Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 

Hạn hán và những quy định thiếu chặt chẽ đang ảnh hưởng xấu đến ngành nuôi tôm Việt Nam

Thứ hai - 25/07/2016 10:40
        Hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn xảy ra liên tục ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm thiệt hại hơn 81.000 ha ao nuôi tôm trong 8 tỉnh thành của cả nuớc, số liệu theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) công bố.
        Tỉnh Cà Mau là nơi tập trung hầu hết những hộ dân nuôi tôm quy mô lớn đã phải chịu tổn thất nhiều nhất, tiếp theo là nông dân ở các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang và Bạc Liêu...
        Thiệt hại phát sinh ở Cà Mau qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa rồi ước tính khoảng 260 tỷ đồng (11,6 triệu USD).
        Hầu hết người dân ở Cà Mau sử dụng tôm ấu trùng từ các trại sản xuất tôm giống ở miền Trung (xung quanh khu vực Cam Ranh và Nha Trang). Tôm giống được gửi đến Cà Mau, nhưng không thể sống được khi độ mặn quá cao do hạn hán và xâm nhập mặn.
        Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải, đã chỉ đạo các phòng ban và các cơ quan trong tỉnh tập trung xây dựng các biện pháp chống hạn hán và xâm nhập mặn.
        Tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng các công trình thủy lợi với tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng (803.000 USD) với kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tác động của hạn hán.
        Mặc dù đã được lên kế hoạch trước khi hạn hán xảy ra, các dự án này vừa mới được công bố do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm nâng cấp các phương pháp được sử dụng trong nuôi tôm ở ba tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long , theo báo Việt Nam News.
        Dự án 2,8 triệu USD được hỗ trợ bởi Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) và Oxfarm nhằm "thúc đẩy sự phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững đối với doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, người chế biến tôm và người dân" ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Dự án sẽ được thực hiện đến tháng 02 năm 2020.
        Ông Alejandro Montalban, Tham tán Công sứ của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết "dự án sẽ góp phần tạo ra hiệu quả sử dụng tài nguyên, các thực hành sản xuất và chuỗi cung ứng có trách nhiệm, cải thiện điều kiện xã hội - môi trường và giảm thiểu phát thải". Ngoài các hỗ trợ kỹ thuật, dự án sẽ làm việc với các bên liên quan để tìm kiếm giải pháp giúp đỡ người nuôi và doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn tài chính, đặc biệt là thúc đẩy các chính sách tín dụng ưu đãi, và giúp họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn khi đàm phán thương mại.
        Theo bà Nguyễn Lê Hoa, Phó giám đốc quốc gia - Oxfam tại Việt Nam, phát biểu tại một hội thảo được tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 25 tháng 5, khoảng một triệu người Việt Nam kiếm sống từ nghề nuôi tôm, và 80% số họ là các hộ sản xuất quy mô nhỏ. Bà Hoa cho biết “Ngành sản xuất tôm cung cấp ba triệu việc làm trong các nhà máy chế biến tôm”.
        Tuy nhiên, sự bùng nổ gần đây ở các trại nuôi tôm không có giấy phép hoặc không có giấy chứng nhận đã gây ô nhiễm nguồn nước và góp phần vào việc phá rừng ngập mặn, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
        "Người nông dân nuôi tôm đã bị thiệt hại do dịch bệnh và chất lượng thức ăn không đảm bảo", bà Hoa cho biết thêm. Nhiều nông dân nuôi tôm cho biết chất lượng thức ăn tôm và thuốc để điều trị bệnh tôm không được quản lý chặt chẽ cũng như nhà chức trách không áp đặt các tiêu chuẩn phù hợp.
        Ông Ngô Công Luận, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng cho biết các thành viên trong hợp tác xã của mình đã phải chịu tổn thất mặc dù họ nuôi tôm theo quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP). Những người thu mua tôm chỉ trả nông dân hợp tác xã cùng một mức giá như tôm nuôi bằng phương pháp truyền thống mặc dù các chi phí nuôi tôm theo VietGAP là cao hơn.
        Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hợp tác xã 30/4 tại tỉnh Bạc Liêu cho biết: “người nuôi tôm cần nguồn vốn lớn cho việc kinh doanh. Trong những năm bị thua lỗ, người dân không thể trả nợ vay ngân hàng hoặc vay thêm một số vốn mới để nuôi tôm cho vụ mùa tới".
        Một cuộc khảo sát cho thấy, đa số các nhà máy chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn thu mua tôm đã được phân loại kích cỡ từ thương lái trung gian do đó chi phí tăng gấp đôi so với chi phí của các công ty tôm ở Thái Lan.
        Hơn nữa các công ty Việt Nam không quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu, các chiến lược tiếp thị, và không có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng.
        Liệu rằng dự án sẽ giúp cải thiện những thiệt hại gây ra bởi hạn hán và xâm nhập mặn là câu hỏi còn để ngỏ. Tuy nhiên đây là cách duy nhất để giữ cho Việt Nam có được ngành nuôi tôm độc lập và không phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.
        Hiện nay, các nhà cung cấp lớn nhất các sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu hơn 50% tôm nguyên liệu để chế biến từ các nước khác như Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc.
Người dịch: Mai Thu Thảo
Nguồn: http://www.seafoodsource.com/news/aquaculture/vietnam-shrimp-farming-sector-crushed-by-drought-lack-of-regulation

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập21
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay3,298
  • Tháng hiện tại197,282
  • Lượt truy cập:20952075
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
logo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây