Ngày 13 tháng 12 năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Sau đây là một số nội dung cần lưu ý:
Nghị định số 94/2019/NĐ-CP có 4 Chương, 17 Điều quy định chi tiết quản lý nhà nước, thủ tục hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, về điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng, thủ tục cấp phép xuất, nhập khẩu giống cây trồng; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, cụ thể:
Bảo tồn nguồn gen giống cây trồng và Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu (Điều 3).
Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng (Điều 4).
Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, hủy bỏ quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng (Điều 5).
Hồ sơ, trình tự, thủ tục tự công bố lưu hành giống cây trồng (Điều 6).
Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, hủy bỏ Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng (Điều 7).
Quy định chi tiết điều kiện về sản xuất, buôn bán giống cây trồng (Điều 8).
Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận cây đầu dòng, Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng, cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm nhân giống bằng phương pháp vô tính (Điều 9).
Ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng (Điều 10).
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép xuất khẩu; nhập khẩu giống cây trồng (Điều 11, Điều 12).
Quy định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước (Điều 13, Điều 14).
Nghị định này bãi bỏ các quy định tại các văn bản sau đây:
1. Điều 4 của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
2. Khoản 1, khoản 2 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
3. Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.
4. Thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.
Về quy định chuyển tiếp:
1. Nhãn giống cây trồng, bao bì gắn nhãn đúng quy định tại Pháp lệnh giống cây trồng năm 2004 đã được sản xuất, in ấn trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng, nhưng không quá 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
2. Các cơ sở khảo nghiệm đã được chỉ định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
3. Giống cây trồng đã có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhưng không có Quyết định công nhận giống cây trồng mới, được tiếp tục sản xuất kinh doanh đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
4. Trường hợp giống cây trồng đăng ký bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng chưa có tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, ban hành tiêu chí bình tuyển để công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.
5. Đối với giống cây trồng đã có Quyết định công nhận sản xuất thử trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, phải bổ sung kết quả khảo nghiệm có kiểm soát và kết quả khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định để công nhận lưu hành.
6. Việc công nhận giống cây dược liệu được quy định tại Điều 4 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu thực hiện theo quy định của Luật Trồng trọt, Nghị định này kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày
01 tháng 02 năm 2020.
Xem nội dung văn bản tại:
http://www.chinhphu.vn; mục Hệ thống văn bản.