GS-TS Bùi Chí Bửu cho rằng, việc hợp tác công - tư trong sản xuất giống là giải pháp mà TPHCM tính đến để trở thành trung tâm giống, TPHCM phải quyết tâm làm. Vì có đi thì mới đến.
Tuần qua, tại TPHCM đã diễn ra 2 hội thảo với nội dung làm thế nào để TP trở thành trung tâm sản xuất giống vật nuôi và cây trồng của khu vực, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM. Điều đó cho thấy sự quyết tâm của cấp lãnh đạo cao nhất TP trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp và tìm ra mô hình để thực hiện.
Lợi nhuận nhiều nhất là sản xuất giống
Mỗi năm ngành hàng nông sản các loại mang về cho đất nước trên 30 tỷ USD, khẳng định thế mạnh của Việt Nam về sản xuất nhiều loại nông sản nhiệt đới. Nhưng, lĩnh vực mang đến lợi nhuận nhiều nhất trong nông nghiệp - sản xuất giống - lại là điểm yếu của ngành hàng này. Khâu sản xuất giống, nhất là hạt giống, gần như “nhường sân” cho công ty nước ngoài.
Ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho rằng thách thức lớn nhất của ngành trồng trọt là nghiên cứu và sản xuất giống rau, hoa F1; hiện nay hầu hết phải nhập khẩu. Năm 2016, chỉ riêng giống các loại đã phải nhập khẩu 550 triệu USD với gần 150.000 tấn hạt giống cây trồng, trong đó hơn 7.000 tấn giống lúa, còn lại là giống bắp, rau, hoa, dưa hấu, cỏ cho gia súc...
Đầu những năm 2000, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - khi ấy là Phó Chủ tịch UBND TPHCM - đã chỉ đạo ngành nông nghiệp TP chuyển đổi diện tích lúa giá trị thấp sang cây và con hiệu quả kinh tế cao hơn. Đó là tiền đề hình thành nền nông nghiệp đô thị của TP hiện nay (cả nước mới bước vào tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp được vài năm qua).
Tạo giống cây tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Nhưng với vai trò Bí thư Thành ủy hiện nay, sau khi tìm hiểu, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, giá trị mang lại cao nhất của nông nghiệp chính là sản xuất giống và vai trò quan trọng của giống. Chỉ khi tự chủ về sản xuất giống mới nói đến đảm bảo an ninh nông nghiệp cho đất nước.
Nếu như xuất khẩu nông sản phải tính bằng đơn vị tấn để lượng giá giá trị sản phẩm, thì ngành kinh doanh giống lại tính bằng đơn vị nhỏ nhất. Mỗi hạt giống dưa lưới hiện nay trên thị trường được bán với giá 3.000 đồng!
Nếu có điều kiện chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp sang xuất giống thì giá trị sản xuất trên mỗi hécta sẽ nhanh chóng tăng lên nhiều hơn nữa.
Điều này không chỉ giảm bớt lượng ngoại tệ để nhập khẩu giống, mà có ý nghĩa hơn là đáp ứng được nhu cầu của nông dân TP và khu vực trong sản xuất, cũng như góp phần gia tăng thu nhập cho người nông dân khi chuyển qua sản xuất giống.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, kinh nghiệm các nơi cho thấy, một khi chiếm 30% thị trường giống trở lên mới có thể khẳng định là trung tâm giống của khu vực.
Ngành nông nghiệp cần đánh giá lại chương trình phát triển giống cây, con chất lượng cao thời gian qua, để có cái nhìn chính xác hơn về vị trí nông nghiệp của TPHCM khi nằm giữa vựa cá, lúa, rau quả... của khu vực.
Với vai trò là trung tâm giống, TPHCM sẽ góp phần nhiều hơn cho việc phát triển nông nghiệp cả vùng, đồng thời, khi bắt nhịp được nhu cầu của khu vực sẽ là động lực phát triển nông nghiệp TP.
Để TPHCM là trung tâm giống
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: Bằng cách nào để TPHCM có thể trở thành trung tâm sản xuất giống?
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho rằng không phải ngẫu nhiên mà TPHCM được công nhận là đầu tàu kinh tế cả nước, là động lực phát triển các tỉnh phía Nam.
Lịch sử phát triển của TP đã chứng minh điều ấy. Nông nghiệp TPHCM phải được xem xét trên cơ sở là trung tâm kinh tế nông nghiệp vô cùng năng động ở Nam bộ, khu vực sản xuất và xuất khẩu trọng yếu của cả nước.
Thực tế, TPHCM là đầu tàu trong sản xuất thiết bị và công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp đang được ứng dụng trên máy cày, máy kéo, máy gieo hạt..., tự động làm việc theo tín hiệu từ hệ thống định vị toàn cầu GPS. Với những lợi thế đó, về lý thuyết, TPHCM hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất giống của khu vực và cả nước.
Nhưng làm bằng cách nào? GS-TS Bùi Chí Bửu cho rằng vai trò hợp tác công - tư (PPP) rất quan trọng trong công nghiệp sản xuất giống. TPHCM cần định hướng, đầu tư thỏa đáng cho khâu nghiên cứu và phát triển (R&D): Làm tốt việc kết nối giữa nhà khoa học với nông dân để đưa kết quả từ nghiên cứu vào sản xuất; doanh nghiệp đảm nhận phần tiêu thụ cũng như nắm bắt nhu cầu của thị trường để đặt hàng lại cho nhà khoa học.
Việc TPHCM đầu tư hàng chục triệu USD để xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học quy mô 23ha và Khu Nông nghiệp công nghệ cao trên 80ha là đúng hướng. Việc tiếp theo là đầu tư Phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISTA (International Seed Testing Association).
Đây là “visa” để hàng hóa có thể xuất khẩu đi các nước. Bài học từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy, muốn trở thành trung tâm giống phải có doanh nghiệp sản xuất giống (thường linh hoạt và thực dụng).
Vai trò của Nhà nước là điều phối các viện - trường trong hoạt động nghiên cứu giống (qua việc tạo điều kiện và hỗ trợ bằng chính sách, cũng như tạo thêm động lực bằng việc đảm bảo về sở hữu trí tuệ).
Vì vậy, việc hợp tác công - tư trong sản xuất giống là giải pháp mà TPHCM tính đến. GS-TS Bùi Chí Bửu cho rằng, để trở thành trung tâm giống, TPHCM phải quyết tâm làm. Vì có đi thì mới đến!
Ông Phạm Mạnh Báu, Chủ tịch Hiệp hội Giống thương mại Việt Nam, cho rằng với truyền thống luôn sáng tạo, đi đầu, cùng đội ngũ nhà khoa học hùng hậu, các viện - trường, doanh nghiệp nông nghiệp năng động, TPHCM hội tụ các điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất giống và phân phối, là trụ cột quan trọng nhất để phát triển ngành giống không chỉ cho khu vực mà còn cho cả nước. Muốn vậy, TP cần tạo điều kiện để kết nối giữa nghiên cứu đến sản xuất hàng hóa.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá 2 lần hội thảo đã giúp TPHCM xác định được lợi thế cũng như tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất giống. Giống không chỉ là ngành khoa học mà còn là ngành kinh tế đặc thù của nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo ngành nông nghiệp TP chuẩn bị thêm một hội thảo về mô hình phát triển, trong đó xác định đơn vị chủ lực là doanh nghiệp, hợp tác xã đóng vai trò vệ tinh, để đảm bảo quy trình nghiêm ngặt khi sản xuất giống. Đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý, trao đổi với Bộ NN-PTNT và Quốc hội về việc xây dựng luật về giống, tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Theo ông Tô Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Trung Nông, tuy đã có Pháp lệnh Giống cây trồng, Luật Sở hữu trí tuệ và các luật khác liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh trong ngành giống, nhưng trong thực tế, các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền giống gốc, giống bố mẹ vẫn diễn ra, mà việc đi thưa kiện hiện rất “mệt mỏi”.
Có phải vì lý do này mà 10 công ty hàng đầu thế giới về giống (chiếm 67% doanh số hạt giống toàn cầu) vẫn chưa đặt chi nhánh nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam?
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/de-tphcm-tro-thanh-trung-tam-san-xuat-giong-cua-khu-vuc-468614.html