Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

https://hcmbiotech.com.vn:443


Tin các hoạt động Hội thảo, seminar T4-T5.2017

Trong hai ngày 24 và 25 tháng 4 năm 2017 tại Phòng Hội thảo của Trung tâm, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã tổ chức thành công Hội thảo “Ứng dụng của Công nghệ Sinh học nano”.
Hội thảo “Ứng dụng của Công nghệ Sinh học Nano” ngày 24-25/4/2017
 
1

Trong hai ngày 24 và 25 tháng 4 năm 2017 tại Phòng Hội thảo của Trung tâm, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã tổ chức thành công Hội thảo “Ứng dụng của Công nghệ Sinh học nano”.

Tham gia Hội thảo có 2 báo cáo viên là TS. Nguyễn Trúc Sơn, Viện Nghiên cứu Công nghệ Nano và Kỹ thuật Hóa Sinh, Trường ĐH Queensland, Úc và PGS.TS. Lê Quang Luân, Trưởng Phòng CNSH Vật liệu và Nano, cùng với sự tham gia của trên 60 đại biểu là cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ Sinh học  và các Viện, Trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung của Hội thảo tập trung vào những nội dung chính như sau:
- Kiến thức cơ bản về Công nghệ Nano;
+ Khái niệm Công nghệ Nano;
+ Ứng dụng thực tiễn của Công nghệ Nano;
+ Lịch sử hình thành Công nghệ Nano;
+ Các phương pháp chế tạo;
+ Các phương pháp xác định đặc trưng và cấu trúc;
+ Các thành tựu gần đây trong ứng dụng Công nghệ Nano.

- Giới thiệu thành tựu quốc tế về ứng dụng Công nghệ Nano trong lĩnh vực y học, nông nghiệp và môi trường, ứng dụng công nghệ bức xạ trong công nghệ vật liệu Nano. Cụ thể như:
+ Loại bỏ Trihalomethanes và các hợp chất hữu cơ độc hại ra khỏi nước uống;
+ Ứng dụng Công nghệ Nano trong chăn nuôi gia cầm;
+ Sử dụng hệ thống LDH (Layered Double Hydroxide) như thuốc trừ sâu sinh học;
 
- Ứng dụng công nghệ bức xạ trong công nghệ vật liệu và Nano. Giới thiệu những công trình nghiên cứu của Phòng CNSH Vật liệu và Nano ứng dụng sản phẩm Nano trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sau phần trình bày của Báo cáo viên, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề như: các kỹ thuật trong tạo ra sản phẩm Nano, khía cạnh môi trường khi sử dụng các sản phầm Nano kim loại làm thuốc diệt côn trùng, sử dụng công nghệ bức xạ trong xử lý bùn thải, khí thải. 
 
Báo cáo chuyên đề “Tìm hiểu sự đa dạng của vi khuẩn Flavobacterium psychrophilum nhằm kiểm soát Hội chứng cá Hồi hương tại Anh”
ngày 27/4/2017
 
2

Sáng ngày 27 tháng 4 năm 2017 tại Hội trường của Trung tâm đã diễn ra buổi báo cáo chuyên đề “Tìm hiểu sự đa dạng của vi khuẩn Flavobacterium psychrophilum nhằm kiểm soát Hội chứng cá Hồi hương tại Anh”.

Tham gia báo cáo là TS. Ngô Huỳnh Phương Thảo, Trưởng Phòng CNSH Thủy sản, Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh.

Buổi báo cáo chuyên đề đã trình bày một số kết quả chính như sau:
1. Nghiên cứu tính đa dạng của các chủng vi khuẩn Flavobacterium psychrophilum gây bệnh ở cá Hồi hương tại Anh;
2. Nghiên cứu xác định tính kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn Flavobacterium psychrophilum;
3. Nghiên cứu thử nghiệm hiệu quả của vắc xin phòng chống vi khuẩn Flavobacterium psychrophilum gây bệnh trên cá Hồi hương.

Sau phần trình bày của Báo cáo viên, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề như: các kỹ thuật di truyền phân tử trong giải mã trình tự gen trong hệ gen của các chủng vi khuẩn F.psychrophimum, các dòng vắc xin được lựa chọn và phương thức thử nghiệm vắc xin trên cá Hồi hương, các yếu tố tác động đến hiệu quả của vắc xin thử nghiệm như thời gian, nhiệt độ, liều lượng, mật độ cá Hồi. 
 
Báo cáo chuyên đề “Trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Bath, Vương quốc Anh” ngày 9/5/2017
 
3

Chiều ngày 9 tháng 5 năm 2017 tại Phòng Hội thảo của Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã diễn ra buổi báo cáo chuyên đề “Trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Bath, Vương quốc Anh”.

Tham gia trình bày có Tiến sỹ Ben Pascoe và Tiến sỹ Sion Bayliss, Trường Đại học Bath, Vương quốc Anh.

Tại buổi báo cáo chuyên đề, các tác giả đã trình bày những kết quả nghiên cứu khoa học về hiện tượng mang mầm bệnh Campylobacter ở trẻ suy dinh dưỡng sinh sống trong rừng Amazon ở Pê-ru. Đây là một loại bệnh xuất hiện ở những vùng dân cư nghèo đói, xu hướng tiến triển bệnh có liên quan đến vùng sinh học địa lý và biến đổi khí hậu. Bằng phương pháp nhận biết dựa trên kiểu hình và sử dụng phương pháp giải trình tự thế hệ mới (Next Generation Sequencing, NGS), nhóm tác giả đã phân tích một số gen đặc thù ở những đối tượng có biểu hiện bệnh và đối tượng mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng bệnh. Từ những phát hiện này, nhóm tiếp tục đánh giá mối liên hệ giữa kiểu hình và kiểu gen của chủng vi khuẩn Campylobacter trên người mang bệnh.

Ngoài ra Tiến sỹ Sion Bayliss cũng đã trình bày kết quả nghiên cứu đề tài  “Giải trình tự bộ gen vi khuẩn gây bệnh trong nuôi trồng thủy sản phục vụ nghiên cứu dịch tễ học phân tử”. Công trình nghiên cứu này tập trung vào việc ứng dụng kỹ thuật NGS để phân tích bộ gen các vi khuẩn gây bệnh trong thủy sản. Từ đó xây dựng mạng lưới cơ sở dữ liệu để các nhà khoa học cũng như các bộ phận quản lý/doanh nghiệp sử dụng trong giám sát dịch bệnh thủy sản, nghiên cứu dịch tễ học phân tử, thiết lập mô hình sinh tin về sinh thái học giữa Vương quốc Anh và các quốc gia khác; đồng thời, xác định được những phương pháp tối ưu và các tiêu chuẩn dùng trong phân tích trình tự bộ gen của các tác nhân gây bệnh trong thủy sản.

Sau các bài trình bày tham luận, các đại biểu đã thảo luận tập trung vào một số nội dung như: phương pháp thu mẫu, sàng lọc mẫu bằng các phương pháp truyền thống đơn giản trước khi ứng dụng kỹ thuật NGS, các yếu tố kỹ thuật trong giải mã trình tự gen phục vụ các nghiên cứu ứng dụng trong chẩn đoán mầm bệnh trên các đối tượng khác nhau sau này.
 
Lớp huấn luyện “Công nghệ mới phân tích Protein tự động
ngày 10-11/5/2017
 
4

Ngày 10 và ngày 11 tháng 5 năm 2017 tại Khu Nghiên cứu A của Trung tâm đã diễn ra lớp huấn luyện “Công nghệ mới phân tích Protein tự động”.

Giảng viên báo cáo là Tiến sỹ Shurushi, Cán bộ Khoa học Ứng dụng thực tiễn, Công ty Protein Simple và Ông Nguyễn Quý Giang, Giám đốc Công ty Kỹ thuật Nam Việt.

Thành phần tham gia lớp Huấn luyện gồm có các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn Thực phẩm phía Nam (Viện Y tế Công cộng Tp. Hồ Chí Minh), Viện Công nghệ Hóa học, Trung tâm Y Sinh học phân tử, Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, Viện Vắc-xin Nha Trang, Cơ quan Thú Y vùng 6 và Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục đích của lớp huấn luyện tập trung vào việc cung cấp kiến thức về các kỹ thuật mới, các trang thiết bị tiên tiến trong công nghệ phân tích Protein tự động đang được ứng dụng trên thế giới, từ đó tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học cho các học viên.

Nội dung khóa huấn luyện tập trung vào việc giới thiệu về kỹ thuật Western Blot và ứng dụng phân tích và định lượng Protein tự động, giới thiệu hệ thống Ella ứng dụng kỹ thuật Elisa tự động; hệ thống Milo dùng để định lượng tế bào đơn ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc, miễn dịch, xét nghiệm tế bào ung thư và hệ thống Maurice sử dụng kỹ thuật điện di mao quản trong tinh chế, tinh sạch và phân tích protein. Tác giả đi sâu giới thiệu cấu tạo, chức năng và phương pháp vận hành các thiết bị, dụng cụ, hóa chất, kit, thuốc thử, phần mềm xử lý số liệu. Đồng thời tác giả cũng phân tích các tính năng ưu việt của phương pháp này so với phương pháp truyền thống.

Song song với lý thuyết, các học viên cũng đã được thực hành thử nghiệm mẫu cho hệ thống Western Blot (bao gồm mẫu protein vi khuẩn, cá ngựa, protein chứng dương ở người - β actin, protein ở người Ebp1-p48, HIS tag và các mẫu khác của các Phòng, tổ chuyên môn trong Trung tâm).

Sau buổi Huấn luyện, các học viên đã được nâng cao kiến thức và kỹ năng phân tích protein tự động bằng kỹ thuật và trang thiết bị hiện đại. 
 
Báo cáo chuyên đề “Kỹ thuật nuôi cấy tế bào, phân tích dòng tế bào và nghiên cứu protein” ngày 17/5/2017
 
5

Thực hiện Công văn số 230/KH-CNSH ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Ban Giám đốc, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM đã tổ chức buổi báo cáo chuyên đề “Kỹ thuật nuôi cấy tế bào, phân tích dòng tế bào và nghiên cứu protein” vào ngày 17 tháng 5 năm 2017 tại Phòng Hội thảo của Trung tâm.

Tham gia buổi báo cáo chuyên đề này có 2 chuyên gia đến từ Phòng nghiên cứu Thị trường thuộc Công ty MERCK: Tiến sỹ Chong Mun Keat, Trưởng nhóm Sinh học Tế bào và Tiến sỹ Jenny Tao, Trưởng nhóm Sinh học Phân tử, cùng các cán bộ nghiên cứu khoa học của Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục đích của lớp huấn luyện nhằm cung cấp kiến thức về các kỹ thuật mới, các trang thiết bị hiện đại trong phân tích tế bào và nghiên cứu protein, từ đó tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học cho các học viên.

Nội dung của buổi báo cáo chuyên đề tập trung vào 2 vấn đề chính là kỹ thuật nuôi cấy tế bào và nghiên cứu Protein.

Liên quan đến kỹ thuật nuôi cấy tế bào, Tiến sỹ Chong Mun Keat đã cung cấp một số kỹ thuật chính trong nuôi cấy tế bào, khái niệm phân tích dòng tế bào, trình bày một số kết quả nghiên cứu trên thế giới sử kỹ thuật phân tích dòng tế bào ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và nghiên cứu ung thư; Trong báo cáo, tác giả cũng giới thiệu các thiết bị hiện đại của Muse ® trong phân tích tế bào, giúp các học viên đã nắm bắt được cấu tạo, chức năng và nguyên lý vận hành cơ bản, các hóa chất, môi trường đệm, bộ kit đi kèm của hệ thống; Các tính năng nổi trội của chúng so với trang thiết bị truyền thống cũng đã được nhấn mạnh: như độ nhạy, số liệu thống kê chính xác, chụp ảnh xác định hình thái học của tế bào có kích thước nhỏ, tốc độ nhanh, tiết kiệm thời gian.

Trong phần nghiên cứu Protein, Tiến sỹ Jenny Tao đã trình bày các kỹ năng phân tích Protein bằng kỹ thuật Western Blot đồng thời giới thiệu trang thiết bị hiện đại trong phân tích Protein –  Hệ thống SNAP i.d®2.0 với cấu tạo, chức năng và các đặc tính ưu thế so với phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó tác giả cũng đã giới thiệu các nghiên cứu phản ứng protein – protein của hãng Duolink. Đây là một phương pháp phân tích protein hiện đại dựa trên kỹ thuật khuyếch đại kháng thể thứ cấp, cho phép phát hiện các protein ở hàm lượng thấp.

Kết thúc buổi báo cáo, các học viên đã được nâng cao kiến thức về kỹ thuật phân tích dòng tế bào và nghiên cứu protein, được tiếp cận với  các trang thiết bị hiện đại.  
 

Nguồn tin: Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây