Ngày 28/02/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 593/KH-UBND về triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh” và Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” năm 2022.
Theo đó, Kế hoạch này nhằm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh”; Quyết định số 572/QĐ-UBND ngày 23/02/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 03/02/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Chương trình triển khai Đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh đến năm 2025; Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT ngày 12/10/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt đề án "Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của quốc gia".
Ủy ban nhân dân Thành phố cũng yêu cầu việc triển khai kế hoạch cần tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố theo Quyết định số 2392/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời phải xác định nhiệm vụ cụ thể của tùng cá nhân, đơn vị để tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Tăng cường sự tương tác với người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cùng tham gia thực hiện Chương trình, cũng như tham gia giám sát quá trình thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Thúc đẩy xây dựng chính quyền số; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Hệ thống các chỉ tiêu chủ yếu gồm: i) 85% người dân có điện thoại thông minh; ii) 70% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; iii) Tăng 10% tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ được giải quyết (tính theo thủ tục hành chính được đưa vào trực tuyến) so với năm 2021; iv) 100% thủ tục hành chính trong Danh mục thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn thành phố đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt phải được áp dụng; v) 100% sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện ứng dụng thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính; vi) Kinh tế số đóng góp 15% GRDP Thành phố.
Nội dung tập trung thực hiện của Kế hoạch bao gồm:
(1) Nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số.
(2) Hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số.
(3) Phát triển nền tảng số, hạ tầng số, đồng thời triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”.
(4) Xây dựng chính quyền số, trong đó chú trọng việc: i) Phát triển các ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước; phát triển ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp; iii) tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin.
(5) Hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số.
(6) Triển khai xây dựng các trụ cột của Đề án Đô thị thông minh, bao gồm: i) Kho dữ liệu dùng chung; ii) Trung tâm điều hành đô thị thông minh; iii) Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm An toàn thông tin Thành phố.
(7) Triển khai chuyển đổi số và đô thị thông minh trong các ngành, lĩnh vực; trong đó nhóm ngành cần tập trung thực hiện chuyển đổi số bao gồm y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận, huyện thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban để chỉ đạo thống nhất về chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, đảm bảo an toàn thông tin; đồng thời có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch, đảm bảo mỗi đơn vị phải có sản phẩm hoàn thành trong năm 2022. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, kết nối và chia sẻ dữ liệu, các đơn vị phải tuân thủ Kiến trúc chính quyền điện tử của thành phố, các quy định và chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố, hướng dẫn chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông khi triển khai các hệ thống thông tin thuộc Chương trình Chuyển đổi số và Đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh…
Xem chi tiết Kế hoạch tại đây!
Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Tuấn - P. Hành chính Quản trị
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hội thảo "20 năm thương mại hoá cây trồng công nghệ sinh học trên thế giới và thực trạng tại Việt Nam" (2016-09-30)
Làm việc với Giáo sư Watanabe (Đại học Tsukuba, Nhật Bản) về thành lập Hội đồng An toàn sinh học của Trung tâm (2016-07-26)
Hội thảo trao đổi những kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực Công nghệ sinh học thực vật giữa Trung tâm Công nghệ Sinh học và Đại học Tsukuba (2016-07-26)
Hình ảnh nghỉ mát 2016 (2016-07-19)
Chủ tịch Lê Hoàng Quân thăm khu sản xuất chế phẩm sinh học (2015-11-09)