Ngày 20 tháng 8 năm 2019 tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM đã tổ chức Hội thảo
Đánh giá kết quả triển khai Dự án “Làm chủ quy trình công nghệ Bioreactor sản xuất rễ tóc Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) và thương mại hóa sản phẩm”.
Đây là Dự án được Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ thông qua Quỹ “Đẩy mạnh Đổi mới sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ” (FIRST) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án FIRST trong năm 2018-2019.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các đại biểu là đại diện của các trường, viện nghiên cứu, đơn vị quản lý nhà nước, nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại trong lĩnh vực dược liệu và thực phẩm chức năng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
TS. Lê Thị Hồng Vân, Trường Đại học Y dược TP.HCM trình bày
Tổng quan Sâm Việt Nam
Hội thảo đã giới thiệu những nội dung khái quát về vị trí phân loại khoa học, phân bố địa lý, cấu trúc và thành phần hóa học cũng như công dụng ưu việt của Sâm Việt Nam
Panax vietnamesensis Ha et Grushv. đối với sức khỏe con người. Từ đó rút ra ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm này của Việt Nam.
Đại diện cho nhóm thực hiện Dự án FIRST, TS. Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học trình bày kết quả nghiên cứu phát triển nguồn vật liệu mới thu nhận gingenoside thông qua kỹ thuật nhân nhanh sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh trên hệ thống Bioreactor. Kết quả phân tích và so sánh thành phần hợp chất Saponin trong rễ tóc sâm Ngọc Linh nuôi cấy
in-vitro và rễ tóc Sâm Ngọc Linh tự nhiên là tương đương.
TS. Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm CNSH trình bày các kết quả của Dự án FIRST
Với tầm quan trọng và công dụng ưu việt của Sâm Ngọc Linh đối với sức khỏe con người đã được công bố khoa học, nhu cầu thực tiễn trong nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh đang là vấn đề được đặt ra hàng đầu cho nhà khoa học, doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo định hướng đó, nhóm thực hiện đã tiến hành các nghiên cứu cao chiết từ rễ tóc Sâm Ngọc Linh. Kết quả phân tích đánh giá tính an toàn và tác động tăng lực của cao chiết rễ tóc Sâm Ngọc Linh đều đạt các chỉ tiêu đối với thuốc có nguồn gốc dược liệu. Đây là cơ sở khoa học cho việc phát triển rễ tóc sâm Ngọc Linh thành các sản phẩm chức năng dưới dạng các sản phẩm nước uống không ga, viên nang, đồ uống có cồn.
PGS.TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học bế mạc Hội thảo
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm thực hiện và các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao của dự án. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ mở rộng thông tin qua các sự kiện truyền thông đối với ý nghĩa nghiên cứu khoa học và ứng dụng sản phẩm của các loại dược liệu trong đó có sâm Ngọc Linh Ông mong muốn Trung tâm kết nối mạnh mẽ hơn nữa với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại hóa sản phẩm rễ tóc Sâm Ngọc Linh, đưa sản phẩm đến gần với mục đích phục vụ sức khỏe con người.
Các đại biểu chụp hình với sản phẩm từ rễ tóc Sâm Ngọc Linh