Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
4 4 banner 1226x341

DNA tự do ngoại bào (cfDNA) trong nước tiểu là phương thức tiềm năng để phát hiện ung thư.

Thứ ba - 30/03/2021 16:11
Từ lâu, phân tích nước tiểu là một phương pháp kiểm tra sức khỏe cơ bản để phát hiện và giám sát một số bệnh và rối loạn, trừ ung thư. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu ung thư được phát hiện dễ dàng thông qua kiểm tra nước tiểu ở giai đoạn cực kỳ sớm, khi bệnh đáp ứng tích cực hơn với điều trị và có nhiều khả năng cải thiện kết quả?

Đó là câu hỏi được đặt ra bởi các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Translational Genomics (TGen), một chi nhánh của City of Hope, nơi đã tìm ra cách phát hiện ung thư giai đoạn sớm bằng cách phân tích các mach DNA ngắn tự do ngoại bào trong nước tiểu. Kết quả nghiên cứu của họ vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Translational Medicine.

Trước đây, người ta cho rằng các đoạn DNA trong nước tiểu bị phân hủy ngẫu nhiên và chúng quá ngắn để cung cấp bất kỳ thông tin nào về một bệnh phức tạp như ung thư. Các nhà nghiên cứu TGen và City of Hope cùng cộng sự từ Đại học Baylor và Bệnh viện Nhi Phoenix đã phát hiện ra những đoạn DNA này hoàn toàn không ngẫu nhiên, chúng có thể chỉ ra khác biệt rõ ràng giữa người khỏe mạnh và người bị ung thư.

Phó giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Muhammed Murtaza, đồng Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Không xâm lấn TGen và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Còn nhiều bước cần tìm hiểu để đi từ hiểu biết của chúng ta ở hiện tại tới ứng dụng trong tương lai  - phát hiện ung thư từ mẫu nước tiểu - nhưng chắc chắn đây là bước đầu tiên đáng khích lệ”.

Trước đây, tiến sĩ Murtaza từng dẫn đầu một nhóm các nhà khoa học ở TGen đi tiên phong trong việc phát hiện các DNA khối u tuần hoàn (ctDNA) trong máu, để phát hiện ung thư chỉ với một lần lấy máu đơn giản. Phương pháp "sinh thiết lỏng" này giúp loại bỏ việc phẫu thuật lấy sinh thiết của khối u khả nghi, thay vào đó các bác sĩ có thể theo dõi ung thư ở bệnh nhân thường xuyên hơn do tính chất ít xâm lấn của thủ thuật.

Tiến sĩ Murtaza giải thích: việc thu thập mẫu nước tiểu làm giảm sự xâm lấn vật lý xuống 0 và có thể loại bỏ việc tới khám trực tiếp tại phòng lab vì mẫu có thể được lấy tại nhà và gửi qua đường bưu điện để phân tích.

Bằng cách nghiên cứu các mẫu mô của trẻ em mắc các bệnh ung thư khác nhau - đối tượng thường có khối u ác tính di chuyển cực nhanh và người lớn mắc bệnh ung thư tuyến tụy - những người mà việc phát hiện sớm rất quan trọng với kết quả điều trị, các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ cấu hình DNA phân mảnh trong nước tiểu của họ.

Tiến sĩ Murtaza cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng trong nước tiểu của những người khỏe mạnh, một số vùng nhất định của bộ gen được bảo vệ khỏi sự phân mảnh, nhưng ở những bệnh nhân ung thư những vùng tương tự bị phân mảnh nhiều hơn”.
Các cấu hình phân mảnh rất giống nhau giữa nhiều bệnh nhân; chiều dài các đoạn DNA phân mảnh tương tự nhau, các vùng trong bộ gen nơi xảy ra phân mảnh cũng nhất quán, những điều này báo hiệu cho các nhà nghiên cứu biết loại tế bào nào đã đóng góp cho các phân mảnh.

Theo Tiến sĩ  Ajay Goel, chủ nhiệm Khoa Chẩn đoán Phân tử và Trị liệu Thực nghiệm, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Cơ bản tại City of Hope - trung tâm nghiên cứu và điều trị độc lập về ung thư và tiểu đường, ông cũng là một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: "Nếu nghiên cứu có kết quả, công nghệ phân tích nước tiểu của chúng tôi sẽ là một bước đột phá đáng kể trong việc phát hiện nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tụy. Khi được phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tụy - nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ - có thể được giảm đáng kể".

Với những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cần phải kiểm tra phát hiện này ở quần thể bệnh nhân ung thư lớn hơn và xác định sự khác biệt giữa nam/nữ, già/trẻ, những người mắc bệnh đi kèm, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và các bệnh mãn tính khác.

Giáo sư - Bác sĩ Daniel D. Von Hoff tại TGen và là một trong những tác giả bài báo cho biết: “Đây là một phát hiện mới mang tính chất nên tảng, cung cấp hướng đi tiềm năng cho việc chẩn đoán sớm ung thư vì nước tiểu là một trong những mẫu dễ thu thập nhất. Nếu các nghiên cứu tiếp theo mang lại kết quả tích cực, một ngày nào đó tôi có thể thấy xét nghiệm này trở thành một phần không thể thiếu trong danh mục kiểm tra sức khỏe hàng năm của một người."

Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2021/02/210218094524.htm

Tác giả bài viết: Phùng Thị Việt Anh - P. CNSH Y dược

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập28
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay1,965
  • Tháng hiện tại158,558
  • Lượt truy cập:22418877
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
logo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây