Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
4 4 banner 1226x341

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa huệ trắng Bình Chánh (Polianthes tuberosa L.) trong nhà lưới có tưới nhỏ giọt

Thứ hai - 03/10/2022 16:21
Giới thiệu
Hoa huệ (Polianthes tuberosa L.), còn gọi là dạ lai hương hoặc vũ lai hương, là cây thân cỏ, thuộc họ Thùa (Agavaceae), có hình dáng giống cây tỏi. Có hai giống hoa huệ khác nhau đó là huệ cánh đơn (huệ sẻ, huệ ta) và huệ cánh kép (huệ tứ diện). Huệ cách đơn có thân thấp, bông ngắn, thưa và có mùi thơm. Huệ cánh kép có thân cao, hoa dày, bông dài và có thể có mùi thơm hoặc không.
Huệ trắng Bình Chánh là một giống hoa bản địa có nét đặc trưng riêng của vùng đất Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh). Hoa cánh kép, rất thơm, lâu tàn, nhưng năng suất thấp. Do quá trình đô thị hoá và nhu cầu thương mại, hiện nay hầu hết giống hoa huệ trắng bản địa ở Bình Chánh đã bị lẫn tạp, bị lai giống, thoái hóa và thất thoát dần. Nhằm bảo tồn nguồn giống bản địa và cải tiến giống phục vụ cho sản xuất, Trung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh đã thu thập và chọn lọc được giống huệ trắng Bình Chánh cánh kép thơm có ưu điểm vượt trội như phát hoa dài, nhiều hoa, hương thơm đặc trưng.
Để giúp cây huệ trắng Bình Chánh sinh trưởng và phát triển tốt, Phòng Thực nghiệm cây trồng đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây huệ trắng Bình Chánh trong nhà lưới có tưới nhỏ giọt. Quy trình này đã được nghiệm thu vào tháng 12 năm 2021.
 
1003 1
 
Thời vụ trồng
Hoa huệ trắng thuộc nhóm cây chịu nhiệt cao (có thể lên đến 34oC), ưa sáng hoàn toàn, nắng càng nhiều thì hoa càng đẹp, có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên, thời vụ tốt nhất là vào khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm, khi thời tiết khô ráo, ấm áp. Khi chọn địa điểm trồng cần chú ý về thời gian chiếu sáng trong ngày, hoa huệ cần thời gian chiếu sáng tối thiểu 5-6h/ngày.

Giống
Củ giống hoa huệ trắng Bình Chánh 1 năm tuổi (đường kính củ ≥ 3cm), không sâu bệnh, lành lặn. Trước khi trồng (khoảng 1 tuần) phải loại sạch rễ, bóc bỏ lớp vỏ khô bao quanh củ.
1003 2
 
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
- Giá thể trồng hoa huệ được phối trộn theo tỷ lệ: 1 mụn dừa: 1 trấu sống: 1 đất đỏ: 1/2 Phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh. Giá thể được trộn đều, ủ 7-10 ngày trước khi trồng. Có thể bổ sung thêm nấm đối kháng Tricoderma trong khi ủ giá thể.
- Chậu trồng: chậu nhựa, kích thước chậu 20 cm × 15 cm; khoảng cách để chậu 25 - 30 cm; mật độ trồng 2.500 chậu/1.000m2. Trồng 1 củ/chậu.
- Cách trồng: Cho giá thể sau khi ủ vào chậu đến mức cách miệng chậu khoảng 3-5cm. Đặt củ huệ vào giữa chậu, lấp đất (dày khoảng 2-3 cm) và nén nhẹ. Chú ý: lấp đất quá dày dễ làm thối củ, quá mỏng làm củ bị teo và không nảy mầm. Sau khi trồng, tưới nước ướt chậu. Thời điểm trồng thích hợp là vào buổi sáng và buổi chiều mát.
- Phân bón và tưới nước: Nước và dinh dưỡng được cung cấp qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Tưới dinh dưỡng (sử dụng phân NPK 20-10-10, liều lượng 0,3 g/L) 1 lần/tuần, nước (khoảng 200-300ml/lần/chậu) 2 lần/ngày. Sau khi trồng 15 - 20 ngày, bổ sung thêm phân bón gốc (sử dụng phân hữu cơ Dynamic Lifter, 5g/chậu/lần) cho cây với tần suất 1 lần/tháng. Phân bón gốc được bỏ sát thành chậu, trên bề mặt giá thể.
  - Sau khi trồng khoảng 2 tháng, cây bắt đầu nảy chồi hoa, từ khi bắt đầu nảy chồi hoa đến cắt bông khoảng 30-35 ngày. Thời gian từ trồng đến thu bông đợt đầu tiên khoảng 3 tháng.
- Hoa huệ trắng cho bông quanh năm, chồi hoa ra liên tục, trung bình thu hoạch 15 ngày/1 lần. Tuy nhiên, nếu cần số lượng hoa lớn, ra tập trung vào các ngày lễ, Tết thì cần phải xử lý để kích thích để cây ra hoa tập trung: sử dụng phân bón NPK 6-30-30 (liều lượng 2g/L) kết hợp Progibb 10SP (liều lượng 0,1g/L), phun 1 lần/tuần cho đến khi thu hoạch hoa. Thời điểm bắt đầu kích thích ra hoa thích hợp là khoảng 60 -70 ngày sau khi trồng (khi cây trưởng thành), không nên kích thích ra hoa sớm khi cây còn non vì sẽ làm giảm khả năng sinh trưởng của cây.
 
1003 3

Phòng trừ sâu bệnh hại
Hoa huệ là loại cây dễ trồng, sau khi trồng từ 2,5 đến 3 tháng bắt đầu cho thu hoạch thời gian thu hoạch hoa kéo dài từ một năm trở lên. Trong điều kiện thâm canh hiện nay, chất lượng hoa tốt nhất đạt được trong thời gian thu hoạch khoảng một năm. Trong khoảng thời gian ra hoa, cần theo dõi tình hình sâu bệnh, nếu phát hiện cây có triệu chứng bị sâu bệnh phải phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời để cây cho hoa to và đẹp. Sau một năm cây cho hoa, tiến hành thu hoạch củ, xử lý giá thể và trồng lại sau khoảng một tháng.
 
1003 4
+ Phòng trừ bệnh chai bông:
Bệnh “chai” bông do tuyến trùng Aphelenchoides besseyi gây ra. Đây là một loại dịch hại gây thiệt hại nặng đến phẩm chất và có thể gây thất thu đến 100%. Chú ý kiểm tra vườn thường xuyên, khi phát hiện bệnh, cần cắt bỏ cành hoa bị hư, tiêu hủy xa vườn. Xử lý, ủ giá thể trước khi trồng, có thể ủ thêm vôi để diệt trừ mầm bệnh. Tuyến trùng có thể sống tiềm sinh trên vỏ trấu, rơm rạ hoặc thân, cành, hoa và củ giống cây huệ nên loại bỏ cây bệnh và tàn dư ra xa vườn để loại bỏ tuyến trùng. Sử dụng thuốc trừ tuyến trùng khi phát hiện có bệnh trong vườn. Chú ý không sử dụng củ từ cây bị bệnh chai bông để làm giống. Nên phơi khô củ một thời gian để giảm mật số tuyến trùng. Tách bớt các lớp vỏ lụa khô bên ngoài củ giống và ngâm củ trong dung dịch có pha thuốc trừ tuyến trùng trước khi trồng.
+ Phòng trừ nhện đỏ:
Nhện đỏ phát triển trong điều kiện khô nóng, thường bám ở bẹ lá sát gốc để chích hút dịch lá, làm cho lá khô, vàng và cháy. Khi phát hiện nhện đỏ, phải phun thuốc trừ nhện với tần suất 15 ngày/ lần. Nên thay đổi loại thuốc sử dụng (Ortus 5SC, Alfamite 15SL…) để tránh nhện đỏ kháng thuốc. Đối với những trường hợp bị hại nặng, cắt bỏ hết toàn bộ lá của cây (cắt sát gốc), đem tiêu hủy xa vườn, đồng thời phun thuốc trừ nhện vào phần gốc vừa cắt bỏ lá để diệt nhện còn lại.
+ Phòng trừ bọ trĩ:
Bọ trĩ chích hút cây bị bệnh làm lây bệnh cho cây khác. Bọ trĩ bùng phát rất nghiêm trọng vào mùa hè khi thời tiết khô ráo, di chuyển bằng gió. Để phòng trừ bọ trĩ sử dụng thuốc trừ sâu (Radian 60SC, Dầu Neem, Confidor 200SL,…) phun thật kỹ vào vị trí gốc lá, chồi nụ và chậu. Có thể sử dụng bẫy keo dính để dự đoán dịch và giảm bọ trĩ (keo có tác dụng thu hút bọ trĩ trưởng thành).

Thu hoạch hoa
Hoa huệ trắng thường được thu hoạch lúc sáng sớm hoặc chiều mát khi nụ hoa lớn, chuyển màu trắng và chuẩn bị nở. Dùng dao bén cắt xéo cành hoa gần sát củ để hạn chế nước đọng ở vị trí vết cắt và làm thối củ.

Để giống và bảo quản củ giống hoa huệ
Huệ trắng cho chất lượng hoa tốt nhất khoảng một năm, sau đó phải thu hoạch củ, xử lý và trồng lại cho vụ kế tiếp. Khoảng tháng 12 âm lịch, sau khi cắt hoa, tiến hành cắt lá để thu củ. Ngưng tưới nước 7-10 ngày để lượng nước trong củ, chú ý hạn chế việc làm củ bị dập khi thu hoạch vì dễ làm thối củ. Sau khi thu hoạch, củ được đặt vào chỗ mát, loại bỏ giá thể bao quanh, cắt bớt rễ, xử lý thuốc trừ sâu, bệnh trước và bảo quản để sử dụng cho vụ mới.
 
* Thông tin tư vấn hướng dẫn kỹ thuật: 
Địa chỉ : Phòng Thực nghiệm cây trồng
Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0989.705933 (Ms. Hằng); 0383.246600 (Ms. Ảnh)
 

Tác giả bài viết: Lê Thị Thu Hằng - P. Thực nghiệm Cây trồng

 Từ khóa: gọi là, hình dáng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Lượt truy cập
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay2,077
  • Tháng hiện tại158,670
  • Lượt truy cập:22418989
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
logo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây