Theo một nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn chặn quá trình thải loại cơ quan cấy ghép hoặc điều trị các bệnh viêm nhiễm hay tự miễn không cho kết quả tệ hơn những người khác khi nhập viện do COVID-19.
Các ước tính cho thấy chỉ riêng ở Mỹ có khoảng 10 triệu người bị suy giảm miễn dịch (immunocompromised). Ức chế hệ miễn dịch đã và đang được xem như một yếu tố nguy cơ chính tiềm ẩn đối với tình trạng nghiêm trọng và tử vong do COVID-19 bởi nó có thể cho phép virus SARS-CoV-2 lây lan không kiểm soát trong cơ thể bệnh nhân. Song song với đó, cũng có các báo cáo không chính thống về những người bị ức chế miễn dịch chỉ trải qua những triệu chứng COVID-19 nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng nào, cho thấy rằng các thuốc ức chế miễn dịch có thể có hiệu quả bảo vệ bằng cách ngăn chặn cơn bão viêm (inflammatory storm) đôi khi liên quan đến tình trạng COVID-19 nặng.
Trong nghiên cứu , các nhà khoa học đã phân tích hồ sơ bệnh án của 2121 bệnh nhân COVID-19 nhập viện đang được điều trị nội trú tại hệ thống y tế Johns Hopkins Medicine ở Baltimore thuộc tiểu bang Maryland và Thủ đô Washington, từ ngày 4 tháng 3 đến 29 tháng 8 năm 2020. Họ phát hiện những bệnh nhân COVID-19 bị ức chế miễn dịch trước khi nhập viện thường không có tình trạng COVID-19 nặng hơn – ví dụ như thời gian nằm viện lâu hơn, tử vong trong bệnh viện hay sử dụng máy thở (ventilator) – so với những bệnh nhân COVID-19 không bị ức chế miễn dịch.
Giáo sư, bác sĩ G. Caleb Alexander, thuộc Khoa Di5cg tễ học Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg và cũng là tác giả chính, cho biết: “Đại dịch COVID đã tạo ra một làn sóng nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá xem ai có tình trạng tốt hơn và ai có tình trạng xấu hơn với virus này. Chúng tôi đã kiểm tra một nhóm quan trọng gồm những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch lâu dài, ví dụ như những người có lịch sử cấy ghép cơ quan hay mắc bệnh thấp khớp và đã phát hiện một số thông tin hữu ích”.
Kayte Andersen, tác giả đứng tên đầu nghiên cứu và là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Khoa Dịch tễ học, cho biết: “Đã có những lo lắng rằng ức chế miễn dịch có thể là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây nên tình trạng COVID-19 nặng, nhưng chúng tôi đã không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào như vậy”.
Cho đến nay có khoảng 83 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới, và tình trạng thời tiết chuyển lạnh gần đây tại Bắc Bán Cầu đã gây nên sự gia tăng các trường hợp mắc mới. Các hệ thống chăm sóc sức khỏe đang phải vật lộn nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm này và cố gắng phân bổ các nguồn lực hạn chế. Việc biết bệnh nhân nào sắp chuyển đến có nguy cơ tiến triển thành tình trạng COVID-19 nặng sẽ giúp các nhân viên y tế thực hiện được việc đó. Nhưng liệu những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch do điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch có thuộc nhóm nguy cơ cao nhất hay không vẫn là một bí ẩn.
Các nhà nghiên cứu tại Johns Hopkins đã phát hiện ra 108, tương đương khoảng 5%, trong tổng số ca nhiễm COVID-19 nhập viện tại mạng lưới y tế Johns Hopkins thuộc Baltimore hay Washington trong suốt thời gian thực hiện nghiên cứu này có thể được phân loại bị ức chế miễn dịch vì họ đang sử dụng thuốc kháng viêm như prednisone hoặc thuốc chống thải loại như tacrolimus sau khi ghép cơ quan.
Những kết quả này đạt được sau khi sử dụng nhiều phương pháp thống kê để giải thích khác biệt giữa các nhóm về các yếu tố có thể làm sai lệch phân tích như độ tuổi, giới tính và gánh nặng bệnh tật không phải COVID-19. Nhưng ngay cả những phân tích thô, chưa được hiệu chỉnh của các nhà khoa học cũng không tìm thấy mối liên hệ thống kê nào giữa tình trạng COVID-19 tồi tệ hơn và hiện trạng ức chế miễn dịch.
Các nhà khoa học hiện đang theo dõi phân tích một bộ dữ liệu lớn hơn gồm các trường hợp mắc COVID-19 trên toàn quốc, phân tích này sẽ cho phép những ước tính có độ chính xác cao hơn, có khả năng bao gồm phát hiện về các nguy cơ khác nhau cho nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch khác nhau. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý, những phát hiện trong nghiên cứu nhỏ hơn này chỉ ra sự ức chế miễn dịch dường như không liên quan đến tình trạng COVID-19 nặng hơn.
Andersen cho biết: “Tại thời điểm này, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị những bệnh khác nên lo lắng rằng thuốc của họ sẽ làm tăng nguy cơ gây ra tình trạng COVID-19 nghiêm trọng”.
Tài liệu tạp chí: Kathleen M Andersen, Hemalkumar B Mehta, Natasha Palamuttam, Daniel Ford, Brian T Garibaldi, Paul G Auwaerter, Jodi Segal, G Caleb Alexander. Association Between Chronic Use of Immunosuppresive Drugs and Clinical Outcomes From Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) Hospitalization: A Retrospective Cohort Study in a Large US Health System. Clinical Infectious Diseases, Jan. 7, 2021; DOI: 10.1093/cid/ciaa1488