Steve Horvath, PhD, một nhà nghiên cứu chính tại Altos Labs, được biết đến trong lĩnh vực sinh học lão hóa nhờ công trình xây dựng các đồng hồ lão hóa di truyền học bằng cách sử dụng trạng thái methylation hóa của toàn bộ gen như một chỉ số của tuổi tác. Horvath cũng là người bác bỏ một số can thiệp chống lão hóa nhất định do thiếu bằng chứng.
Trước đây, tạp chí GEN đã hỏi Tiến sĩ Steve Horvath về điều gì triển vọng nhất để làm chậm quá trình lão hóa. Ông trả lời: “Máu trẻ. Hai năm trước, tôi đã không nghĩ đến nó.” Nhưng dữ liệu gần đây đã thuyết phục ông rằng máu trẻ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đồng hồ biểu sinh.
Một số công trình liên quan đã được xuất bản trên tạp chí Nature Aging với tiêu đề “Trẻ hóa đa năng và kéo dài tuổi thọ khi tiếp xúc với hệ tuần hoàn trẻ trung.”
Heterochronic parabiosis (HPB) là phương pháp kết hợp hai động vật sống (một non và một già) bằng cách phẩu thuật ghép hệ thống tuần hoàn của chúng với nhau để phát triển một hệ thống tuần hoàn chung duy nhất. HPB đã được chứng minh là làm trẻ hóa chức năng của một số mô chuột nhất định. Tuy nhiên, tác động tổng thể của nó đối với tuổi sinh học và sức khỏe lâu dài vẫn chưa được hiểu rõ.
Các nhà nghiên cứu, bao gồm cả Horvath, chỉ ra rằng HPB làm chậm quá trình lão hóa ở cấp độ tế bào và kéo dài tuổi thọ của chuột già lên tới 10%. Quá trình này càng kéo dài thì lợi ích chống lão hóa khi tách rời càng cao.
“Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy quá trình heterochronic parabiosis có thể làm chậm tốc độ lão hóa, đi đôi với việc kéo dài tuổi thọ và sức khỏe,” Giáo sư, Tiến sĩ James White tại khoa Y học và Sinh học Tế bào tại Trường Y thuộc Đại học Duke và Trung tâm Lão hóa Duke cho biết.
White và các đồng nghiệp bắt đầu xác định liệu lợi ích của HPB chỉ là thoáng qua hay lâu dài. Các nghiên cứu trước đó đã ghi nhận lợi ích chống lão hóa trong mô và tế bào của những con chuột già sau ba tuần được ghép.
Những nghiên cứu này phát hiện ra rằng những con chuột già trở nên năng động và hoạt bát hơn, đồng thời mô của chúng cũng cho thấy bằng chứng về sự trẻ hóa.
White cho biết: “Suy nghĩ của chúng tôi là, nếu chúng tôi thấy những tác dụng chống lão hóa này trong ba tuần được ghép, thì điều gì sẽ xảy ra nếu bạn kéo dài quá trình này trong 12 tuần. Đó là khoảng 10% tuổi thọ của một con chuột trong ba năm.”
White cho biết tuổi của những con chuột cũng rất quan trọng, với con chuột nhỏ bốn tháng tuổi và con chuột lớn hơn hai tuổi. Đối với con người, việc cấy ghép sẽ tương đương với việc ghép đôi một người 50 tuổi với một người 18 tuổi trong khoảng tám năm, với các hiệu ứng kéo dài thêm tám năm vào tuổi thọ của người đó.
Khi theo dõi trong khoảng thời gian hai tháng tách biệt, những con vật già hơn được cải thiện khả năng sinh lý và sống lâu hơn 10% so với những con vật không trải qua quá trình này.
Ở cấp độ tế bào, cấy ghép làm giảm đáng kể tuổi biểu sinh của máu và mô gan, đồng thời cho thấy những thay đổi biểu hiện gen ngược lại với quá trình lão hóa. Hiệu quả trẻ hóa vẫn tồn tại ngay cả sau hai tháng tách rời.
Cụ thể hơn, các tác giả viết, “Hồ sơ phiên mã và biểu sinh của những con chuột được giải phẫu cho thấy một kiểu hình trung gian giữa già và trẻ, cho thấy hiệu ứng trẻ hóa toàn thể. Ngoài ra, những con chuột HPB già cho thấy biểu hiện gen thay đổi ngược với quá trình lão hóa nhưng giống với một số biện pháp can thiệp kéo dài tuổi thọ.”
Các phát hiện cho thấy lợi ích trẻ hóa đến từ một hỗn hợp gồm các thành phần và chất trong máu góp phần tạo nên sức sống và những yếu tố này có khả năng được cô lập như một liệu pháp để tăng tốc độ chữa lành, làm trẻ hóa cơ thể và kéo dài thêm tuổi thọ cho cá thể già.
White cho biết: “Công việc của chúng tôi chỉ ra nhu cầu khám phá những yếu tố nào trong quá trình lưu thông máu non gây ra hiện tượng chống lão hóa này. Các yếu tố thúc đẩy điều này rất quan trọng và chúng vẫn chưa được biết đến. Chúng là protein hay chất chuyển hóa? Đó có phải là các tế bào mới mà con chuột non đang cung cấp, hay con chuột non chỉ đơn giản là đệm cho máu già? Đây là những gì chúng tôi hy vọng sẽ tìm hiểu tiếp theo.”
Nguồn: https://www.genengnews.com/topics/translational-medicine/young-blood-extends-lifespans-of-older-mice/