Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
ddci hcmc banner 02 1279x447

Khoa học đã không theo kịp với nuôi trồng thủy sản

Thứ năm - 01/07/2021 10:09
Nghiên cứu mới tiết lộ 'lỗ hổng kiến thức' về quyền lợi động vật.

Nuôi trồng thủy sản – bao gồm cá, động vật có vỏ và các động vật thủy sinh khác để làm thực phẩm - đã đạt mức tăng trưởng chưa từng có trong những năm gần đây, nhưng phần lớn không ai tính đến tác động của ngành công nghiệp này đối với từng cá thể động vật.

Becca Franks, một nhà khoa học nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu Môi trường của Đại học New York và là tác giả chính của bài báo đăng trên tạp chí Science Advances, cho biết: “Quy mô nuôi trồng thủy sản hiện đại là rất lớn và vẫn đang phát triển.Tuy nhiên, chúng ta biết quá ít về các loài động vật mà chúng ta đang đưa vào sản xuất hàng loạt, và hậu quả tiêu cực của việc mở rộng nuôi trồng thủy sản đối với các cá thể động vật sẽ tiếp tục tích lũy."

Đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra một cách có hệ thống kiến ​​thức khoa học về “quyền lợi động vật” (animal welfare) đối với 408 loài động vật thủy sinh đang được nuôi trên khắp thế giới - những loài động vật bao gồm cá hồi, cá chép và tôm. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các nghiên cứu khoa học chuyên biệt về quyền lợi động vật - thường được định nghĩa là khả năng thích nghi với môi trường của động vật - chỉ dành cho 84 loài. 324 loài còn lại, chiếm phần lớn sản lượng nuôi trồng hầu như không có thông tin.

Luật quyền lợi động vật không phải là mới, nhưng trong những năm gần đây, chính phủ các nước đã thông qua luật nhằm tăng cường thực thi và mở rộng các biện pháp bảo vệ động vật.

Với việc đánh bắt truyền thống đang ngày càng suy giảm, nuôi trồng thủy sản được coi vừa là giải pháp cho tình trạng mất an ninh lương thực vừa giảm áp lực lên các loài sinh vật ở biển và đại dương. Tuy nhiên, sự phát triển của nuôi trồng thủy sản không làm giảm áp lực đối với các quần thể hoang dã. Trong khi đó, gần đây vào năm 2018, 250 đến 408 tỷ cá thể động vật từ hơn 400 loài đã được nuôi trong ngành công nghiệp này - hoặc gấp khoảng 20 lần số loài được nuôi trong nông nghiệp chăn nuôi trên cạn - theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc.

Việc mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản làm dấy lên lo ngại rằng ngành công nghiệp này đang phát triển quá nhanh trong khi lại không có đủ kiến ​​thức về đời sống tự nhiên, cũng như tập tính các loài động vật đang được sử dụng. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng vấn đề thiếu thông tin này đang báo hiệu nhiều rủi ro bởi vì các hoạt động và quyết định của người nuôi không dựa trên cơ sở khoa học, và có thể dẫn đến điều kiện sống tồi tệ và làm các cá thể động vật liên quan phải “chịu đựng” môi trường sống không phù hợp.

Để tìm hiểu vấn đề này, nhóm nghiên cứu, bao gồm Jennifer Jacquet, phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Môi trường của NYU, và Chris Ewell, một sinh viên đại học NYU vào thời điểm nghiên cứu, đã tìm cách xác định các nghiên cứu nào đã được thực hiện trên hơn 400 các loài được nuôi trong năm 2018.

Kết quả của họ cho thấy chỉ có 25 loài, tức khoảng 7% số động vật thủy sản được nuôi, có từ trên 5 nghiên cứu về quyền lợi đã được công bố, 59 loài chỉ có 1 đến 4 nghiên cứu và 231 loài không có nghiên cứu nào về quyền lợi. Ngoài ra, 93 loài còn lại không có thông tin phân loại ở cấp độ loài, có nghĩa là nó thiếu những thông tin đầy đủ chi tiết về những loài này.

Franks cho biết: “Mặc dù sự hiện diện của kiến ​​thức về quyền lợi động vật không ảnh hưởng sức khỏe của con người, nhưng việc thiếu vắng những thông tin như vậy sẽ gây rắc rối. Tóm lại, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng nuôi trồng thủy sản hiện đại đặt ra các mối đe dọa đối với quyền lợi động vật xét trên phạm vi toàn cầu và số lượng cuộc sống cá thể động vật bị ảnh hưởng”.

Các tác giả nhấn mạnh rằng một số loài động vật thủy sinh, chẳng hạn như loài hai mảnh vỏ bao gồm hàu và trai có ít mối quan tâm về quyền lợi hơn so với các động vật thủy sinh khác và có thể là một con đường hứa hẹn hơn cho sản xuất.

Franks cho biết: “Mặc dù nuôi trồng thủy sản đã có từ hàng ngàn năm trước, nhưng việc mở rộng quy mô như hiện tại của nó là chưa từng có và đang gây ra rủi ro lớn. Tuy nhiên vì vấn đề này vẫn còn mới nên chúng ta vẫn còn có thể chọn giải pháp thích hợp để đi,” Franks nói.

New York University. "Science has not kept pace with aquaculture: New study reveals 'knowledge gap' of animal welfare." ScienceDaily. ScienceDaily, 2 April 2021. <www.sciencedaily.com/releases/2021/04/210402141739.htm>.
 
Becca Franks, Christopher Ewell, Jennifer Jacquet. Animal welfare risks of global aquacultureScience Advances, 2021; 7 (14): eabg0677 DOI: 10.1126/sciadv.abg0677
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Thụy Vy - P. CNSH Thủy sản

Nguồn tin: www.sciencedaily.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay760
  • Tháng hiện tại24,994
  • Lượt truy cập:23393035
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây