Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 

Phân biệt nhiễm virus Zika và Dengue bằng công nghệ thay thế epitope

Thứ sáu - 01/11/2024 09:09
Kháng thể kháng virus Zika, một loại virus lây truyền thông qua muỗi đã lây lan sang châu Mỹ vào năm 2015 và hiện vẫn còn gây bệnh, có thể bị nhầm lẫn trong nhiều xét nghiệm chẩn đoán kháng thể kháng virus sốt xuất huyết Dengue. Điều này khiến việc xác định một người có kết quả xét nghiệm dương tính là đang bị nhiễm virus Dengue hay Zika hay cả hai trở nên khó khăn. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, việc biết liệu đã nhiễm Zika hay chưa và có khả năng miễn dịch hay không rất quan trọng, vì nếu xảy ra nhiễm trong khi mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh.

Tiến sĩ Priscila Castanha, trợ lý giáo sư tại khoa Bệnh truyền nhiễm và Vi sinh tại trường Pitt Public Health (Mỹ) cho biết: “Nếu đến những nơi như Brazil, gần như tất cả mọi người sẽ có khả năng miễn dịch nhất định với virus Dengue và cả Zika. Điều này gây khó khăn cho việc thử nghiệm các phương pháp điều trị mới hoặc xác định mức độ lan rộng của một căn bệnh mới xuất hiện ở những khu vực lưu hành flavivirus, gây ra gánh nặng bệnh tật cao trên toàn cầu.”

Giờ đây, một phân tử tổng hợp đặc hiệu với virus Zika mới được phát hiện có khả năng phân biệt các mẫu bệnh nhân miễn dịch Zika với các mẫu của bệnh nhân nhiễm virus Dengue. Công nghệ này có thể giúp phát triển các phương pháp chẩn đoán và vắc-xin tốt hơn.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp tiếp cận do Tiến sĩ Thomas Kodadek, giáo sư hóa học tại Viện Florida Scripps thuộc Đại học Wertheim, để sàng lọc nửa triệu “oligomers có hình dạng giới hạn lấy cảm hứng từ peptide” (peptide-inspired conformationally constrained oligomers), hay gọi tắt là PICCO, trong các mẫu máu từ những người bị nhiễm sốt xuất huyết hoặc virus Zika. PICCO sẽ được gắn vào các hạt nhựa cực nhỏ để mô phỏng các epitope của mầm bệnh.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí PNAS trong bài báo có tiêu đề “Xác định và mô tả đặc tính của một phiên bản mô phỏng phân tử nhỏ phi sinh học của một epitope trung hòa hình dạng virus Zika”.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được 40 PICCO có liên quan đến kháng thể kháng virus Zika. Sau khi sàng lọc trong các mẫu máu dương tính với Dengue, một PICCO, đặt tên là CZV1-1, có tín hiệu đặc hiệu với kháng thể kháng Zika. Phân tử tổng hợp CZV1-1 PICCO này đã xác định được chính xác 85,3% những người trước đây bị nhiễm virus Zika và tạo ra kết quả dương tính giả trong 1,6% số xét nghiệm.

Đây là nghiên cứu đầu tiên áp dụng công nghệ “thay thế epitope” cải tiến cho virus Zika. Cho đến hiện tại, các nhà nghiên cứu và các bác sĩ lâm sàng vẫn thiếu các công cụ chẩn đoán để dễ dàng phân biệt các loại flavivirus (một họ virus chủ yếu lây truyền qua muỗi và ve, bao gồm cả virus Zika và Dengue) trong các trường hợp nhiễm trước đó. Điều này đã đặt ra những thách thức cho các nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng, chẩn đoán virus và phát triển vắc-xin.

“Công nghệ này rất tuyệt vời. Bạn không cần phải biết trình tự, cấu trúc hay thậm chí là tác nhân gây bệnh,” Bác sĩ Donald Burke, cựu hiệu trưởng của trường Pitt Public Health cho biết. “Miễn là đã chọn đúng bộ mẫu máu bệnh nhân để so sánh, bạn có thể tìm ra các kháng thể quan trọng khác nhau giữa các bệnh nhân, cùng với các phân tử dấu ấn sinh học tổng hợp tương ứng.”

Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu về virus Zika kể từ khi nó xuất hiện ở châu Mỹ vào năm 2015. Trước khi nó xuất hiện ở Brazil, nhóm vốn đang nghiên cứu về virus Dengue. TS. Castanha cho biết: “Đối với mỗi mẫu xét nghiệm trong đợt bùng phát năm 2015, chúng tôi phải thực hiện 10 xét nghiệm máu khác nhau để xác nhận virus Zika. Những xét nghiệm này vừa khó khăn về mặt kỹ thuật vừa tốn thời gian, khiến chúng trở nên không thực tế trong việc cung cấp hướng dẫn lâm sàng. Tôi nghĩ nếu hồi đó chúng tôi có phân tử này thì đã thật tuyệt vời biết bao.”

Điều quan trọng là công nghệ sàng lọc PICCO sử dụng để xác định phân tử đặc hiệu của virus Zika không cần bảo quản lạnh và cũng có thể được sử dụng cho các đợt bùng phát khác. “Phân tử này là một phân tử mô phỏng không thể mở gấp cuộn được,” TS. Kodadek nói. “Có nghĩa là không cần dây chuyền lạnh, khiến nó đặc biệt hữu ích khi các đợt bùng phát xảy ra ở các khu vực vùng sâu vùng xa hoặc nơi có tiềm lực thấp.”

Nguồn: https://www.genengnews.com/news/zika-and-dengue-infections-differentiated-using-epitope-surrogate-technology/
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Trung Quỳnh Như - P.CNSH Y dược

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập92
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay6,835
  • Tháng hiện tại438,605
  • Lượt truy cập:24142922
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
bpd
help bophapdien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây