Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
ddci hcmc banner 02 1279x447

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tiễn

Thứ tư - 09/11/2016 14:57
KTNT - Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh vừa tổ chức “Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc khu vực phía Nam lần thứ IV- năm 2016” và “Hội nghị thường niên lần thứ 19 của Hiệp hội Sinh học phân tử châu Á - Thái Bình Dương”.
5
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong lĩnh vực CNSH các tỉnh, thành khu vực phía Nam trong thời gian qua. Đây cũng là dịp để giới thiệu, công bố kết quả nghiên cứu, ứng dụng CNSH; tạo cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý gặp gỡ, thảo luận về những vấn đề đặt ra để phát triển ngành CNSH giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, cũng là cơ hội để các nhà khoa học trong nước giao lưu, trao đổi học thuật và đẩy mạnh hợp tác với các nhà khoa học quốc tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát triển CNSH nước nhà.

Ông Lê Thanh Liêm khẳng định: CNSH là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng của sinh học, kết hợp với các quy trình và thiết bị kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nhận thức được tầm quan trọng của CNSH, thành phố đã xác định vị trí ưu tiên, đồng thời xây dựng và thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm thúc đẩy phát triển CNSH, trong đó đặc biệt là dự án xây dựng Trung tâm CNSH TP. Hồ Chí Minh với cơ sở vật chất phòng thí nghiệm hiện đại đã được đầu tư và đi vào hoạt động. Nhiều chương trình, đề tài, dự án CNSH phục vụ cho các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, y tế, dược phẩm, thực phẩm, môi trường… đã thu được những kết quả nhất định, bước đầu tạo ra một số sản phẩm CNSH có hàm lượng công nghệ khá cao. Tiêu biểu là các giống hoa lan mới, các sản phẩm phân bón vi sinh, kit chẩn đoán bệnh cho người và vật nuôi, vắc-xin cho cá tra, kháng thể đơn dòng và protein tái tổ hợp ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

5 1
Các đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội nghị ểu tại hội nghị

GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2016-2020, chương trình CNSH của thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoạt động nghiên cứu khoa học tập trung nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới (công nghệ tế bào gốc, công nghệ gen, công nghệ nano...); nghiên cứu kỹ thuật tạo giống, nhân giống, bảo quản, chế biến phục vụ lĩnh vực nông nghiệp và kỹ thuật cấy mô, ghép tạng, ghép tủy, sinh học phân tử - di truyền, liệu pháp tế bào, chẩn đoán phục vụ lĩnh vực y tế…

“Để thực hiện tốt các hoạt động trên, trong giai đoạn tới, Sở KH&CN quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ theo định hướng thực hiện tốt vai trò kiến tạo của Nhà nước; phát huy vai trò và tài trợ các ý tưởng sáng tạo trong xã hội; huy dộng nguồn lực xã hội (hợp tác công - tư); đấu thầu nhiệm vụ khoa học và công nghệ; khơi dậy và vận động sự tham gia của xã hội; thiết kế công cụ hỗ trợ theo nguyên tắc thị trường; phát huy năng lực quản trị của cộng đồng”, ông Phùng chia sẻ.

GS.TS. Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam cho biết, các nhà khoa học đang làm rõ sự kết hợp giữa những thay đổi “nucleotide” và sự thay đổi kiểu hình của giống cây trồng, xem đó là thách thức lớn trong di truyền phân tử và cải tiến giống sắn, đậu nành, ngô. Những thành tựu như vậy đang tạo ra cơ hội mới để tiếp cận với bản chất di truyền của các tính trạng cực kỳ phức tạp (như chịu hạn, mặn…) và ứng dụng genomics vào chọn tạo giống cây trồng một cách hiệu quả…

5 2
Giáo sư Jeong Bin Yim, Chủ tịch Hiệp hội Sinh học phân tử châu Á - Thái Bình Dương phát biểu tại hội nghị

Cũng tại hội nghị, Giáo sư Jeong Bin Yim, Chủ tịch Hiệp hội Sinh học phân tử châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ: Tôi rất vui mừng khi hội nghị thường niên của chúng tôi được kết hợp tổ chức với Hội nghị CNSH toàn quốc khu vực phía Nam lần thứ IV - năm 2016. Chúng tôi hy vọng rằng, Trung tâm CNSH TP. Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy hợp tác với các viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và là một trong những trung tâm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực phân tử châu Á tại Việt Nam trong tương lai.

Hai hội nghị trên sẽ kéo dài trong 2 ngày, được chia làm 4 tiểu ban đặc thù để các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, bao gồm: CNSH Thực vật, CNSH Y dược, CNSH Vi sinh và CNSH Động vật - Thủy sản.

Quang Minh

Nguồn tin: www.kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay5,441
  • Tháng hiện tại300,101
  • Lượt truy cập:23668142
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
bpd
help bophapdien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây