Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
ddci hcmc banner 02 1279x447

Kỳ vọng từ chương trình phát triển công nghệ sinh học

Thứ sáu - 03/05/2019 08:33
6pic

Thạc sĩ Lê Thị Thu Hằng kiểm tra quy trình sản xuất hoa lan Dendrobium trong nhà màng tại Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố.

Với mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương thực hiện hóa mục tiêu này. Trong đó, Trung tâm Công nghệ sinh học tP Hồ chí Minh (HCM Biotech) được kỳ vọng là đòn bẩy không chỉ phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững ở thành phố mà cho cả nước.

Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố) được thành lập, chính thức đi vào hoạt động vào năm 2004. Ðến nay, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh có hơn mười phân khu chức năng được xây dựng trên diện tích 23 ha. Trong đó, quan trọng nhất là khu nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm với 12 phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học (CNSH), khu sản xuất chế phẩm sinh học, khu nuôi động vật thử nghiệm, khu nhà kính, nhà lưới… TS Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh cho biết: "Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh có nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao CNSH phục vụ nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghiệp thực phẩm và y dược học như công nghệ gien, công nghệ tế bào động thực vật, công nghệ vi sinh, công nghệ lên men... Ðồng thời, tiếp nhận, triển khai các quy trình, kỹ thuật hiện đại về CNSH, nghiên cứu ứng dụng CNSH thực vật, chọn tạo giống cây trồng biến đổi di truyền có đặc tính và ứng dụng các tiến bộ mới nhất để tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, góp phần chuyển đổi và hướng đến nền nông nghiệp đô thị đặc thù của thành phố, xây dựng thành công nông thôn mới (NTM)...".

Nhằm lưu giữ nguồn gien cây trồng có giá trị kinh tế và giá trị khoa học, phục vụ cho việc nghiên cứu, nhân giống, chọn tạo giống mới đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ của thành phố và cả nước, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh đã tiến hành sưu tập, nhập các giống hoa bản địa và nước ngoài để xây dựng bộ sưu tập phong phú về chủng loại và đa dạng về nguồn gien. Hiện nay, trung tâm có ba bộ sưu tập giống hoa, cây kiểng và rau, bao gồm 360 giống các loại. Bên cạnh công tác bảo tồn nguồn gien, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh đã tập trung khai thác có hiệu quả nguồn gien này nhằm phát triển giống mới phục vụ nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm. Mặt khác, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng thành công quy trình nhân giống nhiều loại cây trồng khác nhau bằng phương pháp nuôi cấy mô. Riêng khu nuôi cấy mô tế bào thực vật có hơn 120 giống cây trồng để nhân giống.

Sau gần 15 năm hoạt động, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh thực hiện hơn 150 đề tài cấp cơ sở; 10 đề tài cấp tỉnh, thành phố, hai đề tài cấp nhà nước và ba đề tài cấp bộ. Ðồng thời, được Bộ NN và PTNT công nhận năm tiến bộ khoa học cấp quốc gia, gồm bốn quy trình về nhân giống hoa lan và một chế phẩm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi; cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới sáu giống lan dendrobium do Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh lai tạo thành công. Ngoài ra, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh còn lai tạo được năm giống dưa lưới F1 có triển vọng với dạng quả đẹp, năng suất đạt từ 28 đến gần 40 tấn/ha. Các giống này đã được chuyển giao cho nông dân theo chương trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố.

Ðối với hoạt động chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học, trung tâm đã triển khai 34 mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ sinh học tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh; 20 mô hình trồng rau muống VietGAP tại huyện Hóc Môn và Củ Chi. Mỗi mô hình có diện tích từ 1.000 đến 3.000 m2, được trung tâm hỗ trợ chế phẩm sinh học BIMA, phân bón lá Bio trùn quế và thuốc bảo vệ thực vật. Triển khai hai mô hình trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao, 40 mô hình sản xuất hoa lan… cho nông dân ở năm huyện ngoại thành thành phố. Ngoài ra, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai mô hình trồng hoa chuông trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, áp dụng Quy trình kỹ thuật của trung tâm đã được Bộ NN và PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật cấp quốc gia tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn với diện tích 500 m2. Ðây là mô hình hoa trồng chậu ứng dụng công nghệ cao đầu tiên được đưa vào sản xuất gắn với Chương trình xây dựng NTM tại thành phố. Ðáng chú ý, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công bước đầu tạo vắc-xin ngừa bệnh gan thận mủ gan cá tra, chủng E. Ictaluri nhược độc đầu tiên tại Việt Nam bằng công nghệ tái tổ hợp gien được Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bản quyền sáng chế… "Với đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, có trình độ chuyên môn cao, đam mê nghiên cứu khoa học, uy tín trung tâm từng bước được nâng cao và đang dần đóng vai trò quan trọng của một cơ quan nghiên cứu về CNSH của khu vực và cả nước. Ngoài việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trung tâm còn là điểm đến tham quan, thực tập, nghiên cứu của sinh viên các trường đại học; đồng thời, bước đầu xây dựng được mối quan hệ hợp tác với các đơn vị nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước", TS Nguyễn Ðăng Quân, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học chia sẻ.

Theo các chuyên gia, thành phố có đội ngũ trí thức khá hùng hậu, có hạ tầng kỹ thuật và kết nối với thế giới thuận lợi, do đó, việc phát triển CNSH ở thành phố có nhiều thuận lợi, kể cả thị trường ứng dụng. Trong các lĩnh vực công nghệ thì CNSH thành phố có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Với kinh phí đầu tư lên đến 100 triệu USD và những kết quả ban đầu đạt được, TP Hồ Chí Minh kỳ vọng phát triển Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm nghiên cứu CNSH có quy mô, tầm cỡ cả nước và cả khu vực. Trong đó, tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các đề tài có tiềm năng lớn để tiến tới thử nghiệm ở quy mô sản xuất thử và ứng dụng thực tế ở các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và môi trường... Trên cơ sở này, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh đưa ra kế hoạch phát triển theo mô hình một công ty đa quốc gia về CNSH trong thời gian tới.
 
KHÁNH TRÌNH

Nguồn tin: www.nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay1,071
  • Tháng hiện tại25,305
  • Lượt truy cập:23393346
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây