Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
ddci hcmc banner 02 1279x447

Aeromonas hydrophila ST251 và Aeromonas dhakensis là những tác nhân gây bệnh chính trên cá tra ở Việt Nam

Thứ sáu - 26/04/2024 09:49
Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam, được nuôi tập trung chính ở Đồng bằng sông Cửu Long, với giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, việc nuôi cá tra luôn phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh do vi khuẩn gây ra, gây thiệt hại lớn về sản lượng cá. Trong đó, Aeromonas hydrophila là một trong những tác nhân chính gây bệnh thường gặp trên cá tra.

Aeromonads có mặt khắp nơi trong môi trường nước, một số loài là tác nhân gây bệnh cơ hội của cá. A. hydrophila, là nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm trùng huyết (MAS), còn được gọi là bệnh xuất huyết hoặc bệnh đốm đỏ. MAS trên cá có biểu hiện lâm sàng là cá xuất huyết, lở loét, phình bụng và thiếu máu, các đợt bùng phát dịch MAS thường dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Sự bùng phát bệnh đòi hỏi phải điều trị bằng kháng sinh, nhưng việc này sẽ dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh trên cá.

Công nghệ phát triển, với các phương pháp phân trích trình tự đa điểm (Multi-locus sequence typing –MLST), giải trình tự toàn bộ bộ gen (Whole genome sequencing - WGS) đã mang lại kết quả chính xác nhất để phân biệt loài và chủng. Các nghiên cứu về gen đã tiết lộ sự hiện diện của chủng siêu độc lực của A. hydrophila ((vAH ST) 251) đang là mối đe dọa nghiêm trọng cho ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu, (vAH ST) 251 đã gây ra dịch MAS ở cá da trơn và cá chép nuôi ở Mỹ và Trung Quốc. Gần đây, chủng vAH ST251 đã được phân lập tại 2 tỉnh nuôi cá tra ở Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu của TS. Ngô Huỳnh Phương Thảo, Trưởng phòng Công nghệ sinh học Thủy sản, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh và các nhà khoa học của trường Đại học Stirling, Vương Quốc Anh (gồm TS. Kerry Bartie, TS. Andrew Debois…) đã thu mẫu cá tra có dấu hiệu đặc trưng của bệnh MAS, bao gồm vây đỏ và xuất huyết bên ngoài và/hoặc bên trong, từ các đợt bùng phát dịch bệnh ở tám tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang và tỉnh Vĩnh Long) và tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013–2019, sàng lọc được trên môi trường đặc trưng cho Aeromonas spp. 345 khuẩn lạc. Tiến hành kiểm tra PCR khuếch đại đoạn gen 16S rRNA, nhóm xác định được 202 khuẩn lạc thuộc Aeromonas spp. Với phương pháp MLST, nhóm xác định được 151 khuẩn lạc (74,8%) tương đồng cao với chủng ST656, là một chủng có quan hệ gần với Aeromonas dhakensis, đa số các khuẩn lạc còn lại tương đồng cao với chủng ST251. Ứng dụng phương pháp WGS, nhóm đã xác định được 14 chủng vi khuẩn tương đồng cao với Aeromonas hydrophila ST251 và Aeromonas dhakensis.
 
1
Hình: Mạng lưới eBurst dựa vào kiểu trình tự đa điểm (multilocus sequence typing (MLST)) của bộ gen A. hydrophila A. dhakensis đã được công bố gần đây. Các vòng tròn biểu hiện các kiểu trình tự khác biệt: vòng tròn nhỏ và không đánh số nếu chưa xác định được kiểu trình tự và độc nhất; vòng tròn nhỏ và được đánh số nếu chưa xác định được kiểu trình tự nhưng được phát hiện nhiều lần (“u”), trong khi đó vòng tròn lớn hơn và có đánh số nếu đã có thông tin dữ liệu trên PubMLST. Các đoạn nối thể hiện các biến chủng allen đơn. Kiểu trình tự (Sequence type, ST) liên quan chủng thu thực tế được kẻ vòng tròn đen và chúng tương thích với chủng A. hydrophila vAh độc lực cao ST251 và chủng A. dhakensis ST656.
 
Nghiên cứu này nhấn mạnh lần đầu tiên Aeromonas dhakensis, một loài vi khuẩn có thể gây tử vong cho người, được phát hiện là tác nhân gây bệnh gần đây trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam, gây ra những dịch bệnh nghiêm trọng cho cá tra. Việc phát hiện ra A. dhakensis gây bất ngờ vì A. hydrophila thường được cho là tác nhân gây bệnh quan trọng nhất gây ra bệnh MAS trên cá da trơn ở Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu cũng xác nhận chủng vAh ST251 đã có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long ít nhất từ năm 2013 và được phân bố rộng rãi về mặt địa lý. Các chủng A. dhakensis và vAh nên được đưa vào nghiên cứu chế tạo vắc-xin để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và giảm mối đe dọa do vi khuẩn kháng kháng sinh gây ra.

Nguồn: Các kết quả của nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí Frontiers in Microbiology (https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/36794008/).
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Thụy Vy - P. CNSH Thủy sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay975
  • Tháng hiện tại25,209
  • Lượt truy cập:23393250
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây