Vaccine ung thư có thể loại trừ khối u
Clare Wilson
Phải chăng đây là liệu pháp điều trị ung thư mà chúng ta đang mong đợi? Việc phát triển loại vaccine ung thư có thể kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt khối u đã là mục tiêu nghiên cứu lâu nay của các nhà khoa học. Hiện tại đã có 2 phương pháp cho những kết quả hứa hẹn.
Những liệu pháp này cần được thử nghiệm trên diện rộng, nhưng những kết quả thử nghiệm ban đầu trên một nhóm nhỏ bệnh nhân ung thư da đã cho thấy những bước tiến quan trọng. “Đây có thể là một phát hiện to lớn” Cornelis Melief làm việc tại Trung tâm Y khoa – Đại học Leiden (Hà Lan) phát biểu.
Hệ miễn dịch của con người nhận diện vi khuẩn và virus xâm nhiễm bằng những phân tử protein trên bề mặt của chúng. Tương tự như vậy, tế bào ung thư có nhiều đột biến làm chúng khác biệt so với tế bào bình thường, và trở thành “đối tượng tấn công” của hệ miễn dịch, tuy nhiên, tế bào ung thư có những cơ chế đặc biệt để thoát khỏi sự tấn công này.
Trong nhiều thập niên qua, các nhà khoa học đã cố gắng tìm ra cách kích hoạt sự tấn công của hệ miễn dịch đối với các tế bào ung thư bằng nhiều cách như tiêm vào bệnh nhân những thuốc kích thích miễn dịch và những phân tử biểu hiện trên bề mặt tế bào ung thư. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thu được kết quả khả quan.
Một phần của vấn đề là các loại ung thư đều rất khác biệt – tế bào ung thư của mỗi bệnh nhân có thể có hàng trăm đột biến. Ngoài ra, việc kích thích hệ miễn dịch tấn công một phân tử nhất định có thể thất bại bởi vì tế bào ung thư có thể bị đột biến lần nữa làm cho hệ miễn dịch không còn nhận biết được.
Phương pháp mới liên quan đến việc tạo ra vaccine ung thư cho từng cá nhân bằng cách tấn công nhiều phân tử ung thư trong cùng một lúc. Cả 2 phương pháp bắt đầu giống nhau là đều bằng cách lấy mẫu ung thư từ một bệnh nhân, giải trình tự các đoạn gene và so sánh chúng với tế bào bình thường để tìm ra các đột biến. Sau đó, sử dụng phần mềm hỗ trợ để dự đoán phần nào của phân tử protein đột biến có thể bị tế bào miễn dịch nhận diện, từ đó kích thích sự tấn công của hệ miễn dịch nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.
Hai phương pháp này khác nhau ở bước tiếp theo. Catherine Wu làm việc tại Viện Ung thư Dana-Farber (Boston, Mỹ) và các đồng sự đã tiêm hơn 20 phân tử protein đột biến vào da của 6 bệnh nhân ung thư. 4 bệnh nhân trong số đó đã không tái phát bệnh sau 2 năm (Nature, DOI:10.1038/nature22991).
Trong phương pháp thứ hai, Ugur Sahin làm việc tại BioNTech (công ty biotech của Đức) đã tiêm RNA vào bệnh nhân thay vì tiêm phân tử protein. Thông thường, tế bào tạo protein theo “hướng dẫn” của RNA, và việc tiêm RNA này có thể dẫn đến việc tế bào chuyển RNA thành protein. Kết quả của 2 phương pháp này đều giống nhau: làm cho các phân tử ung thư sẽ bị phát hiện bởi hệ miễn dịch. Với phương pháp tiếp cận RNA, khối u đã không tái phát ở 8 trong số 13 bệnh nhân tham gia thử nghiệm trong 2 năm (Nature, DOI: 10.1038/nature23003).
Trong cả 2 thử nghiệm trên, những bệnh nhân chuyển sang giai đoạn di căn, sẽ được điều trị tiếp liệu pháp thứ hai, sử dụng “chất ức chế điểm kiểm soát” (checkpoint inhibitor) để loại trừ các tế bào ung thư. Các chất ức chế điểm kiểm soát này sẽ chặn con đường truyền tín hiệu giúp cho tế bào ung thư thoát khỏi sự tấn công của hệ miễn dịch. “Việc kết hợp vaccine ung thư với chất ức chế điểm kiểm soát là rất khả thi” Wu phát biểu.
“Điều thú vị ở cách tiếp cận này là nó bao gồm việc giải trình tự khối u và tạo ra vaccine tùy chỉnh,” phát biểu bởi Kevin Harrington, Viện Nghiên cứu Ung thư (London, Anh). “Đối với những vaccine cũ, khi chúng ta tiếp cận ở khía cạnh di truyền, nó được hiểu theo kiểu lúc đúng lúc không”.
Mặc dù, phương pháp này có thể hiệu quả với bất kỳ loại ung thư nào, ung thư da có thể dễ dàng bị tấn công bởi hệ miễn dịch. Harrington phát biểu “Theo lý thuyết, bạn có thể chủng ngừa bất kỳ bệnh ung thư nào, nhưng có những loại ung thư sẽ phù hợp với hướng tiếp cận này hơn loại ung thư khác”.