Hoa hồng cổ Hải Phòng là một giống hồng leo, sinh trưởng phát triển mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt. Cây có thân mềm, cành vươn dài. Lá có hình bầu dục, hơi thuôn ở đầu, viền lá có răng cưa ngắn và có màu xanh đậm bóng. Chiều cao trung bình của cây trưởng thành từ 3 - 6 m. Hoa hồng cổ Hải Phòng có kích thước hoa khá lớn (trung bình 7 - 10 cm, có thể đạt tối đa tới 12 - 13 cm) được tạo bởi 30 – 35 lớp cánh lớn nhỏ khác nhau xếp tròn đều từ tâm ra ngoài. Hoa có màu đỏ nhung tươi thắm, mọc đơn ở đầu cành, nách lá, ra hoa quanh năm (4 - 5 tuần cho ra một đợt hoa mới). Thời gian từ lúc hoa chớm nở đến khi tàn khoảng 15 - 20 ngày. Khi hoa tàn cánh hoa không rụng xuống mà khô luôn trên cây.
Cây hoa hồng có thể nhân giống bằng nhiều phương pháp khác nhau. Nhưng đối với giống hồng cổ Hải Phòng, sử dụng phương pháp giâm cành từ cây mẹ là đạt hiệu quả tối ưu nhất. Phương pháp này cho hệ số nhân cao, thời gian nhân giống nhanh và dễ dàng thực hiện.
Từ kết quả nghiên cứu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Sưu tập, bảo tồn nguồn gen các giống hoa lan, hoa nền, kiểng lá trong bộ sưu tập và lai tạo các tổ hợp lan lai mới” của Phòng Thực nghiệm Cây trồng, nhóm thực hiện đã nghiên cứu, xây dựng Quy trình nhân giống cây hoa hồng cổ Hải Phòng bằng phương pháp giâm cành. Quy trình được thực hiện với các bước như sau:
1. Thời vụ
Việc giâm cành có thể được thực hiện quanh năm trong điều kiện đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Nên giâm cành vào lúc sáng sớm, thời tiết mát, cành sẽ không bị mất nước sau khi tách khỏi cây mẹ.
2. Chọn cành giâm
Cành được sử dụng để nhân giống phải khỏe mạnh, không sâu bệnh. Cành giâm được chọn từ cây mẹ ở vị trí giữa cành (không quá non cũng không quá già) để tiến hành nhân giống. Tốt nhất nên chọn những cành vừa trãi qua giai đoạn mang hoa (hoa tàn), đường kính cành từ 0,2 - 0,5 cm. Cành giâm có chiều dài từ 15 - 20 cm (có từ 3 - 5 mắt), được cắt vát 30
0 ở phần gốc (không làm nát vỏ) và bỏ bớt lá trên cành để giảm sự thoát hơi nước (chỉ để 3 - 4 lá).
3. Xử lý chất kích thích ra rễ
Nhúng phần dưới của cành giâm vào chất kích thích ra rễ NAA ở nồng độ 2.000 ppm trong 3 - 5 giây.
4. Giá thể giâm cành
Giá thể giâm cành có chứa 50% mụn xơ dừa đã qua xử lý + 25% tro trấu + 25% phân rơm và được bổ sung nấm đối kháng Tricoderma. Giá thể được đưa vào khay ươm và tưới nước để đạt độ ẩm từ 80 – 85%.
5. Kỹ thuật giâm cành
Sau khi xử lý chất kích thích ra rễ, giâm cành vào trong khay ươm có chứa giá thể. Dùng que nhọn tạo lỗ (sâu 1,5 - 3 cm) và cắm cành giâm thẳng đứng vào giá thể, dùng tay nén giá thể xuống để cành giâm không bị lung lay. Các cành được giâm với khoảng cách từ 4 - 5 cm. Sau khi giâm, dùng màng nilon che kín khay để giữ ẩm cho cành giâm.
Hình 3. Giâm cành hoa hồng trong nhà màng
6. Chăm sóc
Trong giai đoạn giâm cành nên để cành giâm vào nơi có mái che bằng lưới tránh nắng do nhu cầu ánh sáng của cành giâm rất ít. Cần cố định cành giâm, tránh tác động mạnh và không tưới phân bón trong giai đoạn này. Duy trì độ ẩm từ 80 - 85%, nhiệt độ 25 - 280C cho cành giâm. Có thể sử dụng hệ thống tưới phun sương để giữ ẩm xung quanh khu vực đặt cành giâm. Sau khoảng 3 tuần, cành giâm bắt đầu ra rễ. Khi cành giâm có bộ rễ tương đối ổn định và chồi phát triển khỏe mạnh (sau khoảng một tháng) tiến hành tách cành ra khỏi khay để trồng vào chậu hoặc trồng ra đất. Lưu ý, việc tách cành giâm cần được tiến hành nhẹ nhàng, tránh làm đứt rễ.