ, cơ quan quản lý nhiệm vụ được thuê tổ chức tư vấn độc lập, là đơn vị có chức năng chuyên môn phù hợp được cơ quan quản lý nhiệm vụ thuê để đánh giá, kiểm tra chất lượng sản phẩm đối với các nhiệm vụ có sản phẩm trung gian hoặc sản phẩm là các mô hình, thiết bị cụ thể, sản phẩm cần đo kiểm. Định mức thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính và các quy định hiện hành.
Về điều khoản chuyển tiếp, Thông tư nêu rõ: Đối với các nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng theo các quy định tại thời điểm phê duyệt nhiệm vụ cho đến khi kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhiệm vụ; cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước; các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan; có hiệu lực thi hành kể từ ngày
23/6/2023. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó. Điều 5, điểm a khoản 1 Điều 7, điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Xem chi tiết Thông tư tại đây!