Nhiễm virus Zika trong thời kì mang thai có ảnh hưởng diện rộng đến sự phát triển của não thai nhi. Mặc dù các nghiên cứu về vấn đề này đã được phát triển, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa biết về mối liên hệ giữa động học của sự lây nhiễm với sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh.
Mới đây, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sự lây nhiễm virus Zika ở khỉ rhesus đang mang thai làm chậm sự phát triển của thai nhi và ảnh hưởng đến cách trẻ sơ sinh và mẹ tương tác với nhau trong tháng đầu đời. Kết quả của nghiên cứu có thể dự đoán những ảnh hưởng tới con người khi bị nhiễm virus Zika và các loại virus khác có thể truyền qua nhau thai, bao gồm SARS-CoV2, nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine với tiêu đề “Prenatal Zika virus infection has sex-specific effects on infant physical development and mother-infant social interactions” (tạm dịch “Nhiễm virus Zika trước khi sinh có những ảnh hưởng đặc trưng theo giới tính lên sự phát triển thể chất của trẻ sơ sinh và sự tương tác xã hội giữa mẹ và con”).
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus Zika ở người chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và để lại khả năng miễn dịch lâu dài. Tuy nhiên, khi mang thai, virus có thể đi qua nhau thai và gây tổn thương hệ thần kinh của thai nhi. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây ra tật đầu nhỏ ở người.
Các nhà nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng virus Zika có thể xâm nhập vào não thai nhi ở khỉ mang thai. Nghiên cứu mới này xem xét ảnh hưởng của sự nhiễm virus Zika trong suốt ba tháng thứ hai của thai kỳ cho đến trẻ sơ sinh một tháng sau khi sinh.
Eliza Bliss-Moreau, Tiến sĩ, giáo sư tâm lý học tại trường Đại học California, Davis cho biết: “Ban đầu tôi nghĩ đây là một câu chuyện về virus Zika, nhưng khi nhìn vào kết quả, tôi nghĩ đây cũng là câu chuyện nói chung về việc nhiễm trùng bào thai ảnh hưởng đến quỹ đạo phát triển”.
Bằng cách sử dụng mô hình động vật linh trưởng linh trưởng bị nhiễm virus Zika, các nhà nghiên cứu đã tiêm virus Zika cho khỉ rhesus đang mang thai và thai nhi của chúng tại giai đoạn sớm trong ba tháng thứ hai của quá trình phát triển thai nhi. Sau đó, họ theo dõi sức khỏe của khỉ trong suốt thời kỳ mang thai và mô tả sự phát triển của khỉ sơ sinh trong tháng đầu đời.
Các khỉ mẹ mang thai bị nhiễm virus có thời gian nhiễm virus trong máu kéo dài và có những thay đổi nhẹ về huyết học. Florent Pittet, Tiến sĩ, trợ lý khoa học của dự án tại Đại học California, Davis, lưu ý: “Mặc dù động vật mang thai không có triệu chứng bị bệnh rõ ràng khi lây nhiễm virus, nhưng siêu âm cho thấy sự phát triển của thai nhi chậm lại sau khi bị nhiễm virus. Khi mới sinh ra, khỉ sơ sinh bị phơi nhiễm với virus Zika có kích thước đầu ở mức “dưới mức tối thiểu”. “Nhìn chung chúng nhỏ hơn bình thường” TS. Florent Pittet cho biết. Mức độ lưu hành của virus Zika càng cao tương ứng với sự chậm phát triển càng kéo dài hơn.
Sau khi sinh, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các bài kiểm tra tương tự như các bài kiểm tra dành cho trẻ sơ sinh ở người để theo dõi sự phát triển của các kỹ năng cảm giác và vận động cũng như sự tương tác của khỉ con với khỉ mẹ.
“Quỹ đạo khá khác biệt” TS. Pittet nói. Ngay sau khi sinh, khỉ con bình thường dành nhiều thời gian ở bên mẹ nhưng bắt đầu tách ra sau khoảng hai tuần. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh nhiễm virus Zika lại dành nhiều thời gian bám mẹ hơn trong suốt tháng đầu tiên.
GS. Bliss-Moreau cho biết không rõ liệu khỉ mẹ hay khỉ con là người chủ động bắt đầu cuộc tiếp xúc này. Cô nói: “Chúng tôi biết rằng các bà mẹ sẽ luôn bên cạnh những đứa trẻ đang gặp khó khăn”.
Nồng độ RNA của virus Zika (một chỉ số đánh giá mức độ nhiễm) “cao hơn ở những khỉ mẹ có thai nhi là con đực, hàm lượng RNA của Zika trong huyết tương hoặc nước ối của khỉ mẹ giúp dự đoán được hậu quả tác động ở trẻ sơ sinh”. Thêm vào đó, sự chậm tăng trưởng và việc ảnh hưởng đến sự tương tác giữa khỉ mẹ và khỉ con đực lớn hơn ở khỉ con cái, mặc dù cả hai đều có biểu hiện chậm tăng trưởng hơn so với nhóm đối chứng không bị nhiễm virus.
Thêm vào đó, các động vật thí nghiệm được nuôi trong các nhóm xã hội đã được thiết lập gồm nhiều con cái trưởng thành (bao gồm cả mẹ của chúng), một con đực độc thân và những con đực và con cái sơ sinh khác ở cùng độ tuổi. TS. Pittet cho biết điều này cho phép khỉ sơ sinh học hỏi lẫn nhau và từ những con khỉ trưởng thành.
TS. Pittet cũng cho biết: “Sự hiện diện của những cá thể lớn và khỉ sơ sinh không có quan hệ họ hàng trong nhóm xã hội là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển chuẩn mực. Việc cung cấp một môi trường nuôi dưỡng xã hội như vậy đòi hỏi hàng tá công việc phụ trợ nhưng đảm bảo được sự liên quan hơn rất nhiều cho các nghiên cứu phát triển tiếp sau.”
Các nhà nghiên cứu có kế hoạch mô tả sự phát triển của khỉ trong suốt hai năm đầu đời trong các công bố tiếp theo. TS. Pittet cho biết, việc tiếp xúc với virus Zika khi mang thai sẽ gây ra một loạt hậu quả có thể không xuất hiện cho đến khi phát triển sau này.
Các nhà nghiên cứu cho biết biết được hậu quả tương quan với tải lượng virus trong thai kỳ mang lại cơ hội can thiệp. Thuốc hoặc vắc-xin không cần phải loại bỏ hoàn toàn virus mới có tác dụng. Nói chung điều này có thể đúng đối với các bệnh nhiễm có thể ảnh hưởng đến thai nhi khác, chẳng hạn như SARS-CoV-2.
GS. Bliss-Moreau nói rằng: “Bất cứ điều gì có thể làm để giảm tải lượng virus đều là điều tốt cho sự phát triển của trẻ sơ sinh”. Một nghiên cứu năm 2019 của các nhà khoa học CNPRC, phối hợp với Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, đã phát hiện ra rằng vắc-xin ngừa Zika thử nghiệm đã làm giảm mức độ virus lưu hành ở khỉ mang thai.
Mặc dù không có báo cáo về sự lan truyền virus Zika ở Hoa Kỳ kể từ năm 2018, nhưng muỗi mang virus Zika vẫn tiếp tục mở rộng phạm vi của chúng trên khắp Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương.
Nguồn: https://www.genengnews.com/topics/infectious-diseases/zika-slows-fetal-growth-and-alters-mother-infant-interactions-in-monkeys/
Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Trúc Ngân - P. CNSH Y dược
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hội thảo "20 năm thương mại hoá cây trồng công nghệ sinh học trên thế giới và thực trạng tại Việt Nam" (2016-09-30)
Làm việc với Giáo sư Watanabe (Đại học Tsukuba, Nhật Bản) về thành lập Hội đồng An toàn sinh học của Trung tâm (2016-07-26)
Hội thảo trao đổi những kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực Công nghệ sinh học thực vật giữa Trung tâm Công nghệ Sinh học và Đại học Tsukuba (2016-07-26)
Hình ảnh nghỉ mát 2016 (2016-07-19)
Chủ tịch Lê Hoàng Quân thăm khu sản xuất chế phẩm sinh học (2015-11-09)