Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 

Hợp chất trong tinh dầu họ cam làm giảm triệu chứng khô miệng ở các bệnh nhân bị ung thư vùng đầu, cổ.

Thứ tư - 13/06/2018 10:31
Trong một nghiên cứu mới của trường Đại học Dược Stanford, các nhà khoa học cho biết, một chất trong tinh dầu họ cam có thể giúp làm giảm triệu chứng khô miệng ở các bệnh nhân bị ung thư vùng đầu, cổ do xạ trị.

Một chất tên là d-limonene có khả năng bảo vệ các tế bào tiết nước bọt ở chuột mà không làm giảm hiệu quả chữa trị ung thư bằng xạ trị. Nhóm các nghiên cứu viên, dẫn đầu là nghiên cứu sinh Julie Saiki đã cho thấy ở người, d-limonene được bổ sung theo đường uống có thể đến tuyến nước bọt. Nghiên cứu được đăng ngày 21 tháng 5 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Phát hiện này được tìm ra là nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản và lâm sàng, đồng tác giả chính Daria Mochly-Rosen, GS.TS. Hóa học và Sinh học hệ thống phát biểu: “Đây là minh chứng tuyệt vời cho câu nói một cây làm chẳng nên non”. “Stanford là vùng đất màu mỡ cho sự hợp tác,” Quynh-Thu Le, đồng tác giả chính, Giáo sư và chủ tịch chương trình Xạ trị trong ung thư cho biết.

GS. Le cho biết, khoảng 40% bệnh nhân bị ung thư vùng đầu, cổ sau khi được xạ trị bị khô miệng, trong lâm sàng gọi là xerostomia. Ngoài việc khó chịu, bệnh nhân còn cảm thấy khó khăn khi nói chuyện, nuốt thức ăn và dần bị đau họng hoặc bị sâu răng, nặng hơn có thể phải nhổ răng. GS. Le cho biết thêm, mặc dù trong năm đầu tiên sau trị liệu, việc phục hồi có thể diễn ra nhưng một khi sự tiết nước bọt bị giảm mạnh, tình trạng này sẽ vĩnh viễn.

TIA XẠ CÓ THỂ TIÊU DIỆT CÁC TẾ BÀO TIẾT NƯỚC BỌT

Amifostine là một loại thuốc được cho phép sử dụng trong xạ trị để giảm triệu chứng khô miệng, nhưng nó thường gây tác dụng phụ như buồn nôn và có khả năng gây huyết áp thấp, GS. Le cho biết.

Các tế bào sản xuất nước bọt giúp giữ cho miệng ẩm ướt được tìm thấy ở tuyến dưới hàm, chúng khu trú dưới xương hàm ở mỗi bên cằm. Tia xạ thường tiêu diệt các tế bào này và nặng hơn, là cả các tế bào gốc và tế bào nguyên sơ tiết nước bọt, vốn là thành phần then chốt giúp tái xây dựng và phục hồi số lượng tế bào tiết nước bọt.

Mấu chốt để duy trì chức năng tuyến nước bọt là phải bảo vệ các tế bào hiếm nhưng cực kỳ quan trọng này. Đây là điều nan giải vì sau khi xạ trị, các hợp chất gây độc aldehyde được tạo ra trong tuyến nước bọt và làm tê liệt chức năng của tế bào.

GS. Le tại Katharine Dexter and Stanley McCormick Memorial chuyên chữa trị ung thư vùng đầu và cổ, cho biết, nhiều năm qua cô đã nghe các bệnh nhân than phiền về những khổ sở của họ khi bị chứng khô miệng hành hạ. Do đó, cô muốn làm gì điều gì đó để giúp họ.

Mục tiêu ban đầu của cô ấy là cố gắng tái tạo lại các tế bào gốc tiết nước bọt, và thật thú vị, khi làm việc với các tế bào này, phòng lab của cô nhận thấy một enzyme tên aldehyde dehydrogenase 3A1, viết tắt ALDH3A1, tăng cao. Enzyme này là một thành viên trong họ enzyme lớn khử hydro của gốc aldehyde, đây là các enzyme xúc tác cho phản ứng hóa học loại bỏ các gốc aldehyde gây hại. Tuy nhiên, sau xạ trị, lượng ALDH3A1 không đủ để loại bỏ các gốc này.

Từ đó, cô nghĩ rằng mình phải tìm cách để tăng cường hoạt động cho enzyme này.

CHUYỂN HƯỚNG SANG PHƯƠNG ĐÔNG

GS. Le đã từng gặp Mochly-Rosen tại SPARK, một chương trình được khởi xướng và đồng điều hành bởi Mochly-Rosen, chương trình này đưa các phát minh trong nghiên cứu cơ bản vào lâm sàng. Mochly-Rosen, là Giáo sự tại George D. Smith trong ngành Y sinh và Ứng dụng lâm sàng (Translational Medicine), đã nghiên cứu về enzyme aldehyde dehydrogenase hơn một thập kỷ và am hiểu 135 cao thuốc dân gian Trung Quốc.

Nhiều phương thuốc trong số này đã được sử dụng để trị bệnh cho người trong hàng trăm năm, cho thấy chúng an toàn để sử dụng, Mochly-Rosen cho biết.

Nhóm của cô ta đã tìm ra được 7 trong số 135 bài thuốc tăng cường hoạt động của ALDH3A1.Saiki muốn đi xa hơn nữa để tìm ra thành phần chính trong các bài thuốc đã giúp gia tăng hoạt động cho enzyme này, trong số các thảo dược gồm quýt, hoa sen, một loại rễ cây của châu Á được biết với tên gọi zhi mu trong tiếng Hoa.

“Cô ta đã làm điều không tưởng và đạt được thành tựu vĩ đại. Cô ấy đã tìm ra được chất chính giúp gia tăng hoạt động enzyme ALDH3A1,” Mochly-Rosen phát biểu.

Mochly-Rosen và Saiki nói rằng, với một chút may mắn và khá nhiều lần thử - thất bại, họ đã tìm ra d-limonene. Nó khác biệt với các hợp chất còn lại trong cao thuốc vì nó được cơ thể hấp thụ khá nhanh và được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận là chất điều vị “nhìn chung là an toàn”, và được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm, Saiki cho biết.

Saiki nói rằng cô đã bất ngờ với phát hiện của mình, “Nó là một phân tử thường gặp mà sao trước giờ không ai để ý?”.

Tiếp theo, họ cần thử nghiệm d-limonene có làm gia tăng hoạt động ALDH3A1 trong tế bào sống không ?

THỬ NGHIỆM TRÊN CHUỘT VÀ NGƯỜI

Một loạt thí nghiệm được tiến hành trên các tế bào chuột được chiếu xạ cho thấy d-limonene làm giảm nồng độ aldehyde trong các tế bào đơn năng, tế bào gốc và tế bào nguyên sơ tiết nước bọt. Thậm chí sau khi đã chiếu xạ hàng tuần, các tế bào này khi được xử lý với d-limonene đã phục hồi dần, sửa chữa cấu trúc và tiết nước bọt. Chuột được cho ăn d-limonene rồi được chiếu xạ cũng tiết nước bọt nhiều hơn chuột không cho ăn d-limonene. Các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng d-limonene không làm gia tăng tiết nước bọt cao đến nỗi chuột, hay người sẽ chảy nước miếng nhễ nhại vì chất này không làm gia tăng tiết nước bọt ở chuột không chiếu xạ. Và họ cũng xác nhận, d-limonene không tác động đến sự phát triển của khối u hoặc can thiệp vào tác dụng thu nhỏ khối u trong quá trình xạ trị ở chuột.

Một loạt các thí nghiệm khác được thực hiện để làm sáng tỏ cách thức hoạt động của d-limonene: nó ngăn chặn sự biểu hiện tín hiệu khởi sự quá trình tự hủy của tế bào gốc và nguyên sơ tiết nước bọt.

Đặt hy vọng vào các kết quả khả quan này, các nhà nghiên cứu muốn biết liệu chất này có thể giúp được bệnh nhân không ? Do đó,  câu hỏi đặt ra là nó có hoạt động khi ở trong tuyến nước bọt không ? Để trả lời câu hỏi trên, họ tiến hành nghiên cứu ở giai đoạn 0, thử nghiệm tiền lâm sàng trong một nhóm nhỏ bệnh nhân để xem d-limonene khi bọc trong viên nang, theo đường uống có được đưa đến tuyến nước bọt. Bốn người tham gia là các bệnh nhân đã xạ trị loại bỏ khối u ở tuyến nước bọt, sử dụng d-limonene 2 tuần trước trị liệu. Khi kiểm tra vùng mô đã loại bỏ, các nhà khoa học nhận thấy nồng độ d-limonene cao, chứng tỏ nó đã đến được tuyến nước bọt, do đó có tiềm năng để đưa vào trị liệu trên người.

TÁC DỤNG PHỤ: CHỨNG Ợ CHUA

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu bắt đầu quá trình thử nghiệm lâm sàng, việc này sẽ mất vài năm và cần sự hợp tác của nhiều tổ chức, GS. Le phát biểu. “Nếu có hiệu quả thì loại thuốc này có thể được sử dụng an toàn để ngăn chứng khô miệng ở bệnh nhân trong quá trình trị liệu lâu dài và giúp bệnh nhân sau xạ trị cải thiện chất lượng cuộc sống,” cô ta nhận xét.

Đây là một ví dụ về các nghiên cứu của Stanford Medicine tập trung về sức khỏe, mục tiêu của nó là tiên đoán và ngăn chặn bệnh tật bằng cách chẩn đoán nhanh, chính xác và chữa trị chúng.

Nguồn: sciencedaily.com

Tác giả bài viết: Trần Chí Hiếu - CNSH Vi sinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay3,142
  • Tháng hiện tại155,556
  • Lượt truy cập:23179300
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
logo
LogoSNN1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây