Các nhà nghiên cứu ở Thụy Điển đã nghiên cứu phát triển một hệ thống nuôi vi tảo biển vừa tiết kiệm năng lượng vừa sản xuất hiệu quả sinh khối các giống vi tảo có thể dùng để cải thiện chất lượng nước nuôi trồng thủy sản.
Dự án nghiên cứu là sự hợp tác giữa Đại học Gothenburg và RISE. Dự án liên quan đến việc nghiên cứu khoảng 160 loài vi tảo được phân lập dọc theo bờ biển phía tây Thụy Điển, nhằm xác định những loài vi tảo có thể kéo dài thời gian phát triển ở Bắc Âu, từ đó cho phép gia tăng sản xuất sinh khối các loài tảo giàu năng lượng.
Giáo sư Cornelia Spetea Wiklund, trưởng dự án và chuyên gia về sinh lý học tế bào thực vật tại Đại học Gothenburg, cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy hai loại vi tảo phù hợp với các tiêu chí chọn lựa, chúng được phân lập tại vùng dọc theo bờ biển phía tây. Đó là tảo cát
Skeletonema marinoi và tảo lục
Nannochloropsis granulata”.
Thí nghiệm được tiến hành vào ba mùa trong năm: mùa đông, mùa xuân và mùa hè. Mô hình của hai loại tảo này được triển khai ở các yếu tố nhiệt độ và ánh sáng khác nhau trong các bể sinh học Bioreator dùng nước biển.
Wiklund cho biết “Tảo
Skeletonema marinoi phát triển mạnh và nhiều hơn trong mùa đông. Trong khi đó, tảo
Nannochloropsis granulata lại sinh trưởng mạnh hơn vào mùa hè. Cả hai đều phát triển tốt như nhau trong suốt mùa xuân. Cả hai loài đều hấp thụ rất tốt nguồn nitơ và phốt pho từ nước biển và chuyển hóa các chất dinh dưỡng thành sinh khối có giá trị,”
“Vì các trang trại nuôi cá cần nguồn thức ăn, trong khi ngành công nghiệp chế biến cá và giáp xác cũng cần phải làm sạch nước sau chế biến, nên các giải pháp xanh với vi tảo trong nghiên cứu này là phù hợp. Các loài vi tảo trong nghiên cứu có thể sống nhờ những gì còn sót lại trong nước của quy trình nuôi, và làm sạch nước để có thể tái sử dụng trở lại quy trình sản xuất. "
Đó là một hệ thống khép kín và bền vững. Điều duy nhất cần thiết cung ứng thêm đó là năng lượng từ mặt trời và carbon dioxide từ không khí. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng quy trình sản xuất sinh khối có thể thực hiện, thậm chí trong thời tiết lạnh, bằng việc nuôi luân phiên các loài thích nghi với các mùa khí hậu khác nhau. Giáo sư giải thích: “Mặc dù các loài thích nghi với mùa đông không có năng suất bằng những loài thích nghi với điều kiện mùa hè, nhưng chúng có khả năng tiếp cận tốt với ánh sáng mặt trời nên vẫn có thể được sử dụng để kéo dài mùa sinh trưởng”.
Căn cứ vào một cuộc khảo sát thị trường thuộc dự án, sinh khối tảo có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau như một nguyên liệu thô sinh học, chẳng hạn như làm phân bón hoặc dùng trong ngành mỹ phẩm, dược phẩm và nhựa sinh học. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất hiện nay đến từ lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhằm cải thiện chất lượng nước trong các trang trại nuôi cá.
The Fish Site, ngày 26 tháng 5 năm 2021
Nguồn:
https://thefishsite.com/articles/can-microalgae-be-used-to-improve-water-quality-in-fish-farms