Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh

https://hcmbiotech.com.vn:443


Giới thiệu Thông tư 68/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 58/2016/TT-BTC

Ngày 11/11/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2022/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 quy định chi tiết...
Ngày 11/11/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2022/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Theo đó, Thông tư này đã bổ sung thêm 05 trường hợp không áp dụng Thông tư 58/2016/TT-BTC ngoài 04 trường hợp đã quy định, bao gồm: i) Mua các loại thuốc áp dụng theo quy định của Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành; ii) Các nội dung quy định khác về mua sắm trang thiết bị y tế tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế; iii) Mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc dự án có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) phát sinh từ điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế áp dụng theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn; iv) Mua sắm tài sản để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ áp dụng theo quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước; v) Đối với các lĩnh vực đã có quy định pháp luật chuyên ngành về mua sắm tài sản, hàng hoá, dịch vụ thì áp dụng theo quy định chuyên ngành đối với từng lĩnh vực.

Về trách nhiệm thẩm định trong lựa chọn nhà thầu, Thông tư này đã sửa đổi trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu như sau: Đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính hoặc một cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân theo quy định tại khoản 2 Điều 20 và khoản 1 Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; riêng đối với gói thầu mua vật tư y tế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền thì Sở Y tế chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Đồng thời, bổ sung 02 quy định về thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đó là: i) Trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 104 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP; ii) Đối với các lĩnh vực đã có quy định pháp luật chuyên ngành về trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thì thực hiện theo quy định chuyên ngành đối với từng lĩnh vực.

Về xác định giá gói thầu, Thông tư 68 đã quy định rõ: Giá gói thầu được xác định căn cứ ít nhất một trong các tài liệu sau đây để sát giá thị trường:
(1) Giá thị trường được tham khảo từ ít nhất 03 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trong trường hợp không đủ 03 nhà cung cấp trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác hoặc từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố;
(2) Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật giá;
(3) Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 90 ngày;
Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì ghi rõ giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.
Trường hợp có căn cứ xác định giá thị trường có sự biến động so với giá đã được phê duyệt (tham khảo từ các báo giá, kết quả thẩm định giá, giá trúng thầu của gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự), người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu quyết định việc cập nhật giá gói thầu trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.
Trường hợp quy định pháp luật chuyên ngành có quy định về xác định giá gói thầu thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, Thông tư nêu rõ điều kiện áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt như sau: Trường hợp gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật Đấu thầu thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, trừ các trường hợp đã được quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/11/2022.
Xem chi tiết Thông tư 68/2022/TT-BTC tại đây!
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Tuấn - Phòng Hành chính Quản trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây