Các nhà khoa học của trường đại học Malaya, Malaysia đã phát hiện ra rằng tại thảm cỏ biển ở cảng Johor có số lượng cá con nhiều gấp ba lần ở các rạn san hô. Họ cũng nhận thấy rằng các đàn cá đu-gông (hay còn gọi là bò biển) ở đây thích một số loại thảm cỏ biển nhất định.
Cỏ biển, sinh vật cổ nhất thế giới, là một loài thực vật biển có hoa, góp phần tạo nên những thảm cỏ rộng lớn dưới nước khắp các đại dương trên thế giới, ngoại trừ ở Nam Cực. Những cây có hoa này lần đầu tiên được tìm thấy trong các mẫu hóa thạch 100 triệu năm tuổi và là yếu tố quan trọng cho sự sống tại các vùng biển thông qua việc cung cấp oxy, lọc các chất ô nhiễm và vi khuẩn, và thu giữ một lượng lớn carbon vốn có nguy cơ dẫn đến sự nóng lên của khí hậu. Mặc dù vậy, cỏ biển không có nhiều cơ sỡ dữ liệu như rạn san hô và rừng ngập mặn. Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Malaya được khuyến khích thiết lập cơ sở dữ liệu của cỏ biển bằng cách nghiên cứu xem loài thực vật này đã và đang đóng góp cho cuộc sống ra sao mà có thể thu hút sự quan tâm của mọi người - như là một môi trường sống phù hợp và là nguồn lương thực.
Các nhà nghiên cứu bắt đầu dự án bằng cách thống kê số loài và số lượng cá sống trong thảm cỏ biển xung quanh quần đảo Johor và trong các rạn san hô để so sánh hai hệ sinh thái này. Cách thông thường để làm loại hình nghiên cứu này là thả lưới và bắt toàn bộ sinh vật sống ở dưới đáy biển. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu không muốn phá hủy hệ sinh vật biển trong quá trình họ làm việc ở những công viên đại dương. Vì thế, camera quay hình dưới nước của hãng GoPro được bố trí trên các lô diện tích 2 x 2 m trên thảm cỏ biển và các rạn san hô để quan sát các loài cá và cách chúng sử dụng không gian ở đây như thế nào. Phương pháp này đòi hỏi sự chịu khó của các nhà khoa học, bởi vì họ mất khoảng một ngày để thu thập chỉ ba mẫu trên mỗi lô thử nghiệm, trong khi họ cần có ít nhất sáu mươi mẫu. Sau 18 tháng lấy mẫu từ các mùa và địa điểm khác nhau, Nina Ho Ann Jin, sinh viên Thạc sĩ của dự án, đã phát hiện số lượng cá con nhiều gấp ba lần số cá trưởng thành trong hệ sinh thái cỏ biển. Bà cũng ghi nhận rằng các loài cá ở thảm cỏ biển dành phần lớn thời gian để tìm kiếm thức ăn, trong khi các loài cá ở rạn san hô gần đó lại bận rộn với việc bảo vệ lãnh thổ của chúng. Rõ ràng là hai hệ sinh thái này có vai trò rất khác nhau: cỏ biển là nơi nuôi dưỡng và cung cấp thức ăn cho các loài cá, trong khi rạn san hô là nơi cư ngụ của cá trưởng thành. Hai hệ sinh thái này bổ sung cho nhau trong việc hỗ trợ khả năng sinh tồn của sinh vật biển tại những giai đoạn khác nhau trong vòng đời của chúng. Do đó, cỏ biển không ít quan trọng hơn so với rạn san hô trong việc cung cấp cho chúng ta nguồn tài nguyên biển và xứng đáng nhận được sự quan tâm của cộng đồng nhiều hơn hiện nay.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã chuyển sự chú ý của họ sang nghiên cứu hệ sinh thái thức ăn của các loài cá đu-gông (hay còn gọi là bò biển) vì chúng phụ thuộc hoàn toàn vào cỏ biển như một nguồn thức ăn chính. Những con “bò biển” nhút nhát này có sức hấp dẫn rất lớn, và bằng cách đưa ra các giả thiết về mối liên hệ giữa bò biển và thảm cỏ biển, cơ sở dữ liệu về bảo tồn cỏ biển cũng sẽ được lưu tâm. Quần thể cá đu-gông khá đông đúc tại khu vực nghiên cứu của các nhà khoa học ở quần đảo Johor. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi tập tính tìm kiếm thức ăn của cá đu-gông bằng cách lập bản đồ đánh dấu các tuyến đường tìm kiếm thức ăn của chúng qua các mùa khác nhau. Lộ trình tìm kiếm thức ăn của cá đu-gông được nhận diện thông qua những thảm cỏ trơ trụi bị bỏ lại sau khi loài cá này đã gặm hết cỏ biển. Về phương diện địa lý, Harris Heng Wei Khang, hiện là sinh viên Thạc sĩ, có thể xác định được các vị trí quen thuộc trên thảm cỏ biển mà cá đu-gông hay quay trở lại nhiều lần để tìm kiếm thức ăn. Harris Heng hiện đang tập trung tìm hiểu lý do tại sao những vị trí này lại được cá đu-gông ưa thích hơn những nơi khác, và đưa ra giả thuyết cho rằng hàm lượng dinh dưỡng thực vật có thể là yếu tố chính. Theo kết quả của nghiên cứu này, cộng tác viên của các nhà nghiên cứu từ tổ chức phi chính phủ địa phương có thể khoanh vùng các thảm cỏ để có mức bảo vệ khác nhau tương ứng, dựa trên tần suất cá đu-gông tìm kiếm thức ăn tại khu vực đó. Thông tin này cũng đã được sử dụng để đề xuất phương án thiết lập khu bảo tồn cá đu-gông do nhà nước cấp phép trong khu vực.
Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2017/07/170721104530.htm
Tác giả bài viết: Mai Thu Thảo - CNSH Thủy sản
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hội thảo "20 năm thương mại hoá cây trồng công nghệ sinh học trên thế giới và thực trạng tại Việt Nam" (2016-09-30)
Làm việc với Giáo sư Watanabe (Đại học Tsukuba, Nhật Bản) về thành lập Hội đồng An toàn sinh học của Trung tâm (2016-07-26)
Hội thảo trao đổi những kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực Công nghệ sinh học thực vật giữa Trung tâm Công nghệ Sinh học và Đại học Tsukuba (2016-07-26)
Hình ảnh nghỉ mát 2016 (2016-07-19)
Chủ tịch Lê Hoàng Quân thăm khu sản xuất chế phẩm sinh học (2015-11-09)