Ngày 13/4/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 788/KH-SNN về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022.
Theo đó, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 được phát động với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 được tổ chức từ ngày 01/5 đến ngày 31/5/2022, nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chương trình hành động cụ thể về an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh thực hiện đánh giá, quản lý các nguy cơ, rủi ro và biện pháp cải thiện điều kiện làm việc; chăm sóc sức khỏe người lao động, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố yêu cầu việc tổ chức các hoạt động phải thiết thực, hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ, địa phương và an toàn, sức khỏe cho người lao động, cộng đồng; đồng thời tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát các nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, kỹ năng đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, các nguy cơ rủi ro về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố sẽ có các hoạt động như: Đổi mới, tăng cường và đa dạng hóa hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động cả trực tiếp và trực tuyến tới doanh nghiệp, người lao động; đa dạng hóa nhiều hình thức thông tin, truyền thông phù hợp trên nhiều kênh, phương tiện truyền thông đại chúng như xây dựng, phát hành các hướng dẫn, thông điệp, cảnh báo, sổ tay, tờ rơi, video hướng dẫn về kỹ năng, quy trình làm việc an toàn thiết thực, trực quan sinh động và có hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng; tổ chức tuyên truyền, cổ động Tháng hành động bằng treo băng rôn, pano, áp phích, cờ phướn cổ động tại trụ sở làm việc của Sở và các đơn vị trực thuộc; phổ biến các bài viết, thông tin của báo đài, các bài học kinh nghiệm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho công chức, viên chức, người lao động. Chú trọng thông tin, tư vấn, tập huấn, hướng dẫn, doanh nghiệp, người lao động nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở, tổ, đội, phân xưởng, nhà máy.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp thuộc Sở tiến hành củng cố, kiện toàn bộ máy bảo hộ lao động của đơn vị mình và bố trí cán bộ phụ trách công tác bảo hộ lao động, kiện toàn mạng lưới an toàn vệ sinh, lực lượng sơ cấp cứu tại chỗ; các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Sở phân công công chức, viên chức phụ trách công tác bảo hộ lao động tại cơ quan, đơn vị. Rà soát xây dựng hoặc bổ sung nội quy, quy định của đơn vị về công tác bảo hộ lao động. Các doanh nghiệp tổ chức huấn luyện định kỳ an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động nhất là đối với công nhân vận hành máy móc thiết bị, làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo qui định. Tổ chức mít tinh hoặc diễn tập phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp tại các nơi có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các doanh nghiệp có nhiều lao động.
Trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 còn các hoạt động như phát động phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp - Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của công chức, viên chức và người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội trong việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố mất an toàn lao động; tổ chức hướng dẫn biện pháp phòng chống nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nhiễm khuẩn nghề nghiệp trong chăn nuôi, trồng trọt và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động khi sử dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp cho nông dân, các khu sản xuất nông nghiệp tập trung và làng nghề. Tuyên truyền các hộ nông dân tuyệt đối không sử dụng, buôn bán hóa chất và chất cấm trong chăn nuôi.
Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức đợt tổng kiểm tra công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong thời gian trước, trong và sau Tháng hành động như tổ chức tự kiểm tra về an toàn (hệ thống điện, thiết bị, máy móc, sắp xếp hồ sơ tài liệu, ...) và việc chấp hành các quy định, chế độ bảo hộ lao động, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy, công sở văn minh sạch đẹp; bổ sung kịp thời các biển báo, rào chắn tại những khu vực nguy hiểm có nguy cơ tai nạn lao động, cháy nổ. Chủ động đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, thường xuyên duy trì hoạt động tự kiểm tra. Đồng thời, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo qui định của Bộ Y tế./.