Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
ddci hcmc banner 02 1279x447

THU HÚT ĐẦU TƯ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO: LÀM RÕ VAI TRÒ LIÊN KẾT CỦA 4 NHÀ

Thứ hai - 13/03/2017 17:54

(DĐDN)- Chưa bao giờ Chính phủ lại quan tâm đến thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhiều đến vậy. Song điều gì khiến các nhà đầu tư còn rụt rè, thiếu tự tin khi đầu tư vào lĩnh vực này?

PV Báo DĐDN có buổi trao đổi với Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Phó GĐ sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thành phố HCM, kiêm GĐTrung tâm Công nghệ Sinh học Thành phố HCM về vấn đề này.

– Trong thời gian qua rất nhiều các cuộc hội thảo nhằm tìm các giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nhưng thực tế, các DN đầu tư vào lĩnh vực này không nhiều kể cả DN FDI. Ông nghĩ sao về điều này?

Hiện nay tỷ lệ DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thấp hơn nhiều so với đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ, nhất là đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Nguyên nhân chính là đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi thời gian đầu tư dài hạn, khả năng rủi ro cao. Đặc biệt là đầu ra của sản phẩm, khả năng tiêu thụ đang khá phụ thuộc vào biến động của thị trường trong nước và quốc tế, hay gặp tình trạng được mùa, mất giá. Mặt khác đầu tư vào nông nghiệp còn một loạt các vấn đề từ công nghệ, kỹ thuât canh tác, cây con giống, con giống phù hợp, quỹ đất lớn, (nhất là lĩnh vực cây trồng). Trong khi đó vấn đề đất đai, vấn đề tích tụ và sở hữu ruộng đất còn nhiều hạn chế, bất cập làm cho các DN không muốn đầu tư vào nông nghiệp.

Đối với nông nghiệp công nghệ cao lại càng đòi hỏi nhiều yêu cầu hơn như vốn lớn, dài vốn, công nghệ, kỹ thuật, máy móc thiết bị cao và phù hợp, mặt khác phải chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, giá bán cao, khó cạnh tranh.

– Dù Ít DN đầu tư vào nông nghiệp, song tỉ lệ thất bại khi đầu tư vào nông nghiệp lại nhiều. Vì sao, thưa ông?

Các khó khăn như phân tích ở trên cũng chính là rào cản của DN đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, có mấy nguyên nhân chính:

Thứ nhất và lớn nhất là đầu ra của sản phẩm. Chúng ta thiếu thị trường hoặc có nhưng không làm chủ được thị trường. Hầu hết sản phẩm nông nghiệp của VN chủ yếu xuất thô, thiếu khâu chế biến để làm tăng giá trị gia tăng cũng như chủ động được khâu lưu trữ, bảo quản trước khi bán.

"Muốn ứng dụng công nghệ cao phải tổ chức lại sản xuất quy mô lớn, có tích tụ đất đai, người tổ chức sản xuất phải là DN."

Thứ hai, thiếu nguồn nhân lực vừa có trình độ khoa học lẫn trình độ quản lý. Chúng ta có thể có các nhà khoa học giỏi làm công tác nghiên cứu nhưng vẫn thiếu những nhà quản lý giỏi trong sản xuất nông nghiệp, chưa kể đội ngũ công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực này hầu như chưa được đào tạo cho phù hợp với công nghệ sản xuất hiện đại.

Thứ ba, chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho các DN đầu tư cho nông nghiệp còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, chi tiết hóa, chưa đủ mạnh, dự báo về thị trường yếu kém.

– Một vấn đề đặt ra là dù có nhiều đề án nghiên cứu tốt, nhưng vì sao ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khoảng trống, thưa ông?

Đây chính là bức xúc của những người làm công tác quản lý nông nghiệp cũng như làm công tác nghiên cứu khoa học.

Xét về vấn đề tổ chức sản xuất, nông nghiệp VN vẫn là sản xuất nông hộ, cá thể. Phương thức tổ chức sản xuất và suy nghĩ của người nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ, lẻ. Muốn ứng dụng công nghệ cao phải tổ chức lại sản xuất quy mô lớn, có tích tụ đất đai, người tổ chức sản xuất phải là DN.

Về khoa học công nghệ, mặc dù VN có nhiều thành tựu trong nghiên cứu phục vụ sản xuất, nhưng việc chuyển giao, áp dụng vào sản xuất còn nhiều vướng mắc. Ví dụ VN có thể nhân giống cây lan cấy mô được nhưng nhà vườn vẫn đi mua cây giống nhập từ Thái Lan về. Có thể do giá rẻ, có thể do suy nghĩ vẫn sính giống ngoại, có thể do chủng loại cây giống nhập phong phú hơn mà các đơn vị cung ứng trong nước không đáp ứng được.

Về chính sách vay vốn đầu tư vào công nghệ cao, từ trước đến nay Nhà nước chưa có chính sách đồng bộ khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao. Gần đây Thủ tướng đã công bố gói 100.000 tỷ đồng cho vay đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Hy vọng đây sẽ là bước đột phá và cú hích cho DN đầu tư vào lĩnh vực này.

 Từ trước đến nay, chúng ta nói nhiều về liên kết 4 nhà là Nhà nước, nhà khoa học, DN và người nông dân. Ông nghĩ sao về điều này?

Thực ra vấn đề liên kết 4 nhà hiện nay rất lỏng lẻo, thiếu sự chỉ huy và ràng buộc lẫn nhau. Muốn liên kết, tôi cho rằng phải làm rõ vai trò của từng nhà:

– Nhà nước tạo chính sách, tạo cơ chế hỗ trợ vốn, đất đai, dự tính, dự báo thị trường…

– Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tạo giống cây con, quy trình công nghệ phù hợp, có giá cả khi chuyển giao và ứng dụng rẻ.

– DN tổ chức sản xuất, đầu tư hiệu quả, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, gắn với nông dân thông qua hợp đồng có sự ràng buộc pháp lý hai bên. Được tạo điều kiện về đất đai.

– Người nông dân từng bước bỏ phương thức sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình., tham gia vào quá trình sản xất quy mô lớn hoặc vào làm công nhân của DN.

– Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hùng

Nguồn tin: enternews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay5,778
  • Tháng hiện tại180,779
  • Lượt truy cập:23885096
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
bpd
help bophapdien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây