Trong năm 2019, Thành phố đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 2.209 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức các chức danh tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội, kế toán, thủ quỹ, xây dựng, địa chính - nhà đất, y tế, thủ kho thuộc các ngành hải quan, thanh tra nhà nước, thanh tra xây dựng…. Trong Quý I/2020, có 147 trường hợp/5 đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức đối với các chức danh tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội, kế toán, thủ quỹ, xây dựng, địa chính - nhà đất, y tế, thủ kho thuộc các ngành hải quan, thanh tra nhà nước, thanh tra xây dựng… đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác.
Đó là số liệu được nêu trong báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh về sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong giải quyết công việc.
Theo UBND Thành phố, việc chuyển đổi vị trí công tác đã góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc. Các sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị trực thuộc đã xây dựng kế hoạch thực hiện rà soát, lập danh sách những trường hợp định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định, phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, chuyên môn, sở trường công tác; trong đó chú trọng chuyển đổi đối với các vị trí việc làm dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. Qua đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng.
Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động rà soát, nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm, vị trí công tác, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc với người dân, DN, có dư luận, biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, để tồn đọng nhiều hồ sơ hành chính - tư pháp. Cán bộ, công chức, viên chức công tác trong các lĩnh vực kế toán, thủ quỹ, thanh tra xây dựng, đăng ký đất đai, địa chính - nhà đất, thủ kho, quản lý thị trường, thuế, hải quan và cán bộ, công chức, viên chức phụ trách kế toán, tài chính tại các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục.
Đồng thời, đã rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm; thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, DN. Cùng với đó, rà soát thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết; không yêu cầu người dân, DN bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần sau khi tiếp nhận hồ sơ, TTHC. Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với DN, người dân theo hướng thực chất, cầu thị; công khai số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, DN, nhất là hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà…