Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
ddci hcmc banner 02 1279x447

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030

Thứ ba - 07/06/2022 09:03

Ngày 11/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế.

Các mục tiêu cụ thể: 1) Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; 2) Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; 3) Đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7; 4) Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới; 5) Đến năm 2025, đầu tư cho KH&CN đạt 1,2-1,5% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8-1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60-65%; đến năm 2030, đầu tư cho KH&CN đạt 1,5-2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1-1,2% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65-70%; 6) Đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 10 người/10.000 dân, đến năm 2030 đạt 12 người/10.000 dân; trong đó chú trọng phát triển nhân lực trong khu vực doanh nghiệp; 7) Đến năm 2025, có 25-30 tổ chức KH&CN được xếp hạng khu vực và thế giới, đến năm 2030 có 40-50 tổ chức KH&CN được xếp hạng khu vực và thế giới; 8) Đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KH&CN và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp; 9) Số lượng công bố quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%/năm, 10-12% trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; phát triển được hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mạnh mẽ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đó là:
1. Đổi mới cơ chế hoạt động KHCN&ĐMST, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST: Sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN, các luật liên quan để phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển KHCN&ĐMST. Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH&CN các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực KHCN&ĐMST; đổi mới chế độ quản lý tài chính, thanh quyết toán, chấp nhận nguyên tắc rủi ro và có độ trễ trong hoạt động KH&CN; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN… Tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng. Thống nhất quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo gắn với KH&CN, nâng cao hiệu quả phối hợp đồng bộ trong xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST… Phát triển hệ thống dự báo KH&CN, xây dựng định hướng phát triển công nghệ, bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ của một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó chú trọng công nghệ về sức khoẻ, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, tích trữ năng lượng và một số lĩnh vực gắn với đầu tư của doanh nghiệp lớn. Đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động KHCN&ĐMST của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế.
2. Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia: Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới. Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, khu dân cư, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu. Triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh nghiệp mới. Tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước…
3. Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KHCN&ĐMST: Bảo đảm chi cho KHCN&ĐMST từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, hạn chế, nhằm tăng số lượng và quy mô của quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; tạo thuận lợi tối đa để khuyến khích các doanh nghiệp thành lập quỹ, sử dụng hiệu quả kinh phí của quỹ đầu tư cho hoạt động KHCN&ĐMST. Hoàn thiện cơ chế đối tác công - tư, hành lang pháp lý cho đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư cộng đồng, các nền tảng công nghệ số huy động vốn đầu tư nhằm huy động thêm các nguồn lực đầu tư cho KHCN&ĐMST.
4. Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH&CN khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh: Sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập; sắp xếp thu gọn đầu mối hệ thống tổ chức viện nghiên cứu công lập; triển khai các chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, là nguồn cung tri thức cho các hoạt động đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển một số tổ chức KH&CN đạt trình độ khu vực và thế giới.
5. Phát triển nguồn nhân lực KHCN&ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao: Chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực KHCN&ĐMST trong tương lai; đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao; triển khai các giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực KHCN&ĐMST đáp ứng nhu cầu của khu vực doanh nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực quản trị công nghệ và quản lý doanh nghiệp; thúc đẩy thu hút và dịch chuyển nhân lực KHCN&ĐMST trên cơ sở rà soát, sửa đổi các quy định nhằm khuyến khích chuyển dịch nhân lực hai chiều giữa khu vực công và tư; có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy phép lao động... để thu hút nhân lực trình độ cao từ nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động KHCN&ĐMST trong nước.
6. Phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng KHCN&ĐMST: Tiếp tục phát triển mạnh mẽ các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển hệ thống phòng thí nghiệm mạnh, tiến hành đánh giá và công nhận các phòng thí nghiệm của viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp để làm cơ sở ưu tiên hỗ trợ nguồn lực gắn với các nhóm nghiên cứu mạnh, nhà khoa học, nhà công nghệ giỏi; triển khai mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng bộ, hiện đại và gắn với công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN&ĐMST; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống thông tin KHCN&ĐMST quốc gia.
7. Thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST trong doanh nghiệp: Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ trong nước và quốc tế; rà soát, sửa đổi đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về thuế, tài chính, tín dụng và quy định pháp luật về KH&CN để triển khai có hiệu quả các cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ; thúc đẩy hình thành và phát triển bộ phận nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực KHCN&ĐMST thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); tập trung triển khai các giải pháp phát triển thị trường KH&CN, các giải pháp thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, triển khai các cơ chế, chính sách để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường hỗ trợ hoạt động của các Hiệp hội doanh nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết các hoạt động KHCN&ĐMST giữa các doanh nghiệp.
8. Chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST: Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm KH&CN, triển khai các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa; chủ động mở rộng hợp tác quốc tế hướng vào hỗ trợ một số lĩnh vực KH&CN nhằm đạt trình độ quốc tế; chủ động tham gia đóng góp có hiệu quả vào xây dựng khuôn khổ, luật pháp quốc tế về KHCN&ĐMST.
9. Tăng cường các hoạt động tôn vinh, truyền thông, nâng cao nhận thức về KHCN&ĐMST: Tiếp tục duy trì và phát triển các giải thưởng nghiên cứu quốc gia dành cho các nhà nghiên cứu có thành tích xuất sắc; khuyến khích, hỗ trợ thanh, thiếu niên nâng cao hiểu biết về KH&CN và định hướng nghề nghiệp vào lĩnh vực khoa học, kỹ thuật; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về KHCN&ĐMST, đa dạng hóa các loại hình truyền thông trên nền tảng số và mạng xã hội.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược của ngành khoa học và công nghệ; đôn đốc các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện Chiến lược này và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết việc thực hiện Chiến lược trong toàn quốc vào cuối năm 2025 và tổng kết vào cuối năm 2030; tổ chức xây dựng và thực hiện các kế hoạch KHCN&ĐMST 5 năm, hàng năm phù hợp với Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình, đề án khoa học và công nghệ quốc gia, chương trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, chương trình nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo gắn với doanh nghiệp và thị trường khoa học và công nghệ…

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học và công nghệ khác, các doanh nghiệp, tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo quy định pháp luật hiện hành; cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp có liên quan trong Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 của quốc gia vào chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm, hàng năm của tổ chức mình.

Xem chi tiết Quyết định tại đây!
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Tuấn - Phòng Hành chính Quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay1,643
  • Tháng hiện tại55,443
  • Lượt truy cập:23423484
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây