Ngày 23/12/2021, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 519/QĐ-SNN về ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể lãnh đạo quản lý và công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Những người thực hiện chế độ hợp đồng lao động và một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sẽ vận dụng đánh giá như công chức hoặc viên chức theo đơn vị đang công tác.
Nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng:
Phải đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức; đảm bảo đúng thẩm quyền quản lý và đánh giá, xếp loại chất lượng.
Việc đánh giá xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, nhiệm vụ cụ thể; đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
Công chức, viên chức, người lao động có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.
Công chức, viên chức, người lao động nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng thì vẫn thực hiện việc đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Công chức, viên chức, người lao động nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.
Kết quả đánh giá, xếp loại của tập thể và của công chức, viên chức, người lao động theo quy định tại Quy chế này được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên.
Về thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể: Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể lãnh đạo Sở; Giám đốc Sở thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể lãnh đạo các đơn vị, cơ quan thuộc và trực thuộc Sở; Thủ trưởng đơn vị đánh giá tập thể phòng, trạm trực thuộc.
Thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức, người lao động
Đối với công chức: Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đối với Giám đốc Sở; Giám đốc Sở đánh giá đối với các Phó Giám đốc và công chức thuộc quyền quản lý của Giám đốc Sở, Chi cục trưởng; Chi cục trưởng đánh giá đối với các Phó Chi cục trưởng, công chức, viên chức (nếu có) và người lao động thuộc quyền quản lý của Chi cục trưởng.
Đối với viên chức: Giám đốc Sở đánh giá đối với cấp trưởng, cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm tổ chức việc đánh giá đối với viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý.
Thành phần hồ sơ đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể được thể hiện bằng văn bản, bao gồm: i) Bộ hồ sơ đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể theo Hướng dẫn số 16-HD/BTCTU ngày 25/11/2019 của Ban Tổ chức Thành ủy; ii) Biên bản họp nhận xét, đánh giá; iii) Biên bản kiểm phiếu về kết quả lấy ý kiến đề xuất mức xếp loại chất lượng tập thể.
Thành phần hồ sơ đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với công chức, viên chức, người lao động được thể hiện bằng văn bản và lưu vào hồ sơ công chức, viên chức, người lao động, bao gồm: i) Biên bản cuộc họp nhận xét, đánh giá; Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức, người lao động; iii) Nhận xét của cấp ủy hoặc chi bộ nơi công tác (nếu có); iv) Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức, người lao động của cấp có thẩm quyền; v) hồ sơ giải quyết kiến nghị về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức, người lao động (nếu có); vi) Các văn bản khác liên quan (nếu có).
Bên cạnh đó, Quy chế cũng quy định các tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể; tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức, người lao động; tiêu chí xếp loại chất lượng tập thể lãnh đạo quản lý; tiêu chí xếp loại chất lượng công chức; tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức, người lao động. Quy định về trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể; trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức, người lao động; thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể và cá nhân công chức, viên chức, người lao động…
Xem toàn văn Quy chế
tại đây./.