Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
4 4 banner 1226x341

Tuyển chọn chủng Bacillus sp. triển vọng dùng sản xuất chế phẩm probiotic phòng bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá rô phi (Oreochromis sp.)

Thứ năm - 11/04/2024 23:55
Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến là vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đối tượng nuôi chủ lực như cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) còn có cá rô phi (Oreochromis sp.) được nuôi nhiều ở các tỉnh dọc sông Tiền, sông Hậu như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang. Những năm gần đây phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức về thị trường và dịch bệnh xảy ra ở mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn và phải kể đến bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá rô phi do Streptococcus agalactiae gây ra. Hiện nay, trong nuôi trồng thuỷ sản người nuôi thường sử dụng kháng sinh để điều trị nhằm mang lại hiệu quả nhanh và tiết kiệm. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh đang diễn ra nghiêm trọng, dẫn đến vi khuẩn gây bệnh kháng kháng sinh và việc điều trị không còn hiệu quả, tăng liều làm dư lượng kháng sinh tồn lưu trong thịt cá thương phẩm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người và môi trường nuôi trong lưu vực.

Kiểm soát sinh học khi sử dụng vi khuẩn có hoạt tính sinh học ức chế được hy vọng trở thành phương pháp hữu ích trong phòng bệnh và kiểm soát các bệnh do vi khuẩn gây ra (Sadia và Mohammand, 2019). Năm 2022, nhóm tác giả Lê Văn Hậu, phòng phòng Công nghệ sinh học Thủy sản của Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh và cộng sự đã nghiên cứu sàng lọc các chủng Bacillus spp. từ bộ chủng Bacillus có tính đối kháng với S. agalactiae gây bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá rô phi. Mục đích của nghiên cứu này, nhằm đánh giá chủng Bacillus spp. triển vọng tiềm năng sản xuất chế phẩm probiotic phòng bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá rô phi, phục vụ cho ngành nuôi cá rô phi đã và đang phát triển tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả cho thấy, 03 chủng Bacillus sp. BS2, RP16 và BS21 đều có đối kháng tốt với 03 chủng S. agalactiae Q9.9, VL40 và AG5 (đại diện phân lập từ 03 vùng địa lý tương ứng TP. HCM, Vĩnh Long và An Giang) bằng phương pháp giếng khuếch tán đĩa thạch. Đường kính vòng vô khuẩn dao động từ 17,00 ± 0,50 mm đến 21,50 ± 0,50 mm. Điều kiện pH (5 – 9) và nồng độ NaCl (0 – 3%) không ảnh hưởng đáng kể đến sinh trưởng và khả năng đối kháng giữa ba chủng Bacillus sp. BS2, RP16 và BS21 đối với ba chủng S. agalactiae Q9.9, VL40 và AG5.
 
2
3

Trong điều kiện đồng nuôi cấy, ba chủng Bacillus sp. BS2, RP16 và BS21 có khả năng ức chế ba chủng S. agalactiae Q9.9, VL40 và AG5 bắt đầu sau 12 - 24 giờ, và tiêu diệt hoàn toàn sau 36 – 48 giờ tuỳ vào các chủng Bacillus sp. và S. agalactiae với nhau.
 
4

Qua kết quả in vitro, nhóm nghiên cứu chọn lọc chủng Bacillus sp. RP16 để sản xuất chế phẩm probiotic thử nghiệm dạng bột, đã được đánh giá hiệu quả bảo vệ RPS trên cá rô phi đỏ giống bằng phương pháp cho ăn ở quy mô phòng thí nghiệm với hiệu quả bảo vệ RPS đạt 38.81%. Đồng thời, đã được triển khai ở quy mô thực địa nuôi cá rô phi đỏ thương phẩm trên bè tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang (kết quả không trình bày tại đây).
Kết quả nghiên cứu trên của nhóm tác giả Lê Văn Hậu và cộng sự (2023) đã được trình bày tại Hội thảo khoa học – Probiotic ứng dụng trong Nuôi trồng Thuỷ sản do Đại học Mở Hà Nội tổ chức ngày 22/9/2023 và được đăng trong Kỷ yếu của hội thảo, NXB Dân Trí.

Tài liệu tham khảo
Lê Văn Hậu, Phạm Thị Hoa Mai, Lê Lưu Phương Hạnh, Ngô Huỳnh Phương Thảo. (2022). Sàng lọc chủng Bacillus spp. có tính đối kháng Streptococcus agalactiae gây bệnh phù mắt, xuất huyết trên cá rô phi (Oreochromis sp.). Tạp chí Khoa học & Công nghệ Nông nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Huế 6(1): 2751-2761. https://doi.org/10.46826/huaf-jasat.v6n1y2022.796
Sadia, A., & Mohammad, N. I. B. (2019). Antagonistic activity of Bacillus amyloliquefaciens subsp. amyloliquefaciens against multidrug resistant Serratia rubidaea. BioRxiv the preprint server for biology. DOI:10.1101/818054.
 

Tác giả bài viết: Lê Văn Hậu - P. CNSH Thủy sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay6,254
  • Tháng hiện tại97,003
  • Lượt truy cập:22357322
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
logo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây