Phòng CNSH Động vật được chính thức thành lập vào tháng 10/2015 trên cơ sở nâng cấp từ tổ CNSH Động vật hình thành từ tháng 6/2012. Số lượng nhân sự của Phòng CNSH Động vật là 8 cán bộ bao gồm 1 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và 1 nghiên cứu sinh đang được đào tạo tại Nhật Bản.
Chức năng nhiệm vụ của Phòng CNSH Động vật là thực hiện các nghiên cứu cơ bản và ứng dựng trong lĩnh vực CNSH tế bào người và động vật, phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ y tế và nông nghiệp.
Các hướng nghiên cứu của Phòng CNSH Động vật
1. Nghiên cứu công nghệ hỗ trợ sinh sản trên bò sữa
Phòng CNSH Động vật chú trọng nghiên cứu thiết lập quy trình thụ tinh trong ống nghiệm tạo phôi bò
in vitro, đồng thời ứng dụng kỹ thuật trợ giúp thoát màng cho phôi bò nhằm tăng khả năng đậu thai sau khi cấy truyền phôi cho bò nhận. Ngoài ra, để chủ động được giới tính của phôi trước khi cấy truyền, Phòng đã nghiên cứu ứng dụng thành công quy trình sinh thiết phôi nang và xác định giới tính từ các phôi bào sinh thiết bằng kỹ thuật PCR.
2. Hướng nghiên cứu về tế bào gốc
Phòng CNSH Động vật tiếp cận lĩnh vực tế bào gốc bằng nghiên cứu phân lập và nuôi cấy tế bào gốc trung mô từ mô mỡ và thực hiện biệt hóa tế bào gốc trung mô thành tế bào xương và sụn. Trong lĩnh vực kỹ nghệ mô (tissue engineering), Phòng đang nghiên cứu để nuôi cấy và biệt hóa tế bào gốc trung mô trên giá thể 3D hướng đến ứng dụng trong y học tái tạo.
3. Hướng nghiên cứu về động vật chuyển gene và mô hình động vật thí nghiệm
Để tạo nền tảng cho hoạt động của Khu nuôi động vật thí nghiệm đang được Trung tâm thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, Phòng CNSH Động vật tiếp cận hướng nghiên cứu về động vật chuyển gene bằng đề tài tạo phôi chuột biểu hiện GFP phát sáng huỳnh quang. Định hướng lâu dài của Phòng là tạo được các động vật chuyển gene có những đặc tính tốt ứng dụng vào sản xuất và các mô hình động vật bệnh lý phục vụ nghiên cứu y sinh. |
|
4. Các nghiên cứu về chẩn đoán và điều trị bệnh trên người và động vật
Phòng đã nghiên cứu phát triển thành công kháng thể đơn dòng kháng protein VP28 của virus gây bệnh đốm trắng trên tôm và hiện đang xây dựng kit ELISA phát hiện virus đốm trắng WSSV. Phòng cũng đang nghiên cứu tạo kháng thể kháng IgG cá tra đánh dấu enzyme phục vụ cho nghiên cứu về bệnh học và đáp ứng miễn dịch ở cá tra.
Bên cạnh đó, Phòng còn tiếp cận nghiên cứu các protein nguồn gốc từ virus có hoạt tính kháng khối u.
Các đề tài nghiên cứu đang triển khai
Đề tài cấp cơ sở
1. Nghiên cứu nuôi nang trứng bò chưa trưởng thành trong điều kiện in vitro.
2. Thử nghiệm tạo phôi chuột chuyển gen phát sáng huỳnh quang xanh GFP (green fluorescent protein).
3. Nghiên cứu nuôi cấy tế bào gốc trung mô biệt hóa tế bào sụn trên giá thể 3 chiều.
4. Thiết lập quy trình thu nhận và nuôi cấy tế bào tôm làm mô hình nghiên cứu in vitro.
5. Phát triển và duy trì bộ sưu tập tế bào phục vụ cho công tác nghiên cứu liên quan tế bào động vật và người.
6. Nghiên cứu tạo kháng kháng thể cá tra gắn cộng hợp với Alkaline phosphatase.
7. Nghiên cứu tạo peptide TAT-HA2 dung hợp với protein VP3 của virus thiếu máu gà (Chicken Anemia Virus) hướng đến trị liệu khối u.
Các công bố khoa học
1. Ngô Thị Mai Hương, Nguyễn Thị Thanh Giang, Nguyễn Tấn Cường, Trần Thanh Tiếng, Phan Kim Ngọc, Dương Hoa Xô - Một số cải tiến trong quy trình tạo phôi bò in vitro làm tăng hiệu suất tạo phôi đến giai đoạn phôi nang - Tạp Chí Công Nghệ Sinh Học Tập 9, Số 4a 529-533, 2011.
2. Ngô Thị Mai Hương, Trần Thanh Tiếng, Phan Kim Ngọc, Nguyễn Thanh Bình, Trần Thị Dân - Nuôi trưởng thành trứng chó nhà (Canis domesticus) bằng phương pháp nuôi cấy hai bước - Tạp chí khoa học kỹ thuật chăn nuôi, số 148:34-39, 2011.