Trung tâm công nghệ sinh học Thành Phố Hồ Chí Minh
 
ddci hcmc banner 02 1279x447

Công nghệ nano kết hợp chất hoạt tính sinh học đang cứu bệnh nhân khỏi các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng

Thứ sáu - 20/12/2024 09:08
Kiểm soát nhiễm trùng là một vấn đề quan trọng trong các cơ sở y tế. Nguy cơ mắc phải các bệnh nhiễm trùng trong quá trình điều trị tại bệnh viện (HAIs) gây ra mối đe dọa đáng kể đến sức khỏe và kết quả điều trị của bệnh nhân. Nhiễm trùng có thể kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí y tế, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Do đó, việc xây dựng và triển khai các chiến lược kiểm soát nhiễm trùng hiệu quả là yếu tố cấp thiết để giảm thiểu những rủi ro này.

Các lớp phủ kháng khuẩn được thiết kế để ức chế sự phát triển và lây lan của các vi sinh vật gây hại trên bề mặt các thiết bị y tế, làm giảm tỉ lệ nhiễm trùng. Thông qua việc kết hợp các đặc tính kháng khuẩn trên các thiết bị y tế góp phần đáng kể trong việc nâng cao an toàn cho bệnh nhân và đạt được kết quả điều trị tốt hơn. 

Ban đầu, các lớp phủ kháng khuẩn chủ yếu ứng dụng các kim loại như bạc và đồng vốn nổi tiếng với khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, với những đột phá trong khoa học vật liệu và công nghệ nano, các lớp phủ kháng khuẩn ngày nay đã trở nên đa dạng và hiệu quả hơn bao giờ hết. Từ các lớp phủ polymer đến phát triển kết hợp các vật liệu sinh học như thủy tinh và gốm, góp phần đáng kể vào việc nâng cao các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng.

Vật liệu và công nghệ

Công nghệ nano cho phép tạo ra các bề mặt kháng khuẩn ở cấp độ nano. Các hạt nano kim loại như bạc, kẽm, đồng được ứng dụng rộng rãi nhờ đặc tính kháng khuẩn độc đáo. Các hạt nano này được tích hợp vào lớp phủ tạo thành một hàng rào bảo vệ bền vững, ngăn chặn sự xâm nhập và phát triển của vi sinh vật trong thời gian dài. Diện tích bề mặt tiếp xúc lớn và cấu trúc nano giúp tăng cường khả năng tương tác với tế bào vi khuẩn, phá hủy màng tế bào và tiêu diệt chúng một cách hiệu quả.

Thủy tinh sinh học và gốm sinh học giải phóng các ion kháng khuẩn như canxi, photphat và silicate. Các vật liệu này có khả năng liên kết với mô sinh học, giúp thúc đẩy quá trình làm lành vết thương và ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Do đó, với tính năng kép độc đáo, thủy tinh sinh học đã mở ra hướng đi mới, đặc biệt trong chỉnh hình và nha khoa, cụ thể trong các trường hợp cần cấy ghép hoặc sử dụng thiết bị tiếp xúc với xương và mô mềm.

Lớp phủ thông minh có khả năng phản ứng với các kích thích từ môi trường để tăng cường hoạt tính kháng khuẩn. Những lớp phủ này giải phóng các chất kháng khuẩn khi có sự thay đổi về độ pH, nhiệt độ hoặc các enzyme đặc biệt do vi khuẩn sản sinh ra.Ví dụ, lớp phủ nhạy với sự thay đổi pH, giải phóng các tác nhân kháng khuẩn trong môi trường acid tại các vùng nhiễm trùng. Phương pháp tiếp cận có mục tiêu này chỉ kích hoạt hoạt tính kháng khuẩn khi cần thiết giúp giảm nguy cơ kháng thuốc và độc tính tiềm ẩn. Việc kết hợp các vật liệu và công nghệ tiên tiến vào thiết bị y tế đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiệu quả kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế.

Ứng dụng trong thiết bị y tế

Việc tích hợp lớp phủ và vật liệu kháng khuẩn vào các thiết bị y tế giúp tăng cường tính an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị.

Hydrogel kháng khuẩn ngày càng được sử dụng nhiều trong chăm sóc vết thương nhờ khả năng giữ ẩm và ức chế sự phát triển của vi sinh vật. Hydrogel có thể được bổ sung các chất kháng khuẩn như hạt nano bạc, iốt hoặc kháng sinh. Cấu trúc đặc biệt của hydrogel cho phép giải phóng liên tục các tác nhân kháng khuẩn giúp tối ưu hóa hiệu quả diệt khuẩn. Ngoài ra, hydrogel kháng khuẩn còn có thể hấp thụ dịch tiết, giảm viêm và tích cực thúc đẩy quá trình tái tạo mô, trở thành giải pháp hữu ích cho điều trị các vết thương mãn tính, vết bỏng và sau phẫu thuật.

Thiết bị y tế cấy ghép như thiết bị chỉnh hình, stent tim và ống thông luôn đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Biofilm là lớp màng sinh học do vi khuẩn tạo ra, là tác nhân chính gây nhiễm trùng liên quan đến thiết bị. Lớp phủ kháng khuẩn tiên tiến được thiết kế để ức chế sự bám dính và hình thành biofilm của vi khuẩn. Các lớp phủ kháng khuẩn thường kết hợp đồng bộ giữa các hạt nano kim loại, polymer và các hợp chất có hoạt tính sinh học để tạo nên hệ thống bảo vệ đa tầng. Ví dụ, lớp phủ kết hợp bạc và kháng sinh mang lại hiệu quả kháng khuẩn kép, vừa diệt khuẩn tức thời nhờ bạc, vừa duy trì khả năng kháng khuẩn lâu dài nhờ giải phóng kháng sinh, giảm nguy cơ nhiễm trùng và cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân.

Các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe như đồng hồ thông minh, cảm biến sinh học đang được tích hợp với vật liệu kháng khuẩn để tăng cường an toàn và vệ sinh cho người sử dụng. Những thiết bị này được đeo trong thời gian dài, có thể chứa vi khuẩn và nấm, dẫn đến nhiễm trùng da. Việc tích hợp lớp phủ kháng khuẩn vào thiết bị tạo nên một hàng rào bảo vệ hiệu quả, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và nấm. Hơn thế nữa, lớp phủ kháng khuẩn còn giúp kéo dài tuổi thọ của sản phẩm bằng cách giảm thiểu sự phân hủy vật liệu do vi sinh vật gây ra.

Cơ chế và hiệu quả

Việc nắm vững cơ chế hoạt động của lớp phủ kháng khuẩn là yếu tố then chốt để tối ưu hóa hiệu quả và phát triển các ứng dụng mới.

Lớp phủ đa chức năng không chỉ có khả năng kháng khuẩn mà còn thúc đẩy tái tạo mô, giảm viêm và tăng khả năng tương thích sinh học. Một số lớp phủ kết hợp chất kháng khuẩn với các yếu tố tăng trưởng, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình làm lành vết thương. Những lớp phủ này có ứng dụng rộng rãi trong các thiết bị y tế cần nhiều chức năng điều trị.

Lớp phủ kháng khuẩn có thể được tích hợp với hệ thống phân phối thuốc, nâng cao hiệu quả điều trị. Bằng cách giải phóng từ từ các kháng sinh hoặc các tác nhân điều trị một cách kiểm soát, lớp phủ này tạo ra một phương pháp điều trị tại chỗ trực tiếp tại vùng nhiễm trùng. Điều này không chỉ giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh toàn thân, hạn chế tác dụng phụ mà còn góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh nhờ duy trì nồng độ thuốc cao tại vị trí nhiễm khuẩn, tiêu diệt hiệu quả các vi sinh vật gây bệnh.

Hiệu quả lâu dài và độ bền của lớp phủ kháng khuẩn là yếu tố cần thiết để ứng dụng thành công trong y tế. Các lớp phủ này cần phải duy trì khả năng kháng khuẩn ổn định theo thời gian, đặc biệt trong điều kiện khắc nghiệt như khử trùng thường xuyên, tác động cơ học và tiếp xúc thường xuyên với dịch tiết cơ thể. Nhờ những tiến bộ trong khoa học vật liệu, các lớp phủ kháng khuẩn thế hệ mới đã được phát triển, có khả năng chịu được các điều kiện khắc nghiệt mà không làm giảm hiệu quả. Ví dụ, các lớp phủ gốc polymer có khả năng duy trì hiệu quả kháng khuẩn lâu dài đồng thời giúp bảo vệ vật liệu bên dưới khỏi các yếu tố phân hủy

Định hướng phát triển

Các giải pháp kháng khuẩn được cá nhân hóa, thiết kế riêng cho từng bệnh nhân, hứa hẹn mang lại hiệu quả điều trị tối ưu bằng cách nhắm mục tiêu vào các tác nhân gây bệnh cụ thể. Nhờ những tiến bộ vượt bậc trong y học chính xác và công nghệ sinh học, việc phát triển các lớp phủ kháng khuẩn cá nhân hóa trở nên khả thi. Bằng cách tận dụng vật liệu sinh học có nguồn gốc từ chính bệnh nhân và các hợp chất hoạt tính sinh học, các lớp phủ này không chỉ tăng cường khả năng tương thích sinh học mà còn mang lại hiệu quả điều trị tối ưu, đồng thời giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.

Việc đưa các lớp phủ kháng khuẩn mới vào ứng dụng lâm sàng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong môi trường quy định chặt chẽ. Các cơ quan quản lý như FDA và EMA đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn và hiệu quả, khiến quá trình phê duyệt trở nên phức tạp và tốn kém. Điều này không chỉ kéo dài thời gian đưa sản phẩm ra thị trường mà còn hạn chế sự đổi mới. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và cơ quan quản lý nhằm xây dựng khung pháp lý rõ ràng, hợp lý hóa quy trình phê duyệt, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa các giải pháp kháng khuẩn mới đến bệnh nhân.

Một thách thức lớn đối với các lớp phủ kháng khuẩn là hiện tượng kháng thuốc ở vi sinh vật. Tương tự như vi khuẩn kháng kháng sinh, vi khuẩn có thể thích nghi với bề mặt kháng khuẩn theo thời gian. Để đối phó với vấn đề này, các nhà nghiên cứu đang tập trung vào các chiến lược đa dạng hóa, như kết hợp nhiều cơ chế kháng khuẩn khác nhau và luân phiên sử dụng các tác nhân kháng khuẩn. Bên cạnh đó, việc kết hợp lớp phủ kháng khuẩn với các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tổng thể, bao gồm cải tiến quy trình khử trùng và sử dụng kháng sinh hợp lý, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và làm chậm quá trình kháng thuốc. Việc giám sát liên tục sự phát triển của các cơ chế kháng thuốc và điều chỉnh các lớp phủ kháng khuẩn một cách linh hoạt là yếu tố then chốt để duy trì hiệu quả lâu dài của các giải pháp này. Việc giám sát và nghiên cứu liên tục về các cơ chế kháng thuốc là yếu tố then chốt để duy trì hiệu quả lâu dài của lớp phủ kháng khuẩn.

Nguồn : https://insights.globalspec.com/article/22735/bioactives-and-nanotech-are-saving-patients-from-serious-infections?&cid=nl
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Trọng Nghĩa - P. CNSH Vật liệu - Nano

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Lượt truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay2,205
  • Tháng hiện tại197,829
  • Lượt truy cập:23902146
Liên kết web
Bộ giống vi sinh vật
0101
20210723 DG BANNER
HD
LogoSNN1
bpd
help bophapdien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây