Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 

Vắc-xin ung thư thử nghiệm loại bỏ các khối u trên chuột

Thứ sáu - 23/02/2018 14:52
12
Liệu pháp miễn dịch đang đem đến sự đột phá lớn trong lĩnh vực điều trị ung thư.
 
Ung thư được xem là một “con quái vật phức tạp, nhiều đầu” và là chỗ nương náu của hơn 200 căn bệnh khác nhau. May mắn thay, từ khi bắt đầu áp dụng phương pháp sử dụng virus nhân tạo trong kỹ thuật CRISPR, khoa học có thể sẽ khắc phục được những biến đổi nguy hiểm về khía cạnh sinh học từ lâu của ung thư.

Một nghiên cứu mới trong lĩnh vực này được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Stanford Medicine (SM) đã đặt cược vào liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch hiện đang là một lĩnh vực phát triển nhanh, và không giống với liệu pháp hóa trị thông thường, liệu pháp này kích thích hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tự đối phó với căn bệnh ung thư. Có thể nói, liệu pháp miễn dịch có độ chính xác cao hơn, trong khi phương pháp hóa trị liệu tác động lên các tế bào một cách không chuyên biệt.

Trong công trình này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hai tác nhân kích thích miễn dịch, và tiêm một lượng nhỏ trực tiếp vào các khối u trên chuột. Các nhà nghiên cứu quan sát thấy phương pháp này không chỉ phá huỷ hoàn toàn các khối u, mà còn loại bỏ được tất cả các yếu tố ung thư trên chuột, ngay cả ở những bộ phận khác của cơ thể mà ung thư đã di căn đến từ trước đó.

Viết trên tạp chí Science Translational Medicine, các tác giả có lưu ý rằng: "Gần đây ngày càng có nhiều cơ sở cho thấy hệ thống miễn dịch có thể chữa bệnh ung thư". Những tiến bộ to lớn đang dần xuất hiện trong hướng tiếp cận này. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng: “Kỹ thuật mới mà nhóm đưa ra có thể chữa được nhiều loại ung thư và ngăn ngừa bệnh ung thư do di truyền tự phát trên chuột."

Vậy chính xác hai tác nhân mà nhóm nghiên cứu nói đến là gì, và chúng có thể làm gì?

Cũng giống như nhiều nghiên cứu về miễn dịch khác, mục đích của nhóm nghiên cứu là kích thích các tế bào T tự thân. Các tế bào T là những lympho bào, một loại bạch cầu đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý các tác nhân gây nhiễm. Chúng có hai loại, tế bào T giúp đỡ và tế bào T tiêu diệt. Tế bào T giúp đỡ có tác dụng hỗ trợ trong việc sản xuất các kháng thể, một dạng "còng tay" để bắt các vi khuẩn gây bệnh. Và tế bào T tiêu diệt sẽ thực hiện việc loại bỏ các tế bào bị tổn thương hoặc tế bào bị nhiễm.

Các tế bào T xuất sắc trong vai trò phát hiện và đối phó với các tế bào bất thường, nhưng chúng gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ trên đối tượng là các tế bào ung thư. Vì tế bào ung thư được biết đến như là các “phiên bản lỗi” của tế bào chúng ta, điều này có nghĩa là bằng cách nào đó chúng được “ngụy trang”.  Và ngay cả khi các tế bào T có thể nhận ra mối đe dọa ngày càng tăng từ tế bào ung thư, thì tế bào T thường không thể tiêu diệt tế bào ung thư khi mà những tế bào này có thể phát triển khắp cơ thể.

Kỹ thuật mới này cố gắng giải quyết cùng một lúc cả hai vấn đề về nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư.

Một tác nhân với bản chất là một đoạn DNA ngắn giúp thúc đẩy sự biểu hiện thụ thể trên bề mặt các tế bào T. Tác nhân thứ hai là một kháng thể gắn lên bề mặt thụ thể này từ đó hoạt hóa các tế bào T và kích hoạt chúng tấn công khối u.

Khi những tác nhân này được đưa trực tiếp vào trong khối u, chỉ những tế bào T bên trong khối u được kích hoạt theo cách này. Theo đó, tế bào T sẽ được “huấn luyện” ngay lập tức để nhận diện đâu là mối đe dọa, và sau khi phá hủy khối u, tế bào T sẽ tiếp tục di chuyển khắp cơ thể và loại bỏ những tàn dư ung thư ở những vị trí khác.

Rõ ràng thử nghiệm này đã đặc biệt thành công. Trên 90 con chuột mắc bệnh ung thư bạch huyết - một dạng ung thư hệ thống miễn dịch, thì 87 con trong tổng số đã được chữa khỏi hoàn toàn. Ung thư đã tái phát ở ba con chuột được chữa trị, nhưng đợt điều trị thứ hai đã đẩy lùi sự tái phát này.

Các nghiên cứu về điều trị những loại ung thư khác trên chuột, bao gồm ung thư vú và ung thư ruột, đã có những kết quả khá khác nhau. Mặc dù những con chuột mắc ung thư vú có đáp ứng tốt và thường có dấu hiệu thuyên giảm, nhưng dường như ở ung thư ruột lại không có tác động trong các thí nghiệm.

Aimee Eckert hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ theo hướng Sinh học ung thư tại Đại học Sussex, và không tham gia nghiên cứu này. Cô chia sẻ với IFLScience rằng: "Kết quả từ nghiên cứu này rất thú vị, mặc dù vẫn còn một số lưu ý.”

“Các nghiên cứu có kết quả khả quan trên chuột không chắc rằng sẽ thành công trên các bệnh nhân, tuy nhiên thực tế là hai phương pháp điều trị riêng lẻ được sử dụng trong nghiên cứu này hiện đang được thử nghiệm lâm sàng và nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm tình nguyện viên cho những thử nghiệm trên người đầu tiên, và động thái này là đáng khích lệ". Eckert nói thêm: “Hơn nữa không phải tất cả các khối u đều phù hợp với phương thức tiêm, vì nhiều khối u cần được phẫu thuật trước khi thực hiện tiêm." Tuy nhiên, cô kiến nghị rằng "Nếu phương án điều trị này được áp dụng cùng với phẫu thuật và điều này có thể ngăn ngừa các khối u thứ phát hoặc quá trình di căn của khối u, thì chúng ta có thể cải thiện đáng kể tuổi thọ và/hoặc tỷ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân".
 
Việc sử dụng từ "vắc-xin" trong nghiên cứu này lấy ý tưởng từ phương thức điều trị bằng con đường tiêm và sử dụng hệ thống miễn dịch để ngăn ngừa sự xuất hiện của khối u trong tương lai.

Nguồn: www.iflscience.com/health-and-medicine/groundbreaking-immunotherapy-treatment-can-cure-mice-of-cancers/all/
 

Tác giả bài viết: Phạm Bùi Hoàng Anh - CNSH Y Dược

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập83
  • Hôm nay11,586
  • Tháng hiện tại144,303
  • Lượt truy cập:21148048
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
logo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây