Ngày 11/5/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 1585/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình này nhằm thực hiện mục tiêu triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; xác định cụ thể các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Đồng thời xác định rõ nhiệm vụ cụ thể của các Sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị có liên quan đến việc triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đảm bảo tính chủ động, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về đối tượng được hỗ trợ pháp lý là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Trong đó chú trọng đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ (là doanh nghiệp nhỏ và vừa có một hoặc nhiều phụ nữ sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, trong đó có ít nhất một người quản lý điều hành doanh nghiệp đó) và Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh).
Về nguyên tắc thực hiện hỗ trợ, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; không chồng chéo, trùng lắp; được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tố chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Mặt khác, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ưu tiên thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Căn cứ nguồn lực, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quyết định hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên như sau: (1) Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước; (2) Doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; (3) Doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước.
Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về nội dung hỗ trợ, Chương trình đặt ra 4 hoạt động chủ yếu, đó là: Hoạt động cung cấp thông tin liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật; hoạt động tư vấn pháp luật; và một số hoạt động khác như: Trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành các chính sách pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố theo thẩm quyền; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025; khảo sát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp vừa và nhỏ, báo cáo và tham mưu ủy ban nhân dân Thành phố việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho giai đoạn tiếp theo.
Ủy ban nhân dân Thành phố giao thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình; chủ trì thực hiện các nội dung được phân công; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các nội dung Chương trình, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất. Xây dựng, lập dự toán kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung được phân công về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố theo Chương trình này. Thường xuyên rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hệ thống văn bản liên quan đến doanh nghiệp, nhằm kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định chồng chéo, không phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình họat động của doanh nghiệp./.