Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
ddci hcmc banner 02 1279x447

Hướng tới Vắc-xin cúm toàn năng, loại vắc-xin ngừa được nhiều chủng cúm

Thứ năm - 22/02/2018 14:30
2
Nguồn: Greenvector/Getty Images
 
Một ứng viên mới cho việc chống lại những tác động của virus cúm làm phá hoại hệ thống miễn dịch của con người. Các nhà nghiên cứu đang tiến gần hơn tới một loại vắc-xin cúm toàn năng có bản chất là virus sống đã biến đổi gen giúp bảo vệ một số lượng nhỏ chuột và chồn sương chống lại bệnh cúm.

Cúm vẫn có thể gây bệnh cho người dù người này đã chủng ngừa nhiều lần - một phần là bởi vì các chủng virus được chọn để sử dụng làm vắc-xin có thể không tương đồng với dòng virus đang lưu hành trong năm đó, nhưng cũng có thể là vì virus có cơ chế lẩn trốn hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Một loại vắc-xin cúm phổ quát mới đầy tiềm năng được phát triển bởi các nhà khoa học thuộc Đại học California Los Angeles và các nơi khác có thể phá bỏ cơ chế lẩn trốn này của virus.

Được gọi là siêu nhạy với interferon (hyper-interferon-sensitive) hay HIS, vắc-xin mới này sử dụng một loại virus sống mang những gene đã bị đột biến ở tám vị trí. Tiến sĩ, bác sĩ y khoa Yushen Du đã thực hiện công trình nghiên cứu này cho đề tài Nghiên cứu sinh tại Khoa dược phẩm phân tử và y khoa tại UCLA, và bà cho biết các đột biến trên gene này làm cho virus ít nguy hại với người hơn và giúp giảm khả năng virus lẩn trốn các interferon, trong đó interferon được biết đến như là “tiền tuyến” của các đáp ứng miễn dịch được lập trình sẵn trong cơ thể. Kết quả nghiên cứu này được công bố vào ngày 18 tháng 1 năm 2018 trên tạp chí Science.

Theo Marcel Curlin, phó giáo sư của Đại học Y học và Khoa học Oregon (Oregon Health & Science University) tại Portland, ông ví các interferon như là hệ thống radar cảnh báo của cơ thể đối với các virus xâm nhiễm. Khi chúng nhiễm vào cơ thể chúng ta, virus cúm sẽ phá huỷ hệ thống radar này, và cho phép virus cúm như những “chiếc máy bay địch” tấn công cơ thể. Vắc-xin mới này được thiết kế để loại bỏ khả năng phát hiện radar của những mầm bệnh này, từ đó giữ nguyên khả năng tìm kiếm và chiến đấu chống lại các virus cúm của người được tiêm phòng vắc-xin.

Tiến sĩ Curlin ca ngợi hướng tiếp cận của HIS như là "một cách rất thông minh để làm suy yếu virus". Ông cho biết về mặt lý thuyết, chiến lược tương tự cũng có thể có tác động chống lại các bệnh nhiễm trùng khác, ví dụ như viêm gan C, sốt rét và mụn rộp (herpes) là những loại bệnh vẫn chưa có đích tiêm chủng tốt cho đến hiện nay.

Vắc-xin HIS là một loại virus cúm sống, điều này có nghĩa là về mặt lý thuyết nó vẫn có thể gây ra bệnh mà vắc-xin này nhắm tới với mục đích ngăn ngừa bệnh. 8 đột biến được thiết kế để làm suy yếu virus. Tiến sĩ Curlin cho biết bởi vì virus tiến hóa rất nhanh, nên chúng có thể phục hồi được một vài đột biến, nhưng chúng sẽ không thể phục hồi được từ nhiều đột biến như vậy.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Curlin lưu ý rằng luôn luôn có nhiều rủi ro khi sử dụng virus sống hơn virus chết. Loại virus này có thể không bị làm suy yếu đủ, và vì vậy nó vẫn có thể gây nguy hiểm đối với một số người nhận. Hoặc, nó có thể bị làm suy yếu đến mức vắc-xin không có hiệu quả. Ông cho biết đối với bệnh cúm, thì đây là bệnh có thể gây tử vong nhưng lại không nguy hiểm như một số loại bệnh khác như HIV, nên phương pháp của nhóm nghiên cứu là có ý nghĩa.

Tiến sĩ Du cho biết bà và các đồng nghiệp đã chứng minh rằng ứng viên vắc-xin của họ an toàn và có hiệu quả trên hai loài động vật, tuy nhiên loại vắc-xin này ít nhất vẫn cần kiểm tra và thử nghiệm trên số lượng lớn chồn sương và các động vật khác trước khi được ứng dụng trên người. Bà cho biết bà hy vọng sẽ mất thêm ba năm nữa cho các thử nghiệm tiền lâm sàng trước khi vắc-xin có thể sẵn sàng để thử nghiệm trên người.

Tiến sĩ Curlin cho biết thêm về điều vẫn còn chưa được làm rõ là liệu một phương pháp tiếp cận nào sẽ đủ để giúp cho vắc-xin thật sự trở nên toàn năng giúp chống lại tất cả các chủng cúm, hoặc các mầm bệnh nguy hiểm khác.

Tiến sĩ Curlin nói rằng theo "phỏng đoán có cơ sở" của ông thì chiến lược HIS phải cần kết hợp với một hướng tiếp cận kháng thể.
Phương pháp HIS tập trung vào chính các tế bào của cơ thể đã bị mầm bệnh tấn công để chúng sinh sản.

Tiến sĩ Curlin mô tả thì hầu hết các loại vắc-xin hiệu quả hiện nay hoạt động dựa trên cơ chế kích thích sản xuất kháng thể, hoặc "các protein “tuần tra” và bao phủ bề mặt của các tác nhân xâm nhiễm, sau đó “đánh dấu” chúng để cơ thể tiến hành tiêu diệt". Một khi chúng ta đã được tiếp xúc với một mầm bệnh cụ thể, cơ thể sẽ sản xuất những kháng thể được thiết kế để nhận diện tác nhân gây bệnh đó. Phương pháp tiếp cận kháng thể không có tác dụng chống lại các mầm bệnh phức tạp như cúm, sốt rét và HIV, bởi vì các tác nhân gây bệnh này có thể đột biến để lẩn trốn các kháng thể.

Tiến sĩ Curlin cho rằng, kết quả của phương pháp HIS thực sự mở ra cánh cửa để khám phá những điều mới mẻ.

Tiến sĩ John Shiver hiện là Trưởng bộ phận Nghiên cứu và phát triển toàn cầu của Sanofi Pasteur - một đơn vị cũng đang nghiên cứu phương pháp tiếp cận kháng thể ứng dụng cho một loại vắcxin cúm phổ quát. Và ông đã có lời ca ngợi cho nghiên cứu mới này.

Ông đã viết trong một email "Công trình do Du và cộng sự thực hiện khá thông minh". Ông nói thêm, nhưng tất nhiên, vắc-xin ứng viên này cần phải được kiểm tra thêm. Tác dụng thực sự của bất kỳ ứng cử viên vắc-xin nào đều chỉ có thể được xác định thông qua đánh giá lâm sàng", ông nhấn mạnh. Ông cho rằng còn có rất nhiều thách thức về sản xuất công nghiệp và quản lý đối với phương pháp này, mặc dù ông không giải thích chi tiết về những thách thức tiềm ẩn trong tuyên bố của ông.

Phát biểu tại Đại học Chiết Giang, tại Hàng Châu, Trung Quốc, nơi bà đang thực hiện các chương trình y học về ung thư học, Tiến sĩ Du cho biết mỗi ngày trong bệnh viện luôn nhắc nhở bà về tầm quan trọng của nghiên cứu này. Bà cho biết "Nhu cầu cho một vắc-xin bảo vệ toàn năng đang thực sự cấp thiết. Lúc này tôi đang ở trong bệnh viện, và có hàng ngàn người bị nhiễm cúm ở đây."

Nguồn: https://www.genengnews.com/gen-exclusives/toward-a-universal-flu-vaccine/77901037

Tác giả bài viết: Phạm Bùi Hoàng Anh - CNSH Y Dược

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập125
  • Hôm nay13,785
  • Tháng hiện tại289,313
  • Lượt truy cập:23313057
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây