Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
ddci hcmc banner 02 1279x447

Có chính sách hỗ trợ để TPHCM trở thành trung tâm giống cây trồng của khu vực

Thứ bảy - 16/09/2017 06:59
1
Các đại biểu tham quan sản phẩm giống cây trồng trưng bày tại hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Đó là một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập tại hội thảo “Ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để phát triển nông nghiệp TPHCM trở thành trung tâm giống cây trồng đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM tổ chức ngày 14/9.

TPHCM sẽ là nơi nghiên cứu phát triển về chọn tạo giống cây trồng

Theo Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, nhận thức được vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp, những năm qua, TPHCM luôn coi trọng và ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt đi vào lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi và hướng tới trở thành Trung tâm giống cây con của cả khu vực.

Về tình hình nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong nghiên cứu sản xuất giống cây trồng tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Dương Hoa Xô cho biết: Nhằm lưu giữ nguồn gen cây trồng có giá trị kinh tế và giá trị khoa học trong nước và hội nhập phục vụ cho việc nghiên cứu, nhân giống, chọn tạo giống mới đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của TP và cả nước, Trung tâm Công nghệ sinh học TP đã tiến hành sưu tập, nhập nội các giống hoa bản địa và nước ngoài để xây dựng bộ sưu tập phong phú về chủng loại và đa dạng về nguồn gen. Hiện nay, Trung tâm có 3 bộ sưu tập giống hoa, kiểng lá và rau, bao gồm 360 giống lan các loại. Bên cạnh công tác bảo tồn nguồn gen, Trung tâm đã tập trung khai thác có hiệu quả nguồn gen này nhằm phát triển giống mới phục vụ nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.

Mặt khác, Trung tâm đã xây dựng thành công quy trình nhân giống nhiều loại cây trồng khác nhau bằng phương pháp nuôi cấy mô… Hiện tại, khu nuôi cấy mô tế bào thực vật thuộc Trung tâm có trên 120 giống cây trồng gồm hoa lan, hoa nền, kiểng lá, dược liệu, cây ăn trái (chuối, dâu tây)… đang được nuôi cấy invitro (nuôi cấy mô và tế bào thực vật) và có khả năng nhân giống lên đến 1,5 - 2 triệu cây cấy mô/năm. Với quy trình nhân giống hiện có, Trung tâm hoàn toàn có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu cung cấp cây cấy mô cho khách hàng trên quy mô lớn cũng như thực hiện việc chuyển giao công nghệ về nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô cho các cá nhân và tổ chức có nhu cầu.

Đối với tình hình sản xuất kinh doanh giống cây trồng tại TPHCM, giai đoạn 2010 - 2016, TP có 47 doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh giống cây trồng. Các đơn vị sản xuất và cung ứng cho thị trường 81.198 tấn hạt giống các loại; trong đó có 12.109 tấn hạt giống rau. Ước tính lượng giống do các công ty giống cung cấp hàng năm đáp ứng khoảng 1.000.000ha gieo trồng của TP và các tỉnh. Số lượng giống mới được đưa vào sản xuất kinh doanh trong 6 năm qua là 267 giống; tuy nhiên số giống các công ty tự nghiên cứu lai tạo chỉ có 12 giống (giống rau là chủ yếu).

Liên quan đến định hướng để TPHCM trở thành một Trung tâm giống cây trồng của khu vực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Dương Hoa Xô cho hay: TPHCM sẽ là nơi nghiên cứu phát triển công nghệ mới và ứng dụng công nghệ sinh học về chọn tạo giống cây trồng như công nghệ nuôi cấy tế bào thực vật, công nghệ gen, chỉ thị phân tử, công nghệ chỉnh sửa gen. Các giống cây trồng được TP xác định tập trung vào nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất là nhóm rau, hoa, cây kiểng, cây dược liệu. Ngoài ra, có thêm các nhóm cây ăn trái, cây công nghiệp, cây màu, cây lâm nghiệp tùy theo nhu cầu cụ thể của thị trường trong khu vực.

Chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất giống

Từ định hướng nêu trên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Dương Hoa Xô cho rằng, để tạo điều kiện cho các DN tham gia vào quá trình nghiên cứu sản xuất giống ban đầu như các Viện trường, cần có cơ chế hỗ trợ về công nghệ, kinh phí nghiên cứu khoa học cũng như trang thiết bị, phòng thí nghiệm để DN được tham gia sử dụng. Mặt khác, do DN có chiến lược phát triển giống riêng của mình để đạt lợi nhuận tối đa; vì vậy nếu TP có khuyến khích DN tham gia vào quá trình nghiên cứu sản xuất giống theo định hướng của TP thì TP phải có cơ chế hỗ trợ ban đầu.

Đề cập về giải pháp sản xuất giống cây trồng cung cấp cho các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, Tiến sĩ Đỗ Việt Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đề xuất: TPHCM quy hoạch các khu, vùng sản xuất giống cây trồng chất lượng cao với diện tích đủ lớn xứng với tiềm năng (trên 1.000ha); xác định các loại giống chủ lực có thế mạnh của TP (ưu tiên giống bản địa có giá trị); tiếp tục đào tạo nhân lực tập trung cho ngành giống; có chính sách ưu tiên hơn nữa cho DN sản xuất giống như nhập công nghệ, giống quý, miễn giảm thuế bán giống, hỗ trợ tiền lương, hỗ trợ giới thiệu và bán hàng; có chính sách ưu đãi cho chuyên gia, cán bộ kỹ thuật sản xuất giống như chế độ nhà lưu trú, sinh hoạt phí; xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá giống của TP; khen thưởng và tôn vinh các nhà sản xuất giống.

GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam kiến nghị tăng cường ngân sách phục vụ nghiên cứu cơ bản về di truyền giống, công nghệ sinh học, đối với những cây trồng có tiềm năng sản xuất hạt giống; phát triển nguồn nhân lực, vì không có đội ngũ kỹ thuật giỏi không thể xây dựng chiến lược thành công; xây dựng được phòng kiểm nghiệm giống theo chuẩn ISTA tại TPHCM hoặc tại một DN có tiềm năng mạnh nhất.
 

2
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu và doanh nghiệp sản xuất giống
tham dự hội thảo

Để phát triển ngành giống cây trồng phù hợp với nông nghiệp đô thị TPHCM và mở rộng vùng Đông Nam bộ, Chi hội trưởng Chi hội Thương mại giống cây trồng Đông Nam bộ Nguyễn Văn Thành cho rằng, TPHCM cần có các chính sách về hỗ trợ giao thuê đất cho các DN ngành giống cây trồng; hỗ trợ 100% về lãi vay ngân hàng đối với ngành giống cây trồng; giảm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong sản xuất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác nghiên cứu chọn tạo, phục tráng, thử nghiệm các giống cây trồng năng suất cao, phù hợp với điều kiện TP; thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Với một nước sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD, rõ ràng giống cây trồng đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, TPHCM chọn trở thành trung tâm sản xuất giống chính là coi giống chăn nuôi và trồng trọt, thủy sản là ngành kinh tế đặc thù của ngành nông nghiệp.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, loại hình chủ lực trong kinh tế giống phải là doanh nghiệp. Mặt khác, phải tạo quy trình liên kết (hay còn gọi là hệ sinh thái làm giống) để hình thành công nghiệp giống giữa nghiên cứu trong các trường, viện; giữa các công ty làm giống; giữa các công ty phân phối và kinh doanh giống gắn với người tiêu dùng hình thành hệ sinh thái để nuôi nhau; trong đó, Nhà nước phải đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về giống là rất cần thiết. Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ sở pháp luật về giống, các đơn vị phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn xây dựng Luật về giống để trình Quốc hội thông qua.

Tác giả bài viết: Đình Lý

Nguồn tin: www.hcmcpv.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay1,125
  • Tháng hiện tại185,799
  • Lượt truy cập:23890116
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
bpd
help bophapdien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây