Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

https://hcmbiotech.com.vn:443


Vỏ lụa hạt điều – Những tiềm năng và ứng dụng mới

Cây điều (tên khoa học Anacardium occidentale L.), thuộc chi Anacardium, họ Anacardiaceae (họ xoài), còn gọi là cây đào lộn hột, tên tiếng anh là Cashew nut tree,...
Cây điều (tên khoa học Anacardium occidentale L.), thuộc chi Anacardium, họ Anacardiaceae (họ xoài), còn gọi là cây đào lộn hột, tên tiếng anh là Cashew nut tree, có nguồn gốc ở Brasil. Phát triển cây điều để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân là một thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo FAO (năm 2021), sản lượng điều Việt Nam chiếm gần 11% tổng sản lượng điều thế giới, năng suất đạt 13,5 tạ/ha (xếp vị trí thứ nhất) so với năng suất điều trung bình trên thế giới (5,4 - 5,8 tạ/ha). Bình Phước được xem là “thủ phủ điều” của Việt Nam với diện tích và sản lượng điều lớn nhất cả nước, đóng vai  trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất nhân hạt điều, lượng phụ phẩm vỏ lụa được tạo ra khá lớn, chiếm khoảng 1 - 3% tổng trọng lượng hạt điều, ước tính khoảng 80 kg hạt thô sẽ thu được 1 kg vỏ lụa. Theo số liệu thống kê, năm 2021 Bình Phước sản xuất được 189.000 tấn hạt điều thô đạt tương đương 2.400 tấn vỏ lụa.
 
3
Hình 1. Cấu tạo quả điều và hình ảnh vỏ lụa hạt điều, cao chiết vỏ lụa
 
Vỏ lụa hạt điều được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rất giàu polyphenol, catechin, epicatechin, epigallocatechin và p-coumaric, gallic acid và tannin. Nhiều nghiên cứu khoa học đã báo cáo hàm lượng polyphenol trong vỏ lụa hạt điều cao hơn rất nhiều trong socola đen và trà xanh. Cụ thể, vỏ lụa hạt điều có hàm lượng catechin cao gấp 20 lần và epicatechin gấp 5 lần trong socola đen, với giá trị lần lượt là 5,70 và 4,46 g/kg chất khô. Bên cạnh đó, trong vỏ lụa hạt điều còn chứa hàm lượng lớn các steroid (myo-inositol, cholesterol, campesterol, stigmasterol, sitosterol), β-carotene, lutein, α-zeaxanthin, α-tocopherol, α-tocopherol và thiamine và nổi bật các nhóm như terpene, flavonoid, terpenoid. Các hợp chất trên mang đến cho vỏ lụa hạt điều nhiều hoạt tính sinh học có giá trị, đặc biệt là các hợp chất phenolic được xem là chất chính trong các tác động dược lý, sinh học như chống oxy hóa, chống viêm, giảm đau, chống dị ứng, kháng vi khuẩn gây bệnh, chống loét và sát trùng vết thương. Bên cạnh đó, các hoạt chất này còn được sử dụng như một chất khử trùng cho các bệnh về da. Do đó, vỏ lụa hạt điều được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như hóa dược liệu, công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất công nghiệp và các lĩnh vực khác.

 Nhiều nghiên cứu cũng đã chiết xuất, thu nhận thành phần hoạt chất sinh học và phân tích hàm lượng các dẫn xuất catechin trong vỏ lụa hạt điều. Kết quả cho thấy hàm lượng catechin, epicatechin và epigallocatechin trong vỏ lụa hạt điều khác nhau ở các khu vực thu mẫu và điều kiện chiết xuất khác nhau. Nhiều nhà khoa học cũng báo cáo rằng hàm lượng hoạt chất catechin trong vỏ lụa hạt điều thường cao hơn trong hạt điều nguyên vỏ hoặc nhân hạt. Điều này cho thấy của vỏ lụa hạt điều rất có giá trị và tiềm năng ứng dụng.
 
4
Hình 2. Một số ứng dụng của vỏ lụa hạt điều
 
Tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu sử dụng vỏ hạt điều cũng đã được triển khai thực hiện với đề tài “Nghiên cứu tách chiết và thu nhận cao chiết giàu dẫn xuất catechin có hoạt tính sinh học từ vỏ lụa hạt điều (Anacardium occidentale L.) phế phẩm tại Bình Phước ứng dụng tạo sản phẩm chức năng” (theo hợp đồng ký kết với Sở Khoa học Công nghệ Tỉnh Bình Phước) nhằm hướng đến tạo sản phẩm kem bôi da chữa lành vết thương, có giá trị ứng dụng cao từ phế phẩm vỏ lụa hạt điều.

Đến nay, đề tài đã đạt được một số kết quả khả quan trong việc thu nhận chiết xuất từ vỏ lụa hạt điều và bước đầu đánh giá được hoạt tính kháng oxi hóa của các cao chiết thu nhận được:
- Khảo sát được hàm lượng polyphenol, dẫn xuất catechin trong cao chiết vỏ lụa hạt điều từ các dung môi khác nhau.
- Đánh giá được hiệu quả kháng oxy và kháng khuẩn của cao chiết. Kết quả cho thấy Cao chiết có khả năng kháng oxi hóa khá cao với giá trị IC50 (11,9 – 12,87 µg/mL) gần như tương đương khi so sánh IC50 vitamin C (11,62 µg/mL), và kháng tốt với một số chủng vi sinh vật gây bệnh trên da (S. aureus, C. albicans).
 
5
 
Hình 3. Bột vỏ lụa hạt điều thô và ba loại cao chiết.
(A): Bột vỏ lụa hạt điều thô; (B): Cao chiết ethanol; (C): Cao chiết methanol; (D): Cao chiết dung môi nước

Những kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng và là tiền đề cho việc triển khai các nội dung  nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Dung - P. CNSH Thực phẩm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây